Mặc dù đã từng dạy không biết bao nhiêu lần về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong 9 năm trường kỳ của nhân dân Việt Nam (1946-1954) nhưng mỗi khi đứng trên bục giảng để cùng học sinh trở về với quá khứ hào hùng, cô Bùi Thị My Thúy – giáo viên (GV) môn sử Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn bắt gặp những cảm xúc mới mẻ trong từng bài dạy.
Cô Thúy chia sẻ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã khẳng định chiến lược chiến thuật đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với vai trò là người Tổng chỉ huy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định mang ý nghĩa lịch sử. Từ đánh nhanh chuyển sang đánh chắc bất ngờ làm nên thắng lợi thần kỳ”. Theo kế hoạch, chiến dịch mở màn từ đầu tháng 1-1954 nhưng lúc này tướng Na-va đã điều thêm quân vào lòng chảo Điện Biên nên mọi phương án thay đổi. Đó là quyết định có tính chiến lược của Tướng Giáp sau những đêm trằn trọc suy nghĩ. “Qua bài học Điện Biên Phủ, các em học sinh càng thấy được tầm quan trọng của người cầm quân với vai trò chỉ huy có thể làm xoay chuyển cục diện chính trị và quyết định tất cả mọi sự thành bại” – cô Thúy trao đổi.
Vốn là một GV dạy sử nhiều kinh nghiệm, cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử khác ông Lê Văn Chương – Chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM – đánh giá rất cao vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch “3 ngàn ngày không nghỉ”: “Có thể nói chiến thắng Phai Khắt – Nà Ngần là chiến công đầu của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tổng chỉ huy. Những thắng lợi sau đó đều bắt đầu từ sự quyết định sáng suốt của vị Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ với sức mạnh tổng hợp nhiều binh chủng để tạo nên một hỏa lực lớn”. Lý giải vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại trở thành danh tướng của thế giới, ông Chương nhắc lại ý nghĩa lớn lao và tầm vóc to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã làm sụp đổ hoàn toàn cả một hệ thống thực dân cũ và trở thành bài học lớn cho các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới có thêm sức mạnh để đứng lên giải phóng dân tộc. Chiến thắng đó có thể gói gọn trong mấy từ: “Tâm phục và khẩu phục”. Từ thiên sử vàng chói ngời vành hoa đỏ, ba cụm từ “Việt Nam – Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp” đã được bạn bè trên thế giới hô vang như một lời hiệu triệu biết bao tình cảm trìu mến và ngưỡng mộ”. Đại tướng và quân đội ta đã làm nên “một đêm lịch sử Điện Biên sáng rực trên đất nước như huân chương trên ngực”. Không kìm được cảm xúc tuôn trào, nhân dân Việt Nam đồng thanh hô vang: “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Không đêm nào vui bằng đêm nay” (Tố Hữu). Những GV dạy sử đều đánh giá cao bức điện khẩn cấp “từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” mà Tướng Giáp truyền đi như một mệnh lệnh vô cùng sáng suốt của người anh cả làm nên tiếng kèn xung trận tấn công vào từng sào huyệt đớn hèn của kẻ thù. Các đồng nghiệp dạy lịch sử đều thừa nhận, xuất thân từ một GV dạy sử nên rõ ràng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều lợi thế khi “vào vai” người Tổng chỉ huy các trận đánh lớn. Nhờ nghiên cứu kỹ các trận đánh từng xảy ra trong 2 cuộc chiến tranh thế giới nên Tướng Giáp đã phân tích cặn kẽ tình hình thời cuộc, biết ta biết địch rõ ràng, cân nhắc thận trọng từng bước đi trên bản đồ và quan trọng hơn là nắm chắc được phần thắng trong tay. Tư tưởng của dân tộc Việt Nam “Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều” và “Dùng đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” đã được các vị tướng Việt Nam trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục kế thừa và phát huy sáng tạo vươn đến tầm cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có thể nói chất lịch sử, chất chỉ huy đã hòa tan vào trong máu thịt của “người nhạc trưởng” quân sự tài ba. Nhờ những tháng năm đứng trên bục giảng mà thầy giáo họ Võ đã có một tầm nhìn mới về lịch sử, sắc sảo về trận địa, thuộc làu về binh pháp, giỏi về nghệ thuật quân sự. Cùng với vốn kiến thức sâu sắc về lịch sử, những kinh nghiệm dạn dày từ trận mạc đã đúc thành một khối óc sáng suốt và minh mẫn của “vị thuyền trưởng” anh hùng.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)