Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bước ra từ làng trẻ mồ côi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thơm luôn trăn trở với cuộc sống hàng ngày
Vượt lên hoàn cảnh côi cút, vào ĐH với quyết tâm học tập thật giỏi để mai sau tự lập và có điều kiện giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn như mình. Đó là khát vọng cháy bỏng của cô sinh viên (SV) Bùi Thị Thơm (Khoa Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng – Trường ĐH Đà Lạt).
Học để trả nghĩa ân tình
Kể chuyện về gia đình mình, trong đôi mắt Thơm ẩn chứa nét buồn vời vợi. Kỷ niệm về một thời ấu thơ của Thơm là những chuỗi ngày buồn mà em muốn chôn chặt vào lòng. Em không biết mặt cha, năm lên sáu tuổi thì mẹ mất (do bệnh nặng). Hai anh em Thơm sống nhờ vào họ hàng nhà ngoại – anh trai về sống với gia đình ông cậu ruột, còn Thơm được gia đình dì ruột nhận về nuôi. Người dì bị tật nguyền, nhà quá nghèo lại đông con nên tình thương của dì dù bao la đến đâu cũng không thể cưu mang đứa cháu mồ côi được lâu. Do đó, năm lên chín tuổi, cô bé Thơm được gửi vào Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh. Kể như cả một thời ấu thơ, cô bé sống trong một “mái nhà chung”, dù nghèo nhưng ấm áp tình thương của những mảnh đời đồng cảnh ngộ.
Được nhiều người mẹ tốt bụng trong làng chăm sóc, cô bé Thơm được dạy dỗ và học hành chu đáo. Hoàn cảnh, môi trường sống dạy cho cô bé sớm có ý thức tự lập, tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Mỗi ngày, ngoài giờ học tập, cô bé Thơm theo các “mẹ” học cách lao động, trồng trọt, chăn nuôi… chuẩn bị cho tương lai của mình. Chính những năm tháng sống ở Làng trẻ mồ côi, được các tổ chức xã hội và nhiều nhà hảo tâm đến thăm, động viên, niềm mơ ước được bước chân vào cánh cổng trường ĐH cháy bỏng trong tâm hồn cô bé mồ côi này. “Nếu không học ĐH thì không thể có nghề nghiệp” – Thơm nói. Được sự động viên và giúp đỡ tận tình của các mẹ, các anh chị ở làng, cô bé Thơm lần đầu tiên bước ra khỏi cái cộng đồng nhỏ bé của mảnh đất nghèo Hà Tĩnh để khăn gói lên Đà Lạt (Lâm Đồng) ứng thí. Và, trong số những thí sinh trúng tuyển vào Khoa Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng của Trường ĐH Đà Lạt năm học 2010-2011, có tên cô bé mồ côi Bùi Thị Thơm…
Mong muốn sau này ra trường, ngoài việc tự lo cho bản thân và có điều kiện giúp đỡ những số phận kém may mắn như mình, sống gần gũi và chia sẻ với mọi người… Đó là lý do mà cô bé Thơm chọn ngànhcông tác xã hội và phát triển cộng đồng để thi và theo học. Thơm cho biết trong tâm hồn mình, Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh luôn là tổ ấm thân thương để em nhớ thương, đi về và quyết tâm vượt khó học tập. Trước khi quyết định thi vào ĐH, Thơm đã dành một năm (sau khi tốt nghiệp THPT) để ôn tập tại làng và giúp đỡ trẻ em mồ côi. Coi đây là phần trả nghĩa ân tình mà làng đã 10 năm cưu mang mình khôn lớn…
Vượt qua khó khăn
Người ta nói SV là mơ, cuộc đời là thực”. Điều ấy đối với hoàn cảnh của Thơm không còn là lý thuyết xa lạ. Hoàn toàn không có bất cứ chỗ dựa nào về vật chất, bài học đầu đời của cô SV mồ côi trên ghế giảng đường ĐH chứa chan mồ hôi và nước mắt. Để “trụ” lại được trên ghế giảng đường thời “bão giá”, Thơm đã phải vật lộn với chuyện cơm áo có những lúc bật khóc. Tranh thủ thời gian không lên lớp, Thơm nhận làm mọi việc, miễn có tiền để tự trang trải cuộc sống và học tập của mình: Nhận giặt, là quần áo cho khách ở các nhà nghỉ, khách sạn (20.000 đồng/ mỗi ca 6 giờ); nhận bóc vỏ củ giống cho các công ty sản xuất hoa ở Đà Lạt; làm cỏ vườn, thu hoạch rau, hoa, đan móc hàng len… Thơm cho biết mỗi tháng em chỉ chi xài 1 triệu đồng cho tất cả các khoản học phí, phòng trọ, sách vở, tiền ăn, sinh hoạt phí… Nhưng dù tiết kiệm đến mấy vẫn thiếu trước hụt sau, lắm lúc làm em túng quẫn. (Đôi lần Thơm tính xin nhà trường cho bảo lưu kết quả để đi làm có tiền mới quay lại học tiếp)…
Tuy nhiên, khi Thơm chưa thực hiện dự tính thì “cứu cánh” đến với em – Ngân hàng Chính sách – Xã hội Lâm Đồng thông báo giải ngân vốn vay tín dụng đối với HSSV. Thơm được hướng dẫn làm hồ sơ và được vay hai học kỳ (6,1 triệu đồng) giúp em có tiền đóng học phí và học tập. Trong hội nghị sơ kết ba năm thực hiện nguồn vốn tín dụng HSSV toàn tỉnh, Thơm được tuyên dương và mời báo cáo điển hình. Bên lề hội nghị, em cười rất tươi khoe với tôi, nhờ được vay vốn kịp thời đã giúp em yên tâm học tập và có kết quả xếp loại năm học đầu tiên khá tốt. Tất cả 15 tín chỉ của năm học, em đều đạt loại giỏi (từ 8,0 điểm trở lên)…
Hiện nay, ngoài thời gian dành cho học tập và làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, Thơm còn tích cực tham gia công tác Đoàn – Hội SV và dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội. Em là thành viên trong Câu lạc bộ “Ban Mai Xanh” của khoa, thường xuyên có mặt trong các hoạt động từ thiện đến với trẻ em Trường Hoa Phong Lan, Làng SOS Đà Lạt, Trung tâm 05, 06 Lâm Đồng…
Được chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời kém may mắn cũng là một hoạt động góp phần bồi dưỡng đức tính vì cộng đồng cho cô SV mồ côi này. Chân trời tương lai tươi sáng đang mở ra từng ngày đối với cô SV bước ra từ làng trẻ mồ côi nghèo năm xưa.
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Trước khi quyết định thi vào ĐH, Thơm đã dành một năm (sau khi tốt nghiệp THPT) để giúp đỡ trẻ em mồ côi trong làng như là phần trả nghĩa ân tình mà làng đã 10 năm cưu mang mình khôn lớn…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)