Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường mầm non ngoài công lập: Khó quản lý vì điều lệ bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Trường MN tư thục Thiên Thần Nhỏ (quận Long Biên) đã xin tự giải thể khi có một cháu tử vong tại trường vào cuối tháng 9 vừa qua

GV, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của chủ trường (nhóm, lớp) mầm non (MN) đang là nỗi lo đối với các nhà quản lý giáo dục Hà Nội trước tình trạng các trường MN ngoài công lập (NCL) đang mọc lên ngày càng nhiều hiện nay. Những bất cập trong những quy định về chính sách cũng đang là một trong những hạn chế để các trường MN này có thể phát triển một cách bền vững và có chất lượng.
Cơ sở thiếu, GV yếu
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội thì hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.094 cơ sở nhóm, lớp MNNCL được cấp phép hoạt động. Số trẻ MN bình quân tăng mỗi năm từ 27.000-28.000 trẻ, có những năm cá biệt tăng 35.000 trẻ đã tạo áp lực rất lớn lên các trường MN. Việc các trường, nhóm lớp MNNCL ra đời đã giảm đáng kể áp lực đó đối với con em người dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT Hà Nội thì hiện nhiều cơ sở còn tồn tại manh mún, xen kẽ trong các khu dân cư do đó cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy định. Cán bộ tổ GDMN các phòng GD-ĐT còn ít dẫn tới quản lí còn mỏng. Thực tế này đã được bà Nguyễn Thúy Thuận, Hiệu trưởng Trường MN Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Trường được phường giao quản lý 13/27 nhóm lớp MNNCL của phường. Hầu hết các nhóm lớp đều đi thuê phòng học trong nhà dân, sân vườn không có, phòng học nhỏ, không có phòng để đồ, nhà vệ sinh thiết kế không phù hợp với trẻ MN. Nói về đội ngũ GV bà Thuận cũng băn khoăn: “Dù đã qua đào tạo nhưng đội ngũ GVMN ở các trường NCL vẫn còn hạn chế về khả năng sư phạm. Họ còn có tâm trạng không yên tâm gắn bó với nghề, luôn trong tình thế “nhấp nhổm” chuyển việc”. Đồng tình với quan điểm này, bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết: Đa số GV ở các trường, nhóm lớp MNNCL đều ở ngoại tỉnh và liên tục bỏ việc. Đây cũng là một khó khăn, hạn chế của các trường MNNCL. “Các GV ở các trường MNNCL là người từ các tỉnh, thành lân cận đến, họ phải thuê nhà, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ đào tạo hầu hết là qua các lớp liên kết, do vậy chất lượng còn hạn chế. Nhiều GV không muốn đóng bảo hiểm xã hội và không muốn gắn bó với cơ sở”, bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy thừa nhận.
Điều lệ quá dễ dãi
Bà Xuyến cũng nêu lên một thực tế do điều kiện thành lập các nhóm, lớp MN tư thục dễ nên nhiều chủ lớp không có chuyên môn, chỉ qua lớp bồi dưỡng ngắn ngày về công tác quản lý MN. Bà Hoàng Thị Kim Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên khẳng định: “Không có căn cứ nào để tin tưởng và đảm bảo rằng một chủ nhóm lớp tốt nghiệp THCS, chỉ cần học nghiệp vụ quản lý 30 ngày có thể quản lý được nhóm lớp với những GV có trình độ trung cấp, CĐ trở lên”. Theo đó, bà Phượng đề nghị chủ nhóm lớp phải tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm trở lên và phải có  kinh nghiệm đứng lớp ít nhất 3 năm. Ý kiến này được rất nhiều lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện của Hà Nội chia sẻ. Bà Trần Lan Anh, Tổ trưởng giáo vụ MN, Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ nêu ra một thực trạng: Ở quận hiện nay có 1, 2 chủ lớp trước kia chỉ là người bán thịt lợn. Học xong lớp cấp chứng chỉ là về làm chủ lớp MN vì trong điều lệ trường MN cho biết chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện. Bà đề nghị chủ lớp phải có chuyên môn MN ít nhất từ 3 năm trở lên và có chứng chỉ quản lý MN.
Trong điều lệ trường MN hiện nay cũng có nhiều quy định gây khó khăn và không hợp lý cho các cơ sở GDMN NCL. Bà Phượng (quận Long Biên) lấy ví dụ như việc quy định nhóm, lớp MN tư thục phải có cán bộ y tế chuyên trách là không hợp lý. Hay như quy định 50 trẻ là phải thành lập 1 trường cũng gây ra nhiều tranh cãi. Bà Phượng đề nghị nên thay thế quy định này bằng quy định 100 trẻ mới phải thành lập trường. Ngoài ra, trong điều 42 của điều lệ cũng đưa ra phải nhận trẻ từ 3 tháng trở lên là không còn hợp lý với thực tế. Các bà mẹ khi sinh đã được nghỉ 6 tháng theo quy định mới đây của Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của trường MNNCL cũng đang vấp phải những khó khăn liên quan đến chính sách của Nhà nước. Trong đó, bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho rằng nên bỏ quy định cấp phép hoạt động cho các cơ sở GDMN NCL và chỉ cần quyết định thành lập là đủ. Hiện nay đang tồn tại hai loại giấy phép là quyết định thành lập và cấp phép hoạt động, hai loại giấy phép này cách nhau 6 tháng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ sở MNNCL muốn thành lập.
Có thể nói, các cơ sở MNNCL đang hoạt động và gặp rất nhiều khó khăn. Có những khó khăn chủ quan, nhưng cũng có khó khăn liên quan đến chính sách. Phó vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận điều này và cho biết sẽ chỉ đạo để rà soát lại các văn bản liên quan.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)