Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Ngổn ngang xây dựng trường lớp: Đất xây trường bị chiếm dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Việc sử dụng lãng phí hàng chục ngàn m2 đất kho bãi của các cơ quan do Công ty Kho bãi thành phố (CTKBTP) quản lý đã tốn khá nhiều giấy mực, nhưng xem ra mọi động thái từ sự giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, Quốc hội cũng như các quyết định thu hồi của UBND TP.HCM vẫn chưa đủ mạnh. Trong khi nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng cho việc xây trường vẫn bị “ngâm” vì các đơn vị thuê mướn kho bãi vẫn không chịu trả đất… 


Kho bãi bỏ hoang trên đường Bến Mễ Cốc – quận 8
Đất bỏ hoang nhưng không chịu trả
Sau khi UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi 3 kho bãi với diện tích gần 18.000 m2 tại Q.8. Đại diện chính quyền Q.8 – TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa nhằm thu hồi lại 3 kho bãi gồm: kho số 15 Lương Ngọc Quyến, P.13 (diện tích 1.250 m2) do CTKBTP quản lý, khu đất này CTKBTP đã cho Công ty Cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học Kỹ thuật thuê. Ngày 9-4-2009, UBND TP đã có quyết định điều chuyển mặt bằng kho này cho UBND Q.8 để xây dựng trường mầm non. CTKBTP đã nhiều lần yêu cầu Công ty Cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học Kỹ thuật trả mặt bằng nhưng đơn vị này không thực hiện. Không còn cách nào khác, CTKBTP buộc khởi kiện ra tòa (hiện TAND Q.8 đang thụ lý vụ kiện). Thứ hai là kho 481 Ba Đình, P.9 (diện tích hơn 12.000 m2) cũng do CTKBTP quản lý và cho Công ty Cổ phần Hóa chất Vật liệu điện thuê nhưng đến nay đã hết hạn hợp đồng thuê mà công ty này vẫn không trả lại. Theo quyết định của UBND TP, kho này sẽ bị thu hồi và bàn giao cho UBND Q.8 xây trường học. Dù đã nhiều lần yêu cầu nhưng Công ty Cổ phần Hóa chất Vật liệu điện vẫn không chịu trả. Trong khi đó, một phần kho bãi này hiện đang cho nhiều công ty thuê lại. Tiếp đến là kho 338 Dương Bá Trạc, P.1, Q.8 (diện tích 4.600 m2) do Công ty Cổ phần Điện máy TP quản lý, sử dụng cũng đã được UBND TP ra quyết định (ngày 28-5-2007) giao cho Trung tâm Khai thác Quỹ đất TP tổ chức thu hồi và bàn giao cho Q.8 để lập dự án đầu tư xây dựng trường học. Tuy vậy, Công ty Cổ phần Điện máy TP đã có văn bản gửi UBND TP.HCM không đồng ý với quyết định thu hồi, đồng thời tỏ thái độ bất hợp tác với các ban, ngành chức năng. Hiện việc thẩm định giá phần tài sản còn lại trên đất để lên phương án bồi thường cho đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn do thái độ bất hợp tác của lãnh đạo công ty này. Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa, bức xúc nói: “Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP sớm giải quyết rốt ráo các trường hợp này”. Tiếp theo, Ban chỉ đạo 09 thuộc Sở Tài chính TP.HCM đã công bố quyết định thu hồi 5 kho bãi bỏ hoang nằm trên địa bàn Q.8 gồm các kho: 281 Bến Bình Đông (rộng 770m2); kho 557 Bến Bình Đông (rộng 1.877m2); kho 641 Bến Bình Đông (rộng 4.768m2); kho 1.724 Phạm Thế Hiển (rộng 2.172m2); kho 442 Phạm Thế Hiển (rộng 1267 m2) để xây trường. Nhưng đến thời điểm này chưa một kho bãi nào bàn giao để xây trường.
Học sinh chờ… trường
Việc 3 đơn vị nói trên không chịu giao trả đất kéo theo hệ lụy là 3 dự án xây dựng trường học với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng buộc phải giậm chân tại chỗ. Tại khu đất kho bãi ở 15 Lương Ngọc Quyến, hiện có 5 hộ dân cư ngụ (gồm 1 hộ lưu cư, 4 hộ do Công ty Cổ phần Hóa chất và Vật tư Khoa học Kỹ thuật bố trí vào ở). Trong khi Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn (nằm ngay trên địa bàn này) sĩ số học sinh/lớp vượt quá mức qui định của Bộ GD-ĐT và việc thực hiện học 2 buổi/ngày vô cùng khó khăn. Một điều đáng nói rằng địa bàn này chưa có trường THCS. Ngoài ra, cũng trên địa bàn Q.8 còn rất nhiều trường diện tích nhỏ bé như Trường Tiểu học Phạm Thế Hiển chỉ có vài phòng học và đang xuống cấp; Trường Tiểu học An Phong, Vạn Nguyên còn tệ hơn; Trường Tiểu học Hồng Đức nằm lọt thỏm trong chợ, lối đi vào trường cũng chính là lối đi vào chợ nên rất phức tạp. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 09 thuộc Sở Tài chính TP.HCM, hầu hết các kho bãi thuộc Q.8 cho thuê kinh doanh phế liệu, cửa hàng, thậm chí bỏ hoang. Năm học 2009-2010 đã gần kề, ngành GD-ĐT Q.8 đang đứng trước sức ép về chỗ học của con em nhân dân trong quận, trong khi các đơn vị sử dụng kho bãi vẫn không chịu trả. Đã đến lúc, UBND TP.HCM cùng các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh và xử lý rốt ráo những đơn vị “ngoan cố” này.
Trần Thanh Quang

Bình luận (0)