Ông Ba Nhiều và chiếc xe cứu thương suốt 20 năm qua đã chở rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện |
Số điện thoại mà người đàn ông đứng tuổi ở đầu ấp 1, xã Đông Thạnh (Hóc Môn) cho lúc tôi hỏi thăm đường, nói là số ông Ba Nhiều – người có chiếc xe cứu thương tự chế chuyên chở người đi cấp cứu, khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Hỏi chú có họ hàng quen biết với Ba Nhiều sao? – Đâu có, cả cái huyện này ai mà hổng rành số ổng. Thiệt chứ đứa con nít cũng rành. Chẳng khác gì 115 – số điện thoại khẩn để gọi cấp cứu. Ai cần đi viện, ai thấy tai nạn, a lô là ổng chở đi ngay, không đắn đo suy nghĩ. Mà hay nha, cứ làm không công như thế cũng gần 20 năm rồi chứ ít gì…
Gần 20 năm qua, ông Ba Nhiều (tên thật là Huỳnh Văn Nhiều, 59 tuổi, ngụ ở ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cứ miệt mài oằn tay lái sau vô lăng chiếc xe cứu thương “có một không hai” của mình đi cứu người bị nạn.
Ba Nhiều à, Ba Nhiều ơi!
Tôi hỏi ông về duyên cớ khiến ông quyết định mua xe ô tô để chở người bị nạn đi cấp cứu. Ông kể, giọng Nam bộ trầm buồn, có chút gì như day dứt, tiếc nuối: “Ngày đó, khi còn làm ở Hội Chữ thập đỏ của xã, một bận tận mắt chứng kiến đứa nhỏ trên đường đi học về bị tai nạn, chỉ vì chậm trễ đưa đến bệnh viện mà không cứu được. Rồi những ám ảnh cứ bám riết lấy tui, ánh mắt người mẹ da diết, tiếng khóc nấc bấu víu vào di ảnh đứa con… Tất cả như những cơn ác mộng theo vào cả trong giấc ngủ. Sau rất nhiều đêm trăn trở, một đêm, tui nói với bà nhà tui rằng, tui tính dùng số tiền vợ chồng tích cóp được bao năm qua, mua một chiếc ô tô cũ, dùng nó làm xe chở người bị tai nạn đi cấp cứu. Bả nghe xong cũng gật đầu cái rụp…”.
Thế là của dư dả trong nhà bao nhiêu dồn hết vào chiếc xe bán tải cũ với giá 40 triệu đồng. Thời những năm 90, 40 triệu đồng đã là cả một gia tài. Ông tậu về, tự biên tự chế thành chiếc xe cứu thương. Thôn quê hiếm taxi nên tiếng lành ông Ba Nhiều có xe cứu thương giúp người đồn khắp huyện, cả vùng lân cận Củ Chi, Q.12 (TP.HCM), rồi Bình Dương cũng biết đến. Ông chạy xe cả ngày không ngơi nghỉ. Rồi dần dà, vài năm sau, khi vợ chồng làm lụng tích cóp được thêm, ông cho lên đời chiếc xe cứu thương, là xe cứu thương hẳn hoi, không còn là bán tải nữa. “Tui cho lắp cả còi, cả đèn, cả loa, rồi xin xã gắn dòng chữ Hội Chữ thập đỏ phía trước đầu xe. Trong xe còn trang bị cả băng ca, tui và cậu con trai lớn đi học thêm nghiệp vụ y tế để tiện sơ cứu người bị nạn trước khi đưa đến bệnh viện…”.
Ông nói, 20 năm qua, chưa có cái Tết nào gia đình ông được hưởng trọn vẹn. “Đêm giao thừa là nhiều tai nạn nhứt, đã năm nào tui được đón giao thừa với đủ đầy các con đâu. Cả đêm đó chạy có khi 3, 4 ca liền tù tì đến tận sáng. Rồi sáng mùng 1, có năm cả nhà bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại người ta gọi đi cấp cứu. Bà nhà cứ nói đùa, chỉ cần người ta kêu Ba Nhiều ơi, Ba Nhiều à là vứt hết vợ, con để chạy đi. Nhiều khi cũng thương vợ thương con vì mình mà khổ…”.
Trong lúc đang trò chuyện với chúng tôi, bỗng ông Ba Nhiều nhận được điện thoại. Một người phụ nữ ở ấp 1 chuyển dạ, chuẩn bị sinh, nói ông chở giúp đến bệnh viện huyện. Thấy ba đang chuyện trò với khách, cậu con trai 21 tuổi là tài xế xe khách liên tỉnh, vội vàng lấy chìa khóa xe cứu thương rồi phóng vụt đi. Tôi tròn mắt hỏi:
– Ủa, con tưởng xe chú chở người bị nạn đi cấp cứu chứ.
– Không, chở cả người đau ốm, thương tật, gãy chân, đau bụng, cả đi đẻ đến viện nữa. Chỉ cần bà con cần, bà con gọi là tui không có từ chối.
Kể chi chuyện mình
Tôi không nghĩ rằng từ quyết định trong một phút nông nổi tuổi trẻ của quãng thanh niên nào đó mà ông Ba Nhiều dám làm những việc bao đồng cho người dưng suốt 20 năm qua thế này. Chỉ dám nghĩ, có những con người, họ làm việc nghĩa mà cứ khơi khơi, cứ tưng tưng như mình phải làm việc kiếm tiền để sống vậy. Xã hội này, thiếu gì những người đã chẳng vượt qua được cái lằn ranh mỏng manh giữa từ thiện và vụ lợi, giữa nghĩa và tư. Ấy thế mà 20 năm qua, người đàn ông thôn quê ấy cứ mải miết làm, mải miết ngồi sau vô lăng chạy đến cùng đường với những người bất hạnh, chỉ sau một cuộc điện thoại.
Ba Nhiều nói, ông chẳng dám đi đâu xa, chẳng dám để điện thoại hết pin. Vì sợ, sợ bà con cần mà mình không đến được thì như mắc lỗi, như mang tội.
Rồi ông lấy Honda đưa tôi đến Bệnh viện huyện Hóc Môn thăm một người đàn ông tối hôm trước trên đường đi làm sớm bị xe tải tông rồi bỏ chạy. Vừa đến cổng bệnh viện, mấy cậu bảo vệ đã cười híp mắt, chú Ba Nhiều vào thăm bệnh nhân đó à? Ba Nhiều nói, ngày mới chạy xe cứu thương, kỳ lắm. Chở người ta đến bệnh viện, toàn bị các bác sĩ và người nhà người bị nạn giữ lại vì nghĩ mình là người đã gây tai nạn. Có khi còn bị ăn đòn oan ấy. Nhưng giờ thì quen lắm rồi, các bác sĩ quen mặt riết rồi.
Người đàn ông bất hạnh nằm trên giường bệnh với đôi chân bó chằng bó chịt. Nhìn già nua và khắc khổ. Anh nói tên là Nguyễn Văn Tài, ấp 1, xã Nhị Bình, Hóc Môn. Gia cảnh nghèo, làm mướn nấu đường phèn thuê nên thường tranh thủ đi sớm để kiếm thêm. Vợ thì chạy chợ bán cá tôm. Cậu con trai đang học đại học. Lúc bị xe tải tông rồi bỏ chạy, anh kêu cứu nên bà con gần đó chạy ra, gọi cho ông Ba Nhiều đến giúp. Lúc đó hình như là 4 giờ sáng. Chị vợ anh Tài nghe chồng kể, quay sang ông Ba Nhiều run run cầm tay, nước mắt giọt ngắn giọt dài “Thiệt tình, gia đình con không biết cảm ơn chú sao nữa, may mà có chú chồng con mới thoát chết. Bác sĩ nói chậm chút là đã phải cưa chân. Chú lại còn giúp gia đình tiền phẫu thuật, rồi giúp cả gạo ăn. Cả đời này, gia đình con mang ơn chú…”. Ba Nhiều chỉ cười cười, cái cười đầy phúc hậu.
Vài năm trở lại đây, khi cái dốc cuộc đời càng lúc càng trơn tuột, tuổi tác cứ dần đứng bóng, 2 cậu con trai của ông lại cùng ông, thay nhau gánh trách nhiệm giúp người. Sau cái vô lăng của chiếc xe cứu thương mang dòng chữ Hội Chữ thập đỏ ấy là cha, là con, là sức trẻ, sức già góp gom cho đi bằng sạch.
Trên đường từ bệnh viện trở về nhà, Ba Nhiều nói với tôi rằng, xã hội dường như càng lúc càng vô cảm trước những con người bất hạnh. Người ta thấy tai nạn, người ta bu đen vòng trong vòng ngoài. Nhưng chỉ ngó xem thôi, ngó chơi thôi, chứ chẳng mấy ai giúp người bị nạn. Họ sợ phiền phức, sợ liên lụy. Tôi nghe mà chỉ thấy nhói nhói trong tim, như thắt lại. Có bao nhiêu lần trong cuộc đời tươi trẻ này, mình đã ngang qua những bất hạnh mà không một lần nghĩ suy, cắn đắng?…
Tôi đã từng hỏi người đàn ông cho tôi số điện thoại Ba Nhiều ngay đầu ấp 1 rằng, chú thấy ông Ba Nhiều sống thế nào? Không 1 phút đắn đo, câu trả lời tôi nhận được là: “Ba Nhiều sống được lắm, bà con nhờ ổng nhiều. Người nghèo gạo ổng giúp gạo, nghèo tiền ổng giúp tiền, còn chở đi cấp cứu là không công. Có bận, nhà hảo tâm cho ổng 10 triệu đồng, nói là hỗ trợ tiền xăng xe, ổng cũng cho mỗi hộ nghèo trong xã 1 triệu, chẳng giữ lại đồng nào. Người bà con với tui nhận được tiền ổng giúp mà…”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)