Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường ngoài công lập: Nguy cơ “tan trường” vì điểm sàn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau lá đơn kiến nghị đề nghị Bộ GDĐT bỏ điểm sàn chung hoặc đưa ra một mức điểm sàn thấp, ngày 5.8, các thành viên của Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại nhóm họp tại Hà Nội để cùng nhau làm rõ hơn những khó khăn sẽ gặp phải trong mùa tuyển sinh này nếu bộ giữ mức điểm sàn tương đương năm trước.
Nguy cơ “tan trường”

Ông Lê Công Huỳnh – Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây – đưa ra ý kiến: “Trong hoàn cảnh hiện nay mà Bộ GDĐT không thay đổi điểm sàn thì các trường ngoài công lập (NCL) sẽ tan hết, kéo theo lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và tiền bạc”. Ông Huỳnh cho biết: “Khi vừa thành lập xong, trường tôi tuyển được 700 SV, năm sau tuyển được 600 SV và năm 2010 tuyển được 400 SV.
Cố lên con nhé, hãy vượt qua điểm sàn của bộ.    Ảnh: Giang Huy
Cố lên con nhé, hãy vượt qua điểm sàn của bộ. Ảnh: Giang Huy
Đến năm nay dự kiến tuyển 200 SV cũng khó. Tôi nghĩ, chúng ta tăng điểm sàn hay hạ điểm sàn là một vấn đề, nhưng nhiều trường công lập thông báo lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì chẳng có thí sinh (TS) nào lại vào trường NCL”. Theo ông Huỳnh: “Bộ cho điểm sàn công lập riêng và điểm sàn trường NCL riêng. Các trường xin hưởng ưu tiên để tuyển sinh, thì bộ không nên duyệt, vì như vậy sẽ loạn”.
Ông Đặng Văn Định – Chủ tịch Hội đồng quản trị  Trường ĐH Chu Văn An – thì đề nghị điểm sàn cần có sự tính toán kỹ. Ông Định nhận xét điểm sàn là do đề thi, điểm thi nên thường không ổn định.
“Tại sao thi tốt nghiệp có kết quả như vậy, nhưng thi đại học lại có kết quả ngược lại. Cần phải có kiểm định kết quả trên. Với những ngành nghề khó tuyển như ngành luyện kim, nông – lâm nghiệp, nay lại vướng vào điểm sàn lại càng khó tuyển hơn, chỉ khổ cho các trường NCL. Sự vô tình này làm ảnh hưởng tới xã hội hoá giáo dục. Do vậy, cần có giải pháp tình thế cho khó khăn hiện nay của các trường NCL”.
Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng – ông Trần Hữu Nghị – thì cho rằng đã thi “3 chung” thì phải có điểm sàn, nhưng điểm sàn phải xác định như thế nào để các trường, NCL có TS đến học. “Tôi nghĩ, với hơn 1 triệu TS dự thi tốt nghiệp thì chẳng nhẽ bộ lại không tính toán được để khoảng 300.000 TS vào đại học? Biết rằng, việc xây dựng điểm sàn dựa trên nhiều yếu tố, nhưng nếu trường đại học công lập chỉ lấy bằng điểm sàn của bộ thì TS vào trường công lập chứ tội gì vào dân lập cho tốn tiền. Hiện nay cả nước có khoảng 100 trường ĐH, CĐ NCL, nhưng đa số rơi vào tình trạng khó tuyển sinh vì thiếu nguồn tuyển. Cứ đà này, nếu không tuyển được sinh viên các trường sẽ phá sản, thì việc chủ trương xã hội hoá giáo dục không hiệu quả”.
Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phương Đông – ông Bùi Thiện Dụ – cũng cho rằng, Bộ GDĐT đã tổ chức thi “3 chung” thì bộ phải có trách nhiệm để các trường tuyển được đủ chỉ tiêu. Theo ông Dụ, không nên xem xét ở khía cạnh mức điểm sàn như thế là thấp hay cao, mà bộ cần tính toán một mức điểm sàn hợp lý, sao cho có khoảng 50% số TS đi thi đạt mức từ điểm sàn trở lên. Như vậy, các trường NCL mới có đủ nguồn để tuyển.
Điểm sàn sẽ không thay đổi?
Về những kiến nghị, đề xuất của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng, các trường không thể có điểm sàn khác nhau mà phải giống nhau, vì Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và NCL có giá trị như nhau mặc dù điểm chuẩn vào các trường khác nhau. Các trường ở vùng miền khó khăn được ưu tiên áp dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh.
Theo ông Ga, bộ sẽ tính toán để số lượng TS trên điểm sàn cao hơn tổng chỉ tiêu, đảm bảo đủ nguồn tuyển. Bên cạnh đó, bộ đã cho phép TS nộp và rút hồ sơ nhiều lần khi đăng ký xét tuyển NV2, NV3. Tuy nhiên, cũng theo ông Ga thì điểm sàn năm nay không thể hạ thấp hơn năm trước và bộ không thể chiều theo các trường. Muốn học đại học, người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định nên cần có sự sàng lọc. Những TS điểm không cao mà muốn vào học đại học thì phải chấp nhận ra các trường đại học xa trung tâm đến các vùng miền để học phù hợp với mức điểm của mình. Ông Ga khẳng định: “Những trường chất lượng, có đủ uy tín sẽ hút được nhiều TS. Nhiều trường chưa tạo được uy tín thì nhiều TS bằng hoặc trên điểm sàn họ cũng không vào học”.    
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga: Hiện nay, bộ cũng đang nghiên cứu để đưa ra phương án thi đại học nhiều môn chứ không chỉ 3 môn như hiện nay. Theo đó, sẽ tổ chức thi nhiều môn khác nhau trong một đợt thi ba ngày. TS có thể lựa chọn đăng ký dự thi những môn phù hợp với nguyện vọng xét tuyển của mình. Các trường ĐH công bố trước tổ hợp 3 – 4 môn thi để xét tuyển chọn vào trường cho từng ngành học. Tuy nhiên, TS học ngành học nào, lĩnh vực nào thì cũng phải có kiến thức xã hội. Để tổ chức thi đại học nhiều môn cần có một lộ trình chuẩn bị. Từ nay đến năm 2015, Bộ GDĐT sẽ đổi mới từng bước để tiến tới mục tiêu đổi mới cơ bản thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH.
Theo Hạnh Ngân
(LaoĐong)

 

Bình luận (0)