Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Trạm y tế di động” ở đại ngàn Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ Hồ A Trê đang thăm bệnh cho bệnh nhân
Có một cậu bé vùng cao ngay từ ngày còn cắp sách đến trường đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ, đem ánh sáng văn minh về cứu bà con dân bản thoát hủ tục lạc hậu rằng ốm đau, chết chóc là lệnh của con ma rừng, ma suối. Để xóa bỏ được lối tư duy ấy nhiều lần anh phải đánh cược cả tính mạng của mình.
Trong chuyến đi tác nghiệp ở huyện miền núi Đakrông một ngày đầu xuân, tôi may mắn được già Vỗ Thông giới thiệu về tấm lòng của một “thần y” với người Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn. Gần 20 năm qua đã có hàng trăm người dân bản được cứu khỏi tay thần chết. Y đức của anh đã đem đến niềm tin cho dân bản, bà con gọi anh bằng cái tên trìu mến: thần y của bản. Anh là Hồ A Trê, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị).
Giúp dân xóa bỏ hủ tục
Đêm xuống, rừng núi hiu hắt, vắng lặng đến lạ lùng, thi thoảng vọng ra từ sâu thẳm là tiếng chim giẻ giun gọi bạn cô độc đến rợn người. Sau bữa cơm tối già Vỗ Thông dẫn chúng tôi đến Trạm Y tế xã tìm gặp bác sĩ A Trê. Vừa đi, già Vỗ Thông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về phong tục tập quán của người Vân Kiều và tấm lòng của bác sĩ Hồ A Trê.
Từ rất lâu rồi, theo quan niệm của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, người ốm đau không phải vì bệnh tật mà nguyên nhân là do bị Giàng (ông trời) trách phạt. Vì thế, mỗi khi dân bản có người ốm đau, gia đình đều phải dốc toàn lực mua trâu bò, gà, lợn… rồi mời thầy mo về cúng đuổi con ma ốm. “Vì tin vào điều đó nên hầu như đến 80% người ốm đều không thoát khỏi cái chết”, lời già Vỗ Thông thì thầm trong đêm tối.
Sinh ra và lớn lên ở bản làng vùng cao còn nhiều hủ tục lạc hậu, ngay từ những ngày còn cắp sách đến trường, cậu học trò Hồ A Trê luôn tự nhủ, mai này nhất định mình phải học thi vào ngành y, học cách chữa bệnh theo khoa học để về bản làng chữa bệnh cho bà con. Tốt nghiệp lớp 12, anh chọn Trường Trung cấp Y Huế thực hiện ước mơ. Tốt nghiệp, A Trê tình nguyện về làm việc tại Trung tâm Y tế xã A Bung. Từ giây phút ấy, một rào cản khác đầy chông gai đang thử thách A Trê. Bởi vốn bao đời nay, dân bản quen với việc ốm đau thì tìm đến thầy mo. Để thuyết phục bà con tin vào y học, A Trê không ngần ngại trở thành “trạm y tế di động”. “Cõng” thuốc men và túi dụng cụ y tế trên vai, anh hăm hở đến các bản làng gần xa để vừa vận động vừa chữa bệnh cứu người làm minh chứng cụ thể cho bà con. Ban đầu, đi đến đâu A Trê đều bị xua đuổi đến đó nhưng sau nhiều lần chứng kiến A Trê chữa bệnh, bà con dần tin tưởng. Từ đó, hễ có ai ốm đau là họ lại tìm đến anh. Già Vỗ Thông tự hào nói: “Hai chục mùa rẫy nay, nhờ thằng A Trê mà bà con ai ốm đau đều qua khỏi. Cái bụng thằng A Trê tốt lắm, dù mưa hay nắng, ban ngày hay nửa đêm hễ có ai ốm đau gọi là nó có mặt kịp thời”.
Đánh cược tính mạng vì người bệnh
Tất bật chữa bệnh cả ngày, 9 giờ đêm, A Trê mới về đến Trạm Y tế xã. Thấy chúng tôi, anh cười hiền: “Mình vừa đi khám bệnh ở bản Kợp về. Bây giờ vẫn còn sớm đấy, mọi hôm về đến đây đã quá nửa đêm”.
A Trê nhớ lại, cách đây tầm 15 năm về trước, một lần Kăn Mai bệnh nặng, cả bản Kưp (xã Húc Nghì) đang mổ trâu bò thuê thầy mo về cúng bái thâu đêm suốt sáng. Nghe tin đó, anh vội vã băng rừng lội suối tìm đến thuyết phục gia đình cho anh thăm khám bệnh nhưng mọi người nhất quyết không đồng ý. Già làng bảo “Thầy mo đã phán phải nộp nó cho con ma rừng rồi. Mày không cứu được nó đâu. Cái số nó đã đến lúc về với Giàng rồi”. Thuyết phục mãi không được, thấy người bệnh mỗi lúc một nguy kịch, A Trê quyết định “bảo lãnh tính mạng” cho người bệnh. Anh khẳng khái nói: “Bệnh nhân đang rất cần được chăm sóc thuốc men. Tôi xin đem tính mạng mình ra đảm bảo. Nếu không cứu được người bệnh, tôi trao tính mạng mình cho bà con dân bản quyết định”… Lần đó A Trê thở phào nhẹ nhõm khi Kăn Mai dần hồi tỉnh nhờ liều kháng sinh kịp thời của anh.
Lần khác, vào lúc nửa đêm đang định ngủ thì có tiếng cầu cứu, anh vội mang y cụ theo chân người nhà bệnh nhân sang tận nước bạn Lào. Lúc anh đến nơi, sản phụ đã bị băng huyết, nhau thai của hài nhi vẫn chưa tách khỏi cơ thể mẹ. Một thoáng chần chừ, anh quyết định tiêm thuốc trợ lực, cắt rốn, bóc nhau thai… Lúc đứa bé oe oe cất tiếng khóc chào đời, người sản phụ nở nụ cười tươi cám ơn khiến anh xúc động đến rơi nước mắt. Rồi hàng chục lần tiếp đó, A Trê đều đưa người bệnh thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. “Thắng được lối tư duy ăn sâu hàng trăm năm trong tâm linh của bà con thật chẳng hề dễ chút nào nhưng làm cho dân tin càng khó khăn hơn gấp trăm lần. Mình phải làm cho dân tin, đó mới là điều quan trọng nhất để bà con tin vào khoa học hiện đại. Từ đấy, ngoài công việc khám chữa bệnh, tranh thủ thời gian A Trê thường xuyên đến thăm những hoàn cảnh neo đơn, già yếu… Anh động viên, chia sẻ với họ. A Trê nói: “Sống ở đời cốt ở chữ tình, mình đánh cược tính mạng mà cứu được hàng trăm người bệnh thoát chết thì âu đó cũng là hạnh phúc rồi”.
Nguyện ước một đời
Không nề hà trước những khắc nghiệt của khí trời ở đại ngàn Trường Sơn, anh băng rừng, lội suối, trèo đèo đến với từng bệnh nhân trong những lúc thập tử nhất sinh để giành lại mạng sống. Vì vậy bà con ở đây thường gọi anh với biệt danh thân thương là cái “trạm y tế di động”…
Đảm đương trọng trách Trưởng trạm Y tế xã A Bung, với số dân đông, điều kiện lại thiếu thốn, nhưng A Trê luôn cố gắng hết mình để hạn chế việc chuyển bệnh nhân vượt cấp. Anh bảo: “Nếu hễ thấy bệnh nhân ốm là chuyển lên tuyến trên thì sinh ra trạm y tế xã để làm gì? Vả lại, ai cũng làm thế thì bệnh viện huyện quá tải mất thôi”.
Ngoài giờ làm việc ở Trạm Y tế xã, anh còn khám và chữa bệnh miễn phí cho dân bản tại nhà riêng. Theo anh, mình bỏ chút ít thời gian, công sức để chữa bệnh ngoài giờ cho dân bản âu đó là cái tâm của nghề thầy thuốc. Mình làm bác sĩ không mong có thành tích, chỉ mong bà con xóa bỏ mê tín, hủ tục, tiếp cận với lối sống văn minh”. Đến giờ, A Trê chẳng thể nhớ chính xác số người bệnh từng tạm trú tại nhà mình. Thậm chí, thấy nhiều người bệnh không có một xu dính túi, anh còn tiết kiệm lương để giúp họ vượt qua buổi khó khăn. Ông Kôn Soa (một bệnh nhân đã được A Trê tận tình cứu chữa) cho biết: “Năm trước mình sốt triền miên, tưởng không qua khỏi. Nghe dân bản bảo bác sĩ A Trê chữa bệnh miễn phí nên nhờ anh ấy giúp. Giờ mình khỏe rồi. A Trê đúng là thần y của bản”.
Gần 20 năm gắn bó với ngành y, băng rừng, lội suối chữa bệnh cứu người, Hồ A Trê luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Cán bộ ngành y tế thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, coi họ đau đớn như mình đau đớn… Người thầy thuốc phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân”. A Trê phấn khởi khoe: “Dân xã A Bung bữa nay có ý thức rất cao trong việc đến trạm y tế chữa bệnh. Thậm chí, mấy thầy mo cũng tìm đến bệnh viện đấy. Không chỉ cứu chữa bệnh nhân trong xã, hễ bệnh nhân các vùng giáp xã như dọc biên với nước bạn Lào và huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cần là anh liền có mặt tận tình cứu chữa.
Chia tay người bác sĩ giàu lòng từ tâm, chúng tôi rời A Bung, chạy xe trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, không thể quên được hình ảnh người bác sĩ với túi y cụ trên vai, tay xách dép băng băng giữa lau lách rừng già đem sức khỏe đến cho mọi nhà. Tôi lại nhớ đến câu nói của anh: “Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trọng trách của một công dân đất Việt”…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Gần nửa đời theo nghiệp cứu người, bác sĩ Hồ A Trê gặp không ít trường hợp khi nhận bệnh nhân thì đa số họ đang trong trạng thái nguy kịch, 7 phần chết, 3 phần sống. Vậy mà anh vẫn dốc hết sức, đưa không ít người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
 

Bình luận (0)