Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Khi chiến trường vẫy gọi: Bài 1: Thầy hiệu trưởng ra chiến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Ngô Xuân Tư trong lần về vùng kháng chiến cũ ở Đồng Tháp
Có thể nói thầy giáo Ngô Xuân Tư là người thuộc thế hệ đầu tiên của đội ngũ nhà giáo miền Bắc được chi viện vào chiến trường miền Nam. Dù đứng trên bục giảng hay đi vận động mở lớp và sau cùng là “rẽ ngang” sang tuyên huấn nhưng thầy Hiệu trưởng Trường cấp 3 Ứng Hòa (Hải Dương) không bao giờ ngại khó để cùng với các đồng nghiệp hoàn thành sứ mạng cao cả của người cán bộ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. 
Năm 1965 khi đang dạy tại huyện nhà Tiên Lữ, tỉnh Hải Hưng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) thầy giáo trẻ Ngô Xuân Tư đã nghe tin nhiều bạn bè cùng lứa lên đường đi bộ đội. Lúc bấy giờ không khí nhập ngũ của trai làng nhộn nhịp khắp nơi. Trong lúc chiến trường miền Nam đang chìm trong ngút ngàn khói lửa thì ở miền Bắc đế quốc Mỹ bắt đầu điên cuồng leo thang ra bắn phá.
Những lớp học dã chiến
Sau 2 đợt tổng động viên, cuối năm 1965 Bộ Giáo dục lại có thêm đợt thứ 3 gọi tiếp mấy trăm thầy cô giáo nối gót đồng nghiệp bạn bè đi trước trong đó có thầy Hiệu trưởng Trường cấp 3 Ứng Hòa. Ông nhớ lại thời gian cách đây non nửa thế kỷ: “Anh em chúng tôi vừa mới ra trường ai cũng hào hứng, say mê với bục giảng nhất là mỗi khi được tâm tình trò chuyện với các em học sinh ở vùng sơ tán. Thế nhưng vì nhiệm vụ nên không ai được thoái thác, trường nào lớp nào cũng có cảnh từng đoàn học sinh đến sân ga đưa tiễn thầy cô giáo lên đường. Chúng tôi đi không chỉ có người thân mà còn có học trò và đồng nghiệp lưu luyến. Mọi người hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về”. Từ đó thầy Xuân Tư bắt đầu cuộc đời của người chiến sĩ gian nan vượt thác ghềnh Trường Sơn để vào với bà con Nam bộ.
Đến Khu 8, ông không chỉ gặp lại được đồng nghiệp mà còn có thêm đồng chí, đồng hương mới trong Tiểu ban Giáo dục của Ban Tuyên huấn. Tình đồng đội đã nâng bước chân họ vượt qua những ngày khét nắng gian khổ và từng đêm mưa dầm lạnh giá ở vùng căn cứ. Không chỉ dạy học tại các lớp BTVH mà những thầy giáo quê ở miền ngoài vào đây còn làm công tác dân vận. Nếu ở hậu phương luôn có sẵn bục giảng để cho thầy cô lên lớp thì ở đây các thầy cô phải tự đi tìm lớp học. Chỉ cần một gò đất cao hay một ngôi nhà kho rộng rãi là đã có một bục giảng dã chiến dạy được hai mấy ba chục em học sinh. Hết thời gian lên lớp thầy cô lại chia nhau xuống các xã ấp để gieo mầm tri thức. Chỉ một thời gian ngắn những lớp học mới ra đời phần nào gánh bớt vất vả cho thầy và trò ở các vùng xa xôi cách trở. Không chỉ tìm bục giảng để dạy mà các thầy cô còn “chạy” theo dân để dạy học nữa. Ông còn nhớ những câu chuyện, hôm nay dạy còn đủ học sinh nhưng sang ngày hôm sau lớp vắng hoe vì không còn một em nào đến lớp. Giặc càn bố dữ làm cho dân sống không yên, cả làng sợ quá phải trốn đi chỗ khác. Con cái theo cha mẹ, cháu chắt theo ông bà. Thế là chỉ có thầy và lớp học trơ lại một mình. Không còn cách nào hơn thầy cô cũng “đuổi theo” học sinh để duy trì lớp.
Duyên nợ với bưng biền
Gần 40 năm đã lùi dần vào quá khứ nhưng khí phách hào hùng của Ban Tuyên huấn Khu 8 Trung Nam bộ trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ vẫn còn âm vang trong truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Nam bộ. Góp sức viết nên những trang sử vàng yêu nước đó, bên cạnh đội ngũ cán bộ tuyên truyền huấn học là hình ảnh những thầy cô giáo vượt lên bom đạn đem ngọn lửa văn hóa thắp sáng từ chiến khu đến vùng giải phóng. 
Năm 1968 sau Tết Mậu Thân, cục diện chiến trường thay đổi hẳn. Chủ trương bám vào những vùng ven giải phóng của Ban Tuyên huấn triển khai xuống từng địa bàn để mở thêm lớp học và đặc biệt là đào tạo cấp tốc đội ngũ giáo viên tại chỗ. Vùng đất hoạt động mới của thầy Ngô Xuân Tư và một số thầy cô khác mở rộng sang Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp). Thầy giáo già Ngô Xuân Tư nhớ lại: “Trong vùng chiến khu bạt ngàn lau sậy, một ngôi trường sư phạm ra đời. Trường đào tạo nguồn cán bộ sư phạm nhưng đụng vào cái nào thiếu cái đó. Không có sách và chương trình thì các thầy cô tự soạn lấy. Thầy giáo không cần trình độ cao mà chủ yếu trên tinh thần “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, “người biết chữ ít học người biết chữ nhiều”. Ai cũng có thể làm được thầy giáo và có thể vừa đi học lại vừa đi dạy”. Sự năng động nhạy bén trong hoàn cảnh cấp thiết đó đã làm cho giáo dục vùng giải phóng “đổi sắc thay da” và có thể nói lan rộng như một vết dầu loang trên mặt bằng dân trí. 
“Giữa vùng Đồng Tháp Mười đầy tôm cá nên “cuộc sống điền dã” của thầy trò cũng dễ thở hơn. Trong 3 tháng tự túc, các lớp học túa xuống ruộng đi cắt lúa, tát đìa. Mùa nước lũ thì đi giăng câu, hái bông điên điển về nấu canh chua. Nhưng đằng sau cảnh thanh bình tạm thời đó là tiếng đại bác nổ ùng oàng khắp nơi, tiếng giày đinh của bọn lính đêm đêm đi càn. Nhiều ngôi trường mọc lên bị giặc đốt cháy thành tro bụi, thầy trò bị bắt đưa về đồn đánh đập tra khảo” – thầy giáo Ngô Xuân Tư kể tiếp. Câu chuyện về một cô giáo và 7 em học sinh ở xã Thanh Mỹ, huyện Cao Lãnh (nay là huyện Tháp Mười) bị giặc giết hại là một nỗi đau tột cùng mà đến bây giờ ông vẫn còn chôn chặt trong tâm trí. Đó là lớp học sát bờ kênh của cô Nguyễn Thị Bích Dung gần chợ Ngã Sáu. Biết là lớp học con em cán bộ nên khi đi ngang trường bọn chúng bắt cô giáo và 7 em học sinh ra sân xếp hàng. Sau một hồi tra hỏi không được, một loạt đạn vừa dứt, cô giáo Dung và 7 em học sinh nằm bất động trên vũng máu đỏ tươi. Một màu tang tóc nhuộm xám ngôi trường mái lá trong buổi chiều mùa đông hôm đó. Rất may là có vài ba em chạy trốn được nên sống sót. Cái chết đau thương như đốt thêm ngọn lửa căm thù giặc của bà con Thanh Mỹ, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho các thầy cô giáo và nhân dân vùng đất Kiến Phong.
Thế nhưng bàn tay tội ác của Mỹ – ngụy vẫn không thể nào đàn áp nổi tinh thần cách mạng của người dân. Các em học sinh vẫn bơi xuồng đến lớp dưới làn đại bác của quân thù, những ngôi trường dựng tạm vẫn rộn tiếng đánh vần ê a trong những làng kháng chiến.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
LTS: Nhiều lớp học lặng lẽ sơ tán ở vùng núi cao nhưng kẻ thù vẫn không để yên. Đạn bắn nhà thờ, lửa thiêu trường học, biết bao trẻ em vô tội gục trên những trang sách cháy sém… Trước những cảnh thảm khốc này, không chỉ có quân đội mà các ban ngành khác của dân – chính – Đảng ở miền Bắc cũng náo nức lên đường ra tiền tuyến. Trong đó đội ngũ thầy cô giáo cũng đành gác lại phấn trắng bảng đen để chi viện cho chiến trường. Theo tiếng gọi non sông, họ đã ra đi nhưng không định được ngày trở về…
 
Như có duyên nợ với vùng đất Kiến Phong, sau ngày miền Nam giải phóng, thầy giáo Ngô Xuân Tư về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp. Với cương vị Phó ban, ngoài những buổi lên lớp tuyên truyền ông còn dành nhiều thời gian để viết tài liệu và viết báo như một nhu cầu sống của người làm công tác tuyên huấn. Mỗi lần về huyện Tháp Mười, ngồi trên chiếc tắc ráng xuôi dòng Ngã Sáu ông lại có dịp nhìn thấy ngôi trường tiểu học mang tên cô giáo Nguyễn Thị Bích Dung ngày nào. Những lúc đó bao nhiêu kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ gian khổ và hào hùng lại ùa về trong ký ức người thầy giáo già đã qua tuổi 73.
 

Bình luận (0)