Người dân đang tiếp thực cho cá bớp |
Trong chuyến công tác đến xã đảo Thổ Châu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cách đây không lâu, chúng tôi được nghe câu chuyện về nghề nuôi cá bớp – một trong những loài cá có giá trị thương phẩm cao hiện nay – đã “trụ” được trên hòn đảo này. Hỏi thăm nhiều cán bộ xã thì được biết nghề này đang rất thịnh, thịnh đến mức cách đây vài năm nhiều người đã rủ nhau ra tít khơi xa để lập bè nuôi cá.
Tiền tỷ nhân ra ở đáy đại dương
Mùa mưa ở Nam bộ đang bước vào giai đoạn cao điểm. Thế nhưng thời tiết ở Thổ Châu hôm nay lại khác hẳn. Gió lặng. Trời trong veo không một gợn mây. Mới chỉ 8 giờ sáng nhưng đảo Thổ Châu nóng hừng hực như “chảo lửa”. Tuy nhiên, do có hẹn trước nên tôi cùng anh Lê Trường Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã vội vã xuống ghe.
Chiếc ghe bầu chòng chành khoảng 10 phút thì đến nơi. Từ ngoài phóng tầm mắt vào, khu vực nuôi cá bớp trông không khác một công trường xây dựng là mấy: Trên bè, một số người đang tranh thủ gia cố lại những thanh gỗ bị hỏng; dưới nước, người khác hì hục kiểm tra lưới đáy… Đang bận “tiếp tế” thức ăn cho bầy cá háu đói nhưng khi thấy chúng tôi, ông chủ bè cũng ra dấu mời vào. Đáp lời giới thiệu của anh Sơn, người đàn ông “hé lộ” thân thế của mình. Ông tên thật là Lê Tấn Tài nhưng người dân ở đây quen gọi ông là Ba Tài “cá bớp”. Sở dĩ người dân gọi như thế là do ông “hiểu” chuyện nuôi, chuyện bán con cá bớp tường tận nhất đảo. Vừa chỉ vào đám cá to tướng đang quẫy đuôi oành oạch tranh ăn, ông vừa “trích ngang lý lịch” cho chúng tôi nghe. Ông cho biết, do điều kiện tự nhiên thích hợp nên ở khu vực biển Tây Nam loài cá này sinh sống rất nhiều. Đặc trưng lớn nhất của loài cá này là to con, con lớn nhất có thể lên đến 15-20kg. Thịt cá có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, có vị thơm đặc trưng nên từ lâu nó là một thứ đặc sản quý. Tuy nhiên, trước đây người dân chỉ biết đánh bắt ngoài tự nhiên nên sản lượng không cao. Vốn là chủ ghe thu mua hải sản, có dịp đi nhiều nơi nên ông hiểu rất rõ giá trị thực của con cá bớp. Từ sự hiểu biết đó, ông nảy ra ý định thuần dưỡng chúng để cung cấp cho thị trường. Sau khi khảo sát nhiều nơi, cuối cùng ông chọn đảo Thổ Châu làm nơi hiện thực hóa “ước mơ con cá”. Nguyên do được ông lý giải rất ngắn gọn – đó là “thiên thời, thủy lợi, nhân hòa”. Thời tiết những vùng biển phụ cận rất thất thường nhưng riêng ở Thổ Châu, mùa biển động và mùa biển lặng thể hiện khá rõ, đó chính là “thiên thời”. Nước biển có độ mặn phù hợp, dòng hải lưu ổn định, nước chưa bị ô nhiễm… đó chính là “thủy lợi”. Người dân cần cù, trung thực, hiền lành… đó chính là “nhân hòa””.
Tuy nhiên, để có được thành công bước đầu như hiện nay, ông đã không ít lần “trầy vi tróc vảy”. Nguyên nhân thì đủ cả, nhưng phần nhiều vẫn là chuyện thiếu hiểu biết dẫn đến cá chết hàng loạt. Mỗi lần như thế, ông cần mẫn mang mẫu cá, mẫu nước vào đất liền nhờ bạn bè, cán bộ thủy sản tìm nguyên nhân. Nỗ lực của ông cuối cùng được tưởng thưởng xứng đáng. Đầu năm 2010, nhận thấy “tay nghề” đã cứng, ông quyết định bỏ ra gần 600 triệu đồng để đóng 3 chiếc bè. Nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào nên cuối năm đó, từ 1.200 con cá giống ban đầu ông thu hoạch được gần 1,2 tấn cá thịt. Với giá bán 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lãi hơn 500 triệu đồng. Năm ngoái, ông tăng số bè lên 6 chiếc, lãi theo đó cũng đã tăng lên gấp đôi. Năm nay, số lượng bè đã là 9, số cá giống lên 4.000 con. Ông ước tính, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năm nay số cá ấy sẽ cho ông từ 1,8-2 tỷ đồng tiền lãi. Thấy ông sống được với con cá bớp nên nhiều người tìm tới học hỏi kinh nghiệm. Tính đến nay, đã có gần 20 hộ theo chân ông bỏ đất liền ra khơi nuôi cá bớp.
Chia tay ông Tài, chúng tôi ghé thăm bè của ông Huỳnh Đình Khởi. Thấy chúng tôi thích thú với những con cá dài gần 5 tấc đang quẫy đuôi ùng ục chờ thức ăn, ông Khởi cho biết: “Mỗi con phải từ 10kg trở lên thì mới có giá. Số cá này còn nhỏ, chỉ khoảng 7-8kg/con nên chưa bán được. Muốn bán được giá thì phải nuôi thêm khoảng 2 tháng nữa”.
Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán, ông Khởi cho biết trước đây gia đình ông sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, cuộc sống khá khó khăn. Thấy một số người nhờ nuôi cá bớp mà giàu lên, ông mượn vốn làm theo. Đây là vụ thứ hai. Vụ trước, ông đóng 1 bè, thả 400 con. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc… gia đình ông còn lãi trên 100 triệu đồng. Sẵn đà, năm nay gia đình ông đầu tư thêm 3 bè nữa. Tạm biệt chúng tôi, ông bảo: “Tôi đã “nghiện” tiếng quẫy đuôi của con cá bớp mất rồi. Nếu vụ này thắng, sang năm tôi sẽ gọi hai đứa con đang đi làm mướn ở Rạch Giá về để cha con cùng sống chết với con cá bớp”.
Nuôi hy vọng đổi đời
Chiều tà, chiếc ghe bầu lại chòng chành trở lại bờ. Trên đường đi, chúng tôi tranh thủ ghé vào một chiếc tàu đánh bắt vừa mới cập cảng. Sau vài câu xã giao, ông Triệu – thuyền trưởng cho biết vừa trúng một mẻ cá bớp con. Chưa đếm kỹ, nhưng theo kinh nghiệm của ông, khoảng trên dưới 500 con. Với giá mỗi con 150 ngàn đồng, nếu bán ông Triệu sẽ kiếm được không dưới 70 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Triệu không có ý định bán bởi ông đang đóng bè nuôi thử nghiệm. Nếu “thắng” sang năm ông sẽ đóng bè nuôi cá thịt. Là một người có thâm niên gắn với nghề cá cùng bà con ngư dân nên ông bạn đồng hành Lê Trường Sơn thấu hiểu ý định này. Anh cho biết, những người nuôi ước mơ làm giàu từ con cá bớp ở đảo này nhiều lắm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cái chính vẫn là điều kiện tự nhiên thuận lợi. Theo ông: “Nguồn cá giống tự nhiên ở vùng biển xung quanh đảo Thổ Châu rất phong phú mà giá cả thấp hơn nhiều so với cá giống nhân tạo nên đây là một lợi thế lớn với bà con. Bên cạnh đó nguồn thức ăn lại dễ kiếm, giá rẻ (chỉ khoảng 5-6 ngàn đồng/kg), chính những điều đó đã góp một phần không nhỏ kích thích nhiều người dân muốn tham gia”. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn cản trở người dân phát triển nghề, trong đó nan giải nhất chính là việc huy động nguồn vốn. Ông nhẩm tính: “Nguồn con giống và thức ăn thì người dân có thể tự lo. Song giá đầu tư một chiếc bè bao gồm gỗ, lưới, phao… là khá cao, ước tính không dưới 40 triệu đồng. Đây là số tiền thực sự quá sức so với đại đa số người dân trên đảo”.
Gặp chúng tôi tại bến tàu, ngư dân Lê Văn Tâm nói: “Gia đình tôi cũng rất muốn đầu tư nuôi cá. Tuy nhiên, sau khi tham khảo giá bè xong tôi thực sự thất vọng vì quá tầm với của gia đình. Muốn làm được chắc phải nhờ Nhà nước hỗ trợ…”. Tuy nhiên, ao ước của anh Tâm cũng không dễ thực hiện bởi việc tiếp cận nguồn vốn không hề đơn giản. Một cán bộ công tác ở UBND xã Thổ Châu cho biết, địa phương cũng đang “đau đầu” vì chuyện này. Theo ông, nguyên do trước đây ngân hàng đã cho một số hộ vay xóa đói giảm nghèo nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được nên họ “ngại” giải ngân tiếp. Trước tình hình này, UBND xã phối hợp cùng Hội Nông dân thống nhất, sắp tới đây sẽ tiến hành thành lập hợp tác xã nghề cá. Ngoài chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, Hội Nghề cá sẽ lấy pháp nhân của mình để bảo lãnh cho người dân vay tiền. Trước thông tin này, mọi người rất phấn khởi bởi theo họ, đây chính là điều kiện thuận lợi để con cá bớp Thổ Châu mang lãi về làm giàu cho người dân trên đảo.
…Đến bờ cũng là lúc màn đêm buông xuống. Ngoái ra khu bè nuôi, nhìn một số ngọn đèn bình ắc quy được thắp lên, bất chợt trong tôi trỗi lên một ao ước. Ước một ngày không xa, đêm Thổ Châu sẽ long lanh ánh đèn bè nuôi cá bớp.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
Bình luận (0)