Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Các trường ngoài công lập: Sức ép từ nhiều phía

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ đối mặt với nỗi lo cạn nguồn tuyển, thiếu sinh viên, các trường ĐH ngoài công lập còn canh cánh nỗi lo không “giữ” được sinh viên.

Nỗi lo mang tên “Rút hồ sơ đăng ký xét tuyển”
Quy định mới của Bộ GDĐT về việc rút và nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nhiều lần được các trường đánh giá là linh hoạt và dân chủ. Theo đó, các trường cập nhật hằng ngày thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 và công bố công khai trên website của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh, bao gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; số báo danh; đối tượng; khu vực; điểm thi từng môn và tổng điểm 3 môn thi; số thứ tự hồ sơ; mã ngành ĐKXT; ngày nhận hồ sơ ĐKXT; ngày trả hồ sơ ĐKXT.
Quy định này tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng đồng thời cũng đặt các trường khó tuyển, đặc biệt là khối ngoài công lập đứng trước nỗi lo khác, đó là giữ được “chân” sinh viên. Cuộc cạnh tranh này cũng khốc liệt không kém.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trường ĐH DL Hải Phòng nêu lên khó khăn: Việc cho phép thí sinh rút hồ sơ xét tuyển mặc dù tạo thêm điều kiện cho thí sinh, Bộ có thể quản lý tốt hơn, nhưng các trường lại “nặng gánh” hơn. Các trường phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật khi phải rút ra, nộp vào hồ sơ liên tục, rồi cập nhật thường xuyên các dữ liệu trên trang web. Việc này cũng khiến thời gian tuyển sinh của các trường bị kéo dài ra. Nếu xảy ra hiện tượng khi gần đến hạn chót, thí sinh ồ ạt rút hồ sơ xét tuyển thì các trường lấy đâu ra hồ sơ để xét?
Nguồn tuyển đã hạn hẹp, thêm vào đó các trường lại không thể chốt được số sinh viên chính thức sẽ theo học tại trường trước khi thời hạn xét tuyển kết thúc càng khiến cho các trường thêm khó khăn trong việc sắp xếp ngành học cũng như chương trình giảng dạy.
Các trường ngoài công lập thiếu sức hút?
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định, với mức điểm sàn năm nay, các trường hoàn toàn không lo thiếu nguồn tuyển vì số thí sinh đạt điểm trên sàn cao hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu. Vấn đề đặt ra đối với các trường luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh là đã làm gì để tạo sức hút cho thí sinh?
Bản thân lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập cũng phải thừa nhận, điểm sàn chỉ là một trong những lý do khiến các trường khó tuyển sinh chứ không phải là nguyên nhân duy nhất.
Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị cũng thừa nhận một thực tế: Quan niệm về tư thục, dân lập trong xã hội hiện vẫn rất nặng nề. Nếu trường công lập cũng lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thì hiển nhiên, thí sinh sẽ chọn các trường công lập chứ ít ai chịu vào trường ngoài công lập.
Ngoài lý do danh tiếng, các trường công lập còn hút được thí sinh bởi học phí thấp hơn nhiều so với trường dân lập. Trong khi học phí tại một trường ngoài công lập ít nhất cũng phải từ 600.000đ – 2 triệu đồng/tháng thì các trường công lập chỉ thu từ 290.000đ – 800.000đ/tháng/sinh viên.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập cho biết, năm học này sẽ cố gắng không tăng học phí, tuy nhiên, do không được đầu tư của ngân sách nhà nước nên cho dù rất cố gắng, học phí của các trường ngoài công lập vẫn không thể “đấu” được với trường công.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu thì cần phải xem xét lại chính mình cả về năng lực, chất lượng cũng như cách đưa thông tin đến với thí sinh. Đồng thời, trong năm tới, Bộ sẽ siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo Nguyên Minh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)