Không chỉ “ngậm” hóa chất độc hại, hàng trăm mẫu dược liệu còn được trộn lẫn với cát và xi măng. Thị trường đông dược đang bị thả nổi cả về quản lý và chất lượng.
Thuốc đông y trôi nổi được ngành chức năng phát hiện trong một cơ sở y học cổ truyền ở Gò Vấp. Ảnh: L.N. |
Trôi nổi
Chợ đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5, TPHCM luôn sầm uất về dược liệu với hàng trăm mặt hàng. Tuy nhiên, chỉ một số ít đông dược có xác nhận nguồn gốc. Ghé tiệm đông dược Hải A. trên đường này, nhiều loại thảo dược như nấm khô, linh chi, hoàn ngọc, hoa cúc, bạch linh…được phơi tràn ra vỉa hè.
Cơ sở dược liệu Đường S. ngoài bán dược liệu để chế biến, sắc uống còn bán dược liệu đã sơ chế như cao đơn hoàn tán, tinh dầu, tinh bột. Khi chúng tôi hỏi mua cao đơn hoàn tán, nhân viên cửa hàng cho biết mua bao nhiêu cũng có nhưng hỏi giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, người này lắc đầu: “Hàng xách tay từ Trung Quốc về”.
Ở các cửa hàng đông dược trên đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục và Phùng Hưng thuộc quận 5, nhiều loại đông dược không rõ nguồn gốc như Bảo Hoàn Cao Nghĩa Đường, Độc Hoạt Ký Sinh Hoàn, Thạch Lâm Thông, Hoa Việt, Linh Chi Thiên Ma Thấu Cốt Hoàn đều được quảng cáo chữa được nhiều bệnh cơ xương khớp, nhức đầu, đau lưng, sinh tinh… Tuy nhiên, nguồn gốc thì mù tịt.
Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh- Trưởng phòng Quản lý Y dược học cổ truyền thuộc Sở Y tế TPHCM, hiện có khoảng 120 cơ sở sản xuất đông dược, hơn 385 nhà thuốc y học cổ truyền đang hoạt động ở TPHCM. “Mỗi cơ sở kinh doanh đông dược có từ 300 đến 500 mặt hàng.
Tuy nhiên, ngoài số ít mặt hàng được nhập khẩu chính thức hoặc mua từ các cơ sở sản xuất trong nước có nguồn gốc rõ ràng, số còn lại là hàng nhập lậu, thu gom trôi nổi, không nguồn gốc”- bác sĩ Vinh cho hay.
Đại diện Hội Đông y TPHCM cho biết, mỗi năm ngành y tế phát hiện hàng trăm loại đông dược, thuốc y học cổ truyền không chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, số đăng ký, đủ cho thấy đông dược đang bị thả nổi.
Không ít loại đông dược còn nhiễm vi sinh, nhiễm chất gây ung thư như Rhodamine B. Nhiều loại còn trộn cả tân dược như dexamethason hay Corticoid, rất nguy hiểm với người dùng.
“Xác không hồn”
Nếu không có kinh nghiệm, khó nhận biết đâu là dược liệu giả, đâu là thật. Theo lương y Kỳ Bá Linh, nhiều loại dược liệu nhập từ Trung Quốc sau đó được thương lái pha chế như trộn phẩm màu, ngâm hóa chất để làm giả nguyên liệu.
“Như loại hồng hoa trong dược liệu bạch linh, khi nhập về bị trộn thêm bột gạo nên khi bỏ vào nước mới thấy phẩm màu và bột tan ra”- lương y Linh cho biết.
Hay như loại thỏ ty tử chính hãng ở các cửa hàng bán giá 100.000 đồng/kg. Nhưng để bán được hàng, người bán trộn thêm các loại hạt hoặc bột và tẩm thêm hóa chất bào chế thành dạng bánh gọi là “thỏ ty bánh” bán với giá thấp hơn, trong khi quảng cáo chất lượng như hàng “xịn”.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TPHCM), cho biết không ít người buôn bán dược liệu vì hám lợi đã “tân trang” gốc cây đu đủ thành củ đương quy vốn có tác dụng bổ máu, sinh huyết.
Thậm chí, vỏ cây sung “tút” lại thành vỏ cây đỗ trọng bán kiếm lời mà người mua không hay biết. Một lương y cho biết, nhiều loại thuốc quý như nhân sâm, hoàng kỳ trước khi đến tay người bệnh đã bị chiết xuất hoạt chất nên chỉ còn là “xác không hồn”.
Trong số gần 400 mẫu dược liệu được Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm tra và công bố mới đây, 60% mẫu chưa đạt chất lượng. 20% thuốc còn bị lẫn cả cát, xi măng, có tạp chất và hóa chất độc hại. Nhiều loại thuốc đã bị người chế biến xông lưu huỳnh hay formaldehyde để chống nấm mốc.
Theo Bộ Y tế mỗi năm nước ta tiêu thụ hơn 50 nghìn tấn dược liệu và hơn 10 nghìn sản phẩm đông dược lưu hành. Tuy nhiên đợt kiểm tra mới đây cho thấy, chỉ có 9 mặt hàng có số đăng ký, còn lại là hàng nhập lậu không có số đăng ký.
Theo Cục Quản lý Dược VN hiện 90% nguyên liệu làm thuốc ở nước ta phải nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa kiểm soát được dược liệu nhập khẩu cũng như kiểm định chất lượng đầu vào.
Lê Nguyễn
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)