Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Gần 600.000 thí sinh không đủ điều kiện tham gia xét tuyển ĐH, CĐ: Lãng phí và bất hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8/8, Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2011, sẽ có 415.282 thí sinh có điểm thi ĐH trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu là 266.631. Đồng nghĩa với việc gần 600.000 thí sinh khác không có cơ hội xét tuyển vì chưa đạt điểm sàn và hơn 100.000 thí sinh đạt điểm sàn chưa chắc có cơ hội vào ĐH bằng NV2, NV3.

Áp lực ở bên ngoài cũng không kém bên trong phòng thi. Trong ảnh: Người nhà thí sinh tại điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thành Công
Thất bại ngay từ khâu hướng nghiệp
Hơn 1 triệu thí sinh dự thi ĐH, nhưng chỉ có hơn 400.000 đạt từ điểm sàn trở lên. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, mức điểm sàn này nếu chia trung bình cho ba môn thi, cũng chưa ở mức trung bình. Kết quả thi vừa qua cũng làm nhiều người đặt câu hỏi về trình độ của thí sinh. Nhiều trường ĐH hàng đầu vẫn có hàng trăm thí sinh bị điểm 0. Bị điểm 0 tức là không biết gì, vậy mà những thí sinh này vẫn đi thi ĐH. Không kể đến sự lỗ lãi của các trường, nếu tính trung bình một thí sinh đi thi ĐH tốn khoảng 2 triệu đồng, đã là một số tiền quá lớn, chưa nói đến áp lực đối với xã hội và nhiều vấn đề ăn theo khác.
Phân tích về định hướng nghề nghiệp của học sinh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cách giáo dục của chúng ta chủ yếu dạy cho học sinh một con đường duy nhất để bước vào đời đó là ĐH. Trong khi đó, hàng năm, số thí sinh đỗ ĐH so với số thí sinh tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 30%. Số còn lại nếu không có định hướng đúng đắn, sẽ lại chỉ biết trông chờ vào cơ hội của mùa thi năm sau. Trong khi đó, quan điểm về theo học tại các trường TCCN hay học nghề đối với nhiều bậc phụ huynh và học sinh vẫn còn nặng nề, tâm lý e sợ làm "thợ" vẫn đè nặng trong xã hội. Họ quên rằng nhu cầu về nhân lực sản xuất trực tiếp trong xã hội rất lớn.
Theo điều tra của Viện Khoa học giáo dục tại 5 tỉnh, thành về công tác hướng nghiệp, dạy nghề và phân luồng học sinh THPT, có tới 82% học sinh sau khi ra trường xác định thi vào ĐH – CĐ; chỉ có 8% dự định thi vào các trường THCN, trường nghề. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, ngoài việc nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội về giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Phải nói rằng, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông quá kém. Sự phân luồng của ngành giáo dục cũng chưa cao. Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng: "Nút cổ chai" vào ĐH năm nào cũng gây một tâm lý căng thẳng trong xã hội. Chính vì vậy mới có chuyện cắm đầu, cắm cổ vào dạy thêm, học thêm, tiêu cực chạy bằng, chạy điểm…. Việc phân luồng phải thực hiện ngay từ bậc THCS, hàng năm, chỉ nên có một tỉ lệ nhỏ (1/5) học sinh vào THPT, còn lại là vào THCN. Sau 12 năm đèn sách, học sinh nếu ra đời đã có nghề, còn nếu vào ĐH, cửa không còn bị hẹp nữa.
Đổi mới cách thilà cần thiết
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hình thức "3 chung" đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc cần chấm dứt cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ như vậy để chuyển sang một hình thức khác phù hợp hơn. Tốt nhất là nên giao quyền chủ động cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh để họ tuyển được sinh viên theo đúng yêu cầu của họ.
Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia ủng hộ, Bộ nên giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thi tuyển để các trường tuyển được học sinh có năng lực nhất, có hứng thú học tập, đáp ứng với yêu cầu cụ thể của từng ngành rất đa dạng hiện nay. Khi kỳ thi được tổ chức chỉ ở mức độ trường, chứ không ở cấp quốc gia sẽ không tạo gây bức xúc trong xã hội.
Nhiều người lại cho rằng, không nên bắt các trường thi vào một đợt, một ngày, các trường có thể chọn ngày, nhưng nên lựa chọn vào những thời điểm sau khi học sinh thi THPT. Theo GS.TS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cả năm chỉ có một kỳ thi, lại vào mùa hè nóng nực, vất vả cho thí sinh. Nếu có thể tổ chức hai kỳ thi vào ĐH trong một năm, cơ hội cho thí sinh sửa sai sẽ tăng lên 3 – 4 lần. Các trường cũng có điều kiện để sửa sai nhiều hơn. Bộ GD&ĐT nên có một "ngân hàng" đề thi và không nên để các trường hoàn toàn tự chủ.
Để tránh được sự lãng phí khi tất cả học sinh đổ xô thi ĐH, rồi trượt ngay từ khi chưa được xét tuyển. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc có quá nhiều thí sinh bị điểm 0 tại kỳ thi ĐH, trong khi đó kết quả thi tốt nghiệp lại quá cao đúng là một chuyện không bình thường. Ngành giáo dục cần đổi mới các kỳ thi là cần thiết và cần phải tính đến ngay. Còn việc đổi mới như thế nào thì cần suy xét đến nhiều yếu tố. Và quan trọng nhất là phải tuyển được người giỏi, tránh tâm lý "đổ xô" đi thi ĐH như hiện nay.
Trong năm tới, Bộ sẽ siết chặt việc giao chỉ tiêu tuyển sinh. Với những trường đại học 3 năm liền không tuyển đủ chỉ tiêu được giao, Bộ sẽ cắt giảm chỉ tiêu để chuyển sang những trường ĐH khác. Với những trường ĐH 3 năm liền không tuyển sinh được sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Ông Bùi Văn Ga Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
 TheoHà Bình
(ktdt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)