Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngày đầu tiên thi tuyển sinh ĐH-CĐ: Chật vật với đề thi

Tạp Chí Giáo Dục

Các thí sinh (TS) dự thi ĐH đợt 1 đã kết thúc 2 môn thi đầu tiên trong ngày hôm qua. Theo nhận định của giáo viên và ghi nhận từ TS, đề thi toán, lý đều rất khó và dài. Nhiều người dự đoán với tình hình này, điểm sàn khối A năm nay sẽ thấp.
Đúng chất thi tuyển
Nhiều TS tại TP.HCM cho biết đề toán quá khó. TS Nguyễn Minh Trung (Khánh Hòa) dự thi vào ngành Khoa học vật liệu trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nói: “Đề bài có 7 câu, nhưng em chỉ làm được 2 câu. Số còn lại em không biết làm”. Học lực môn toán năm lớp 12 của Trung là 7,5, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Trung đạt 9,5 điểm toán. Nhiều TS có học lực khá cũng nhận định đề toán khó. TS Nguyễn Bách Tùng (Vũng Tàu) dự đoán: “Em làm chỉ được 50%”. Tại Thanh Hóa, các TS cũng cùng nhận định. TS Nguyễn Thị Hà cho biết: “Đề thi môn toán khó, nên em chỉ làm được một nửa nội dung đề ra”. TS tại cụm thi Quy Nhơn cũng cho rằng năm nay đề toán khó và dài hơn năm ngoái. TS Lê Tú Kiều Trinh (Quảng Nam) thi vào ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết chỉ làm được khoảng 50%.
Đề thi năm nay quá khó với phần lớn thí sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch 
Về đề thi môn lý, TS Hoàng Thị Phương (Thanh Hóa) dự thi vào trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận xét: “Đề có câu rất khó. Các bài toán nhiều câu khó, đòi hỏi nhiều thời gian để tính toán. Trong khoảng 90 phút với 50 câu, trung bình mỗi câu chỉ có 1 phút 20 giây thì rất khó để hoàn thành toàn bộ bài thi”. Cùng tâm trạng, TS Hoàng Duy Cương thi vào trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thở dài: “Đề môn lý có nhiều câu khó, trong số 50 câu em thấy chỉ có khoảng 10 câu tương đối dễ. Trong phòng thi của em cũng nhiều bạn không làm được bài nên chỉ đợi hết giờ để ra ngoài”.
Bị đình chỉ thi chủ yếu do điện thoại di động
Mặc dù trước ngày thi, qua nhiều kênh thông tin, TS biết rằng mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm kỷ luật. Thế nhưng trong ngày thi đầu tiên, phần lớn các trường hợp vi phạm quy chế lại do ĐTDĐ.

60 thí sinh vi phạm quy chế thi

Theo tin từ Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót; không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi. Công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc, không khí trường thi trật tự, an toàn. Tỷ lệ TS dự thi/số đăng ký dự thi: buổi sáng, môn toán: 76,92%; buổi chiều, môn vật lý: 76,34%. Toàn ngày thi có 60 TS vi phạm Quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách 22, cảnh cáo 9, đình chỉ 26 và 3 TS đến muộn không được dự thi). 

Vũ Thơ

Tại Hà Nội, ở hội đồng thi của trường ĐH Thủy lợi đã phát hiện 3 TS mang ĐTDĐ vào phòng thi. Một trường hợp khi giám thị vừa phát đề xong được một phút, nghi vấn thấy trong túi TS có biểu hiện bất thường, giám thị đã đề nghị TS này bỏ ra thì đó là chiếc ĐTDĐ trong chế độ tắt. Ngay lập tức TS này bị lập biên bản đình chỉ thi. Một trường hợp khác do TS lấy điện thoại nghịch. Khi giám thị hỏi thì được biết, em bị gia đình ép đi thi nên đã làm như vậy để được ra ngoài! Ở các địa phương khác, hầu như các trường hợp bị đình chỉ thi cũng do mang ĐTDĐ. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại các tỉnh thành như: TP.HCM, Nha Trang, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Đà Nẵng,  Đà Lạt, ĐBSCL: 11 trường hợp bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi.
Nhiều phòng thi chưa đúng quy định
Theo quy chế về tuyển sinh, mỗi phòng thi chỉ tối đa 40 TS, các phòng thi lắp ghép cần có vách ngăn. Tuy nhiên, trên thực tế tại Hội đồng thi trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có những phòng thi có tới 160 TS nhưng hoàn toàn không có vách ngăn. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến – Vụ trưởng, phụ trách thanh tra phía Nam, cho biết: “Do áp lực về số lượng TS dự thi đông trong khi cơ sở vật chất giới hạn nên ở nhiều trường khi tổ chức thi phải sử dụng giảng đường để làm phòng thi. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có sử dụng giảng đường làm phòng thi nhưng không có vách ngăn, đoàn thanh tra sẽ xem xét làm rõ”.

Nhận định của giáo viên:

Môn vật lý: Khó làm hết trong 90 phút

Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, độ phân hóa cao, phù hợp với TS. Đề thi năm nay dễ hơn năm 2010 một chút và không có câu hỏi đánh đố TS. Tuy vậy, có những câu mà dữ liệu cho trong phần dẫn rắc rối, dài dòng. Với những câu này, để đọc hiểu câu hỏi đã tốn thời gian hơn 2 phút, trong khi trung bình mỗi câu trong đề thi chỉ có thời gian 1,8 phút. Vì vậy, TS khó mà làm hết đề thi trong vòng 90 phút. Với đề thi này, TS trung bình chỉ được khoảng 3 – 4 điểm, TS khá, giỏi có thể đạt 5 – 6 điểm. Phải xuất sắc mới có thể đạt điểm 7 trở lên.

Thầy ĐỒNG VĂN NINH
Tổ trưởng tổ vật lý trường THPT Lê Quý Đôn

Môn toán: Ít có điểm 10

Nhìn chung đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn so với năm ngoái và dài hơn khiến TS mất thời gian hơn.

Trong các câu, câu số 5 là khó nhất, đòi hỏi TS phải sử dụng kỹ thuật tổng hợp nhiều thứ: xử lý các điều kiện, ẩn phụ, biến đổi tương đương, phương pháp hàm số. Tiếp theo đó, ý 2 câu 2 buộc học sinh phải nhận xét tốt mới làm được vì hơi rắc rối, dài dòng, phải kỹ lưỡng, cẩn thận. Vì thế, TS học lực trung bình chỉ được 5 điểm là tối đa. TS khá – giỏi có thể được 6 – 7 điểm. Chỉ xuất sắc mới có thể đạt điểm 8 trở lên.

Vì vậy, môn toán sẽ ít có điểm 10.

Thầy NGUYỄN DUY HIẾU
Trưởng bộ môn toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Đăng Nguyên (ghi)

 

Nhiều thí sinh khuyết tật vẫn phải dự thi

Điểm mới của kỳ thi năm nay là Bộ GD-ĐT cho phép những TS khuyết tật không tự phục vụ được nhu cầu cá nhân sẽ được miễn thi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, do quy định chưa cụ thể nên hiện nay có trường miễn thi, có trường không. 

Tại Hội đồng thi trường ĐH Sư phạm Hà Nội, có một TS khiếm thị đăng ký dự thi. Nhà trường vẫn tổ chức thi cho TS với một phòng thi đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Tĩnh – Hiệu phó, cho biết: “Trường thấy vẫn cần phải tổ chức thi cho TS để lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển. Sau đó, Hội đồng tuyển sinh mới xem xét để đánh giá TS có đủ năng lực theo học ngành đăng ký hay không”. Trường ĐH Thủy lợi cũng có một trường hợp TS khuyết tật xin được miễn thi. Ông  Nguyễn Quang Kim – Hiệu trưởng, giải thích khi đang tổ chức thi môn thứ hai, nhà trường mới nhận được đơn xin xét tuyển của TS. Vì TS này đã dự thi, nên sau khi thi xong nhà trường mới xem xét để có chính sách ưu tiên.

Một số trường ĐH khác cho biết chỉ cần TS khuyết tật có đơn xin xét tuyển, thấy năng lực của các em có thể theo học thì nhà trường đều miễn thi. Ông Nguyễn Cảnh Lương – Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, cho hay: “Năm nay trường nhận được 4 đơn xin xét tuyển của TS khuyết tật, trong đó có 3 khiếm thị. Cả 4 TS này đều được nhà trường xét tuyển thẳng vào học vì có kết quả học lực giỏi ở bậc phổ thông.

Vũ Thơ

 

Cán bộ coi thi ký nhầm giấy thi

Trưa qua, sau buổi thi môn toán, nhiều phóng viên đã nhận được đơn của ông Nguyễn Đăng Điền (57 tuổi, ở 435/83 Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng, đưa cháu đi thi) gửi Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, Hội đồng tuyển sinh Học viện Hậu cần, Hội đồng coi thi trường Sĩ quan chỉ huy – kỹ thuật thông tin (Nha Trang). Trong đơn phản ảnh: Trong giờ thi môn toán, tại phòng thi 041 thuộc hội đồng coi thi trường Sĩ quan chỉ huy – kỹ thuật thông tin, cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô dành cho giám khảo. Sau khi TS làm bài được khoảng 120 phút, cán bộ coi thi mới phát hiện sai sót này và phát lại giấy thi, yêu cầu TS chép lại bài làm và không cho thời gian làm thêm. Sự cố này làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian làm bài và tâm lý của TS. Đây là một thiệt thòi lớn của 24 TS trong phòng thi, mà lỗi do cán bộ coi thi gây ra. Sau khi nhận được đơn, các phóng viên tìm cách liên hệ với lãnh đạo trường nhưng không tiếp cận được. Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thiện Nhân
Theo thanhnien 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)