Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đào tạo chương trình tiên tiến: Cơ hội rộng mở đối với sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một trong 9 chương trình đào tạo tiên tiến được Bộ GD-ĐT thí điểm đầu tiên đã có SV tốt nghiệp. Ngoài kiến thức về chuyên môn vững chắc những SV này rất tự tin khi bảo vệ khóa luận bằng tiếng Anh trước một Hội đồng phản biện là các GS, PGS đầu ngành.

Trung tuần tháng 6 vừa rồi, 35 sinh viên (SV) khóa I chương trình đào tạo tiên tiến ngành Hóa học – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã hoàn thành xuất sắc trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng ngôn ngữ Tiếng Anh. Đây cũng là lứa SV đầu tiên của chương trình đào tạo tiên tiến cả nước chuẩn bị ra trường. Ngoài khả năng thuyết trình lưu loát, các SV này còn khiến cho Hội đồng phản biện bất ngờ trước tính khả thi của các đề tài bảo vệ. 

SV Trịnh Thái Hà tự tin bảo vệ khóa luận bằng tiếng Anh trước Hội đồng bảo vệ.

"Học bằng tiếng Anh, thời gian đầu rất căng thẳng"

Theo yêu cầu của chương trình tiên tiến là tất cả môn chuyên ngành phải được giảng dạy và học bằng tiếng Anh, điều này khiến các SV khối tự nhiên "choáng váng". Chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh của SV chương trình tiên tiến phải đạt IELS 6.0.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu trong suốt 5 năm học, Nguyễn Anh Đức (SV năm cuối, khoa Hóa) chia sẻ: “Mình học trên 10 môn chuyên ngành bằng tiếng Anh và được các giáo sư nước ngoài giảng dạy. Thời gian đầu, mình rất căng thẳng, chủ yếu là nhìn slide, về nhà đọc sách lại từ đầu. Mình đã phải mất 2 năm để có thể nghe và hiểu hết các thầy giảng dạy. Việc thuyết trình nhiều, cũng như trao đổi với các giáo sư giúp mình tăng khả năng nghe nói tiếng Anh rất nhiều.”
Theo Đức, điều mà cậu học được sau chương trình tiên tiến là: có kỹ năng rất tốt về tiếng Anh, được tiếp cận kiến thức khoa học mới nhất trên thế giới và có nhiều cơ hội xin học bổng nước ngoài. Bản thân Đức với điểm tổng kết 3.4, tháng 7 này Đức sẽ đi Mỹ học tiến sỹ 5 năm ở trường ĐH Illinois.
Còn Trịnh Thái Hà, một cô gái nhỏ nhắn gây ấn tượng với bản thuyết trình đề tài “Sản xuất xăng sinh học từ dầu ăn phế thải” cùng với khả năng nói tiếng Anh trôi chảy khiến Hội đồng và mọi người tham dự buổi bảo vệ khóa luận đều hết lời khen ngợi.
Khi thuyết trình, Hà không tỏ ra lúng túng trước những câu hỏi của các thầy, cô bình tĩnh và trả lời rất tốt. Thậm chị cô còn chủ động đặt câu hỏi cho các giáo sư người nước ngoài về chuyên ngành khoa học. Một trong những mơ ước của Hà đó là đề tài của cô sẽ được áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam bởi hiện nay vấn đề năng lượng sạch đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ về cách học tiếng Anh, Thái Hà cười vui vẻ đáp: “Để học tốt tiếng Anh, bạn hãy tham gia vào các tổ chức nước ngoài. Vừa có thể tăng khả năng tiếng Anh, vừa giúp bạn tự tin lên rất nhiều. Đối với mình, việc học bằng tiếng Anh không có gì là bị áp lực cả. Mình vẫn tham gia rất nhiều các hoạt xã hội khác. Điều quan trọng là do bản thân mình có quyết tâm hay không.”
Nhiều cơ hội!
Theo GS.TSKH Lưu Kim Bội – Chủ nhiệm khoa Hóa trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN) thì điều đáng ghi nhận nhất khi SV theo học chương trình tiên tiến đó là họ được giao lưu, được “nhúng” trong môi trường với các giáo sư nước ngoài, được đi thực tập hè ở trường đối tác, do đó, năng lực giao tiếp, cách tư duy năng động hơn.
Không những thế với việc được nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất nên trong quá trình học tập bản thân SV cũng đã chứng tỏ được mình và lọt vào “tầm ngắm” của các đơn vị tuyển dụng. Bên cạnh đó, với khả năng chuyên môn tốt kết hợp với trình độ tiếng Anh lưu loát nên cơ hội tìm kiếm các học bổng để nâng cao thêm trình độ không phải là điều quá khó.
GS.TSKH Bôi tiết lộ: “Mới khoá đầu tiên, có những SV chưa học xong đã được mời làm ở công ty nước ngoài. Có 10 SV được ĐH Illinois, Mỹ cấp học bổng làm tiến sĩ, một trường của Nhật cấp 5 học bổng cho sinh viên khoá một làm tiến sĩ. Trường của Pháp cũng nhận cấp học bổng cho vài SV. Có nhiều công ty của Nhật đã ký với 5 – 6 SV. Như vậy 35 SV của khoá đầu tiên này hoặc đi học tiến sĩ, hoặc làm ở các công ty nước ngoài”.
Theo nhận định của nhiều SV đang theo theo học ở các trường ĐH thì sở dĩ họ chọn chương trình tiên tiến bởi hy vọng có nhiều cơ hội du học, được học chương trình tốt và giáo viên nước ngoài… Tuy nhiên, hiện số giáo viên nước ngoài trao đổi chương trình còn ít, việc nghiên cứu khoa học chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt SV rất khó vay tiền ngân hàng để học trong khi học phí của chương trình khá cao.
GS Lưu Kim Bôi cũng cho rằng, mặt chưa được của chương trình đào tạo tiên tiến đó là kinh phí còn quá eo hẹp. Nhất là đối với các ngành học liên quan đến thực nghiệm như hóa học, sinh học…, chúng ta mới chỉ cải thiện được vấn đề lý thuyết, còn thí nghiệm, thực hành chưa có điều kiện để sánh ngang với các nước trong khu vực cũng như thế giới. So với các trường đối tác thì chúng ta còn rất lạc hậu
Chính vì thế thời gian thực hiện chương trình (mặc dù là thí điểm) chỉ dừng lại 4-5 khóa là quá ngắn. Như chúng ta đã biết, để nâng cao chất lượng đào tạo cần nhiều thời gian, cần rèn luyện đội ngũ để làm sao trình độ chuyên môn cũng như Tiếng Anh phải trở thành văn hóa.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ gần đây giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và trường ĐH Quốc gia TPHCM, ông Nguyễn Trường Giang (Vụ Hành chính – Sự nghiệp, Bộ Tài chính) đã kiến nghị: “Để duy trì và lan tỏa chương trình thì cần phải xã hội hóa nó. Nên chuyển từ đào tạo mang tính bao cấp sang nhu cầu xã hội. Cụ thể, nếu Nhà nước đầu tư thì người học sau khi tốt nghiệp phải phục vụ theo yêu cầu Nhà nước, nếu doanh nghiệp đặt hàng nhà trường thì doanh nghiệp phải chi trả phí đào tạo. Nếu đào tạo theo nhu cầu của các gia đình thì các gia đình phải trả học phí cao. Với các SV giỏi, Nhà nước nên chọn lựa để cấp học bổng, đào tạo gắn với sử dụng, như vậy đảm bảo sẽ có cơ hội cho các SV nghèo học giỏi theo học chương trình này”.
Nguyễn Hùng – Vũ Ngân
Dân Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)