Ngày càng có rất ít học sinh chọn thi vào các ngành xã hội. Ảnh: T.L
|
Hiện nay, các nhóm ngành xã hội đã không còn được các “sĩ tử” quan tâm. Càng ngày, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành xã hội càng ít dần đi. Phải chăng những nhóm ngành này không còn tính hấp dẫn đối với nhiều người?
Một lí do rất đơn giản là theo học đã khó, ra trường kiếm được một chỗ làm đúng với chuyên ngành học còn khó hơn. Hằng năm, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp nhóm các ngành xã hội ngày càng ít. Một câu hỏi được đặt ra, liệu thời gian sắp tới những ngành này có dần đi vào con đường “tuyệt chủng”? Ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã từng nói: “Nên thi ĐH bằng nhiều môn chứ không nên quy định cứng nhắc khối thi và môn thi bắt buộc cho từng khối như hiện nay, phải lồng những môn xã hội vào các khối thi thì mới mong các sĩ tử quan tâm đến”. Nhưng giải pháp đó không được đông đảo người ủng hộ bởi các sĩ tử chọn khối thi là mong ước sau này được làm những công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn.
Hiện nay, một thực trạng là, những ngành thuộc nhóm những môn xã hội đã trở nên vắng bóng các sĩ tử. Lí do đơn giản là cha mẹ đã định hướng cho con họ thi vào những ngành nghề “hot”, những ngành nghề dễ xin việc và có khả năng thu nhập cao. Rất hiếm những sĩ tử đi theo môn xã hội chỉ vì đam mê. Ở Trường THPT Gia Định (TP.HCM) chỉ có 2 học sinh đăng kí dự thi khối C; còn ở Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến và Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) hầu như không có học sinh nào nộp hồ sơ vào nhóm ngành thi khối C.
Lí giải điều này, cô Nguyễn Thị Phượng – cán bộ phụ trách hướng nghiệp – tuyển sinh Trường THPT Gia Định nói: “Nếu chọn ban C, học sinh có rất ít cơ hội chọn lựa ngành nghề vì số lượng trường ĐH, CĐ đào tạo không nhiều. Sinh viên tốt nghiệp ngành thuộc khối C khó kiếm việc làm kéo theo mức thu nhập không cao sau khi ra trường”.
Tốt nghiệp ngành ngữ văn với tấm bằng loại ưu, Ngọc Lan (SV Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) không biết đi về đâu giữa thành phố ồn ào và rộng lớn này. Cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng ở đâu Lan cũng chỉ nhận được cái lắc đầu bởi chỗ nào họ cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Thử hỏi một sinh viên mới ra trường thì lấy đâu kinh nghiệm cho lĩnh vực chuyên môn. Thời gian ngồi trên ghế nhà trường Lan cũng có đi làm thêm một số công việc với mục đích trang trải cho sinh hoạt hằng ngày nhưng đó chỉ là những công việc bán thời gian. Chán nản, thất vọng… Lan đành tìm một công việc chẳng liên quan gì đến ngành nghề của mình cả.
Còn Thu Hà, SV Khoa Sử Trường ĐHSP TP.HCM, tâm sự: “Từ nhỏ đến lớn trong đầu em chỉ có suy nghĩ, duy nhất là mình phải trở thành cô giáo”. Đó chỉ là mơ ước rất nhỏ nhoi của một cô giáo mới ra trường nhưng nó khó thể trở thành hiện thực bởi chỉ tiêu tuyển dụng những khối ngành này rất ít hoặc dường như không có. “Xin việc bây giờ quan trọng phải có tiền mà có tiền chưa chắc gì đã xin được việc, ít nhất cũng phải quen biết”, Thu Huyền, SV một trường ĐH chia sẻ. Có những bạn ra trường với công việc mà gia đình đã định cho thì họ cũng không mấy hài lòng bởi công việc đó không đúng chuyên ngành đào tạo (trái ngành) hoặc họ không yêu thích. Đó phải chăng chỉ là chỗ trú chân tạm thời cho tình trạng thất nghiệp?
Ngọc Hân
Bình luận (0)