Đến thời điểm này, hầu hết các trường đã sẵn sàng cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới với những dự đoán đã được tính trước
Chấp nhận lỗ
Nỗi lo đầu tiên các trường phải đối mặt trước mỗi mùa tuyển sinh chính là tỉ lệ thí sinh “ảo”. Mặc dù Bộ GDĐT khẳng định, với các trường có từ 20 điểm thi trở lên như năm trước thì số lượng thí sinh đăng ký dự thi không giảm nhiều và tỷ lệ "chọi" cũng tương đương; những trường "tốp dưới" chắc chắn tỷ lệ thí sinh dự thi sẽ giảm nhiều; trường "tốp giữa" tỷ lệ "chọi" cũng sẽ hạ hơn nhưng các trường vẫn không thoát được nỗi lo thí sinh “ảo” này.
Tuy không thể dự báo lượng thí sinh thực nhưng các trường đều phải chuẩn bị đủ phòng thi theo đúng số thí sinh ĐKDT. Ông Vũ Viết Bình, Phó Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường có phần mềm lọc hồ sơ nên có thể xác định được những thí sinh nào nộp 2-3 hồ sơ vào các trường và khoa thành viên, vì thế có thể xác định được khoảng 1.500 hồ sơ ảo trong tổng số trên 30.000 hồ sơ ĐKDT. Năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội có 15 điểm thi cho khối A, B, 9 điểm thi cho khối D và 8 điểm thi cho khối C với hàng nghìn phòng thi.
ĐH Sư phạm Hà Nội cũng ước tính tỉ lệ thí sinh dự thi chỉ đạt khoảng 70% nhưng nhà trường cho biết, trường chấp nhận lỗ, chấp hành quy định của Bộ là 40 chỗ/phòng thi chứ không tăng số chỗ trong mỗi phòng thi.
Không chỉ lo về tỉ lệ thí sinh “ảo”, các trường còn phải đối mặt với biến động giá cả thuê phòng thi và địa điểm thi. Lãnh đạo ĐH Thủy lợi cho biết, giá thuê mỗi phòng thi năm nay là 350.000 đồng/phòng, tăng khoảng 30% so với năm 2010. Giá in sao đề năm nay tăng thành 14.500 đồng/bộ, trong khi năm ngoài là 11.000 đồng/bộ, các chi phí văn phòng phẩm khác đều tăng 30 – 40%. Đó là còn chưa kể đến thù lao cho cán bộ coi thi.
Hầu hết các trường đều xác định sau mỗi mùa tuyển sinh đều phải bù lỗ từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vì một kỳ thi an toàn, hiệu quả, các trường đều chấp nhận thực tế này và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Đề thi không nằm ngoài chương trình
Các trường ĐH thi tuyển sinh đợt I hầu như đã hoàn thành xong mọi công tác chuẩn bị. Bộ GDĐT đã cử một lượng lớn thanh tra viên tham gia kỳ thi. Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát việc in sao đề thi, cán bộ thanh tra lưu động hoạt động trước, trong và sau kỳ thi.
Đến thời điểm này, đề thi tuyển sinh khối A đã hoàn tất và chuyển tới các cơ sở in sao đề trên toàn quốc. Theo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), hội đồng ra đề bao gồm các giảng viên ĐH, giáo viên THPT của cả ba miền tham gia. Đề thi đươc phản biện, biên soạn đáp án, tránh không để xảy ra sai sót, kể cả những sai sót nhỏ nhất.
Nội dung đề thi đạt yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đặc biệt phân loại được trình độ học lực của thí sinh. Đề thi không ra vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm, những phần, ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Ngoài ra, đề thi năm nay cũng khuyến khích khả năng sáng tạo của thí sinh theo từng bộ môn. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm.
Theo Nguyên Minh
(Laodong)
Bình luận (0)