Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Những nỗi lo không bao giờ cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Còn chưa tới một tuần lễ nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ diễn ra trên toàn quốc. Là nơi tập trung nhiều đơn vị tổ chức thi với số lượng thí sinh lớn, hơn ai hết, các trường trên địa bàn Hà Nội đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị với những nỗi lo toan không bao giờ cũ.
Chấp nhận "ảo" và "lỗ"
Nếu như 1- 2 mùa thi trước, các hội đồng tuyển sinh nơm nớp với việc đối phó với dịch cúm, với việc bị cắt điện, thì năm nay các trường lưu ý nhiều tới tình hình mưa bão, úng ngập có thể ảnh hưởng tới việc đi lại của thí sinh (TS) và công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường đều cho biết, đã chuẩn bị các phương án đề phòng những tình huống có thể xảy ra do diễn biến phức tạp của thời tiết.
Trong khi đó, nỗi lo trực tiếp mà các trường đang đối mặt là tình trạng TS "ảo" triền miên, năm nào cũng biết trước mà cũng không thể tránh được. Theo ông Vũ Viết Bình, Phó Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội: Với số hồ sơ đăng ký dự thi là trên 30.000, theo kinh nghiệm tổ chức thi mọi năm, nhà trường ước tính tỉ lệ TS dự thi khoảng trên 70%. Riêng trong ĐH Quốc gia Hà Nội, nhà trường có phần mềm lọc hồ sơ nên có thể xác định được những TS nộp 2-3 hồ sơ vào các trường, khoa thành viên, nên đã biết được có khoảng 1.500 hồ sơ ảo. Năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội có 15 điểm thi cho khối A, B, 9 điểm thi cho khối D và 8 điểm thi cho khối C. Số phòng thi lên tới hàng nghìn phòng.

Thi sinh “ảo” vẫn là bài toán khó giải với các trường. Ảnh: Nhật Nam
Cũng ước tính tỉ lệ TS dự thi khoảng 70%, song Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Tĩnh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, năm nay số điểm thi của trường giảm 2 điểm so với năm 2010. Nhà trường khá thuận lợi trong việc thuê phòng thi, nhiều năm nay không phải tổ chức thi tại các trường tiểu học nên tránh được bất tiện cho TS do bàn ghế quá bé.
Nhưng không phải đơn vị nào cũng thuê được địa điểm thuê như ý. Ông Trần Khắc Thạc, phụ trách tuyển sinh Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, dư luận không nên quá khắt khe về việc TS phải thi tại phòng học của trường tiểu học. Bởi theo ông, mấy chục trường tổ chức tuyển sinh đồng thời, nhu cầu phòng thi rất lớn, việc thuê được phòng thi ở khu vực trung tâm là rất khó khăn. TS phải thi tại trường tiểu học song ở nội thành thì dù có bất tiện cũng vẫn thuận lợi hơn phải đến những điểm thi xa ở ngoại thành.
Mặc dù khó khăn trong việc tìm phòng thi nhưng các trường đều cho biết sẽ chấp hành quy định của Bộ GD-ĐT 40 chỗ/phòng thi, chứ không tăng số chỗ trong mỗi phòng để giảm lỗ.
Chi phí tăng từ 30% đến 40%
Ngoài việc tìm thuê phòng thi, điểm thi, nhiều trường còn kêu trời bởi giá thuê tăng cao. Ông Trần Khắc Thạc cho biết: Giá thuê mỗi phòng thi năm nay là 350.000 đồng/phòng, tăng khoảng 30% so với năm 2010. Với 13 điểm thi, năm nay Trường ĐH Thủy lợi phải chi trên 150 triệu cho tiền thuê phòng thi. Giá in sao đề năm nay tăng thành 14.500 đồng/bộ, trong khi năm ngoài là 11.000 đồng/bộ. Riêng tiền in sao đề đã "ngốn" hơn 181 triệu đồng. Các chi phí văn phòng phẩm khác đều tăng 30 – 40%.
Trong khi đa số trường có số hồ sơ đăng ký giảm nhẹ thì Trường ĐH Y năm nay lại tăng gần 3.000 hồ sơ, với số hồ sơ lên đến gần 18.000 nên trường phải tổ chức tới 26 điểm thi, năm ngoái là 20. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Nguyễn Hữu Tú nhẩm tính, chi phí năm nay sẽ tăng cao bởi ngoài việc tăng phòng thi, giấy thi, đề thi, nhà trường sẽ cố gắng tăng thù lao trông thi, chấm thi với mức tăng ít nhất là bằng tỉ lệ trượt giá. Còn ông Trần Khắc Thạc thì cho biết, dẫu không kham nổi mức thù lao trông thi cho cán bộ, giảng viên lên tới 500.000 đồng/đợt thi như một số trường "nhà giàu" nhưng Trường ĐH Thủy lợi chắc chắn sẽ áp dụng mức cao hơn 300.000 đồng/người/đợt thi.
Việc phải bù "lỗ" nói chung đều đã nằm trong tính toán của các trường, trường ít cũng phải từ 30 triệu đến 50 triệu, trường nhiều thì vài trăm triệu đồng cho mỗi kỳ tuyển sinh. Tuy nhiên các trường đều đặt lên trên hết nhiệm vụ tổ chức kỳ thi an toàn, hiệu quả, TS được tạo điều kiện tốt nhất để làm bài.
Hỗ trợ thí sinh qua trang web
Để giảm thiểu khó khăn cho TS, nhiều trường đã đưa lên trang web các thông tin chi tiết về phòng thi, điểm thi. Trường ĐH Điện lực đã đưa danh sách thí sinh và phòng thi lên trang web của trường và tạo điều kiện cho thí sinh chưa nhận được giấy báo thi sau ngày 13-6 đến trường để xin cấp lại. Trường ĐH Mỏ – Địa chất có danh sách địa chỉ cụ thể của 19 điểm thi cùng số báo danh của TS trên website. Trường cũng cung cấp bản đồ hướng dẫn tới tất cả 16 điểm thi tại Hà Nội với 383 phòng thi.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay có thể tra cứu theo họ tên, ngày sinh hoặc số báo danh, có thể tìm phòng thi và xem sơ đồ nhà trường theo địa chỉ http://www.hnue.edu.vn/Tienich/Bandotruong.aspx hoặc xem bản đồ giao thông đến trường tại địa chỉ http://www.hnue.edu.vn/Tienich/Giaothong.aspx.
Viện Mở Hà Nội cũng đưa bản đồ 19 điểm thi tại Hà Nội lên trang web. Trên website của Trường ĐH Công nghiệp có dành chỗ để thí sinh tra số báo danh, nơi thi và cung cấp bản đồ các điểm thi. Học viện Bưu chính viễn thông thì có dịch vụ tra cứu qua điện thoại 8x81cho hệ liên thông cũng như hệ ĐH, CĐ chính quy. Qua tổng đài này, thí sinh có thể tra số báo danh, phòng thi, địa điểm, lịch thi, điểm trúng tuyển… với cước phí nhắn tin từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/cuộc.
Có thể nói, đến thời điểm này, các trường ĐH, nhất là các đơn vị tổ chức thi đợt 1, ngày 4 và 5-7, đã sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong năm.
Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)