Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khuyến mãi “khủng”… vẫn ngoảnh mặt làm ngơ

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin về các trường ĐH khuyến mãi “khủng” trên các phương tiện thông tin nhằm hút thí sinh xét nguyện vọng ( NV) 2, 3 gây xôn xao dư luận, có người ví von rằng, khuyến mãi “học hành” có khác gì khuyến mãi hàng điện máy thời ế ẩm. 
Bài toán kinh tế buộc các thí sinh phải cân nhắc lựa chọn khi học phí các trường dân lập không phải là nhỏ trong thời buổi hiện nay. Điểm sàn, chỉ tiêu và sự gia tăng số lượng các trường ĐH, CĐ đã không “thuận chèo mát mái”, trở nên mâu thuẫn ngày một gay gắt mà đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
Xót xa đại học địa phương, dân lập
Trường ĐH Phạm Văn Đồng – tiền thân là Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi và CĐ cộng đồng – thành lập năm 2007, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi. Là trường ĐH công lập, nhưng kể từ ngày thành lập đến nay, năm nào trường cũng phải “đốt đuốc” tìm thí sinh (TS) để hy vọng đủ chỉ tiêu (CT) tuyển sinh đã được bộ phân bổ. Kỳ tuyển sinh năm nay, trường đã phải đóng cửa ngành học đang được xếp vào hàng “hot” – ngành tài chính – ngân hàng – bởi chỉ có 1 TS trúng tuyển. Trường có 6 ngành đào tạo, CT được phân bổ là 450, nhưng chỉ có 64 TS trúng tuyển NV1, để cho đủ CT, trường đành chờ hy vọng xét NV 2, 3, “vét” sao cho được tới hơn 380 CT nữa.
Ngay trước thời điểm Bộ GDĐT công bố  điểm sàn, nhiều trường đã tung các gói khuyến mãi hết sức hấp dẫn. Trường ĐH Hà Hoa Tiên là trường dân lập, nhưng TS thủ khoa khối A được có 12,5 điểm, khối D là 14 điểm. Theo thông tin quảng cáo, để có đủ nguồn TS, trường này đã thông báo cấp học bổng trị giá 2,5 triệu đồng cho TS đạt từ 22 điểm trở lên, được ở KTX giá rẻ, ra trường có cơ hội làm việc tại các Cty của Tập đoàn Pomihoa (nhà máy thép, ximăng…).
Trường Đại học Hà Hoa Tiên. Ảnh: Internet
Theo phân tích của bạn Nguyenduc08@gmail.com thì học bổng được trường Hà Hoa Tiên cấp chỉ tương đương học phí học kỳ 1, gánh nặng của ba năm rưỡi nữa thì mấy gia đình nào ở nông thôn chịu cho thấu, nếu lựa chọn vào trường. Các TS ở thành phố chắc chẳng “màng” tới trường này. Trường ĐH Tân Tạo (Long An) năm đầu tuyển sinh cũng chỉ có 63 TS nộp hồ sơ dự thi, số TS thực đến thi chỉ có 50, theo đánh giá của lãnh đạo ước theo điểm sàn thì tuyển được khoảng 35 TS. Mặc dù nhà trường quảng bá hết sức hấp dẫn như tặng học bổng trị giá 3.000USD (học phí năm học đầu), thí sinh nào vượt điểm sàn 4 điểm được tặng máy tính xách tay…
Học phí của trường này quả là quá cao so với thu nhập chung của xã hội. Một năm học, học phí tới trên 60 triệu đồng. Bốn năm học tốn 240 triệu đồng. Dù khuyến mãi “khủng” như vậy, liệu trường có thực sự hút được TS có chất lượng vào học với lượng chỉ tiêu là 500. Không chỉ các trường ĐH dân lập tung chiêu khuyến mãi, mà ngay cả các trường ĐH công lập cũng rơi vào tình trạng “đói” TS có “chất lượng”. Trường ĐH Công đoàn, ĐH Hà Nội linh hoạt hút TS bằng cách, nếu không đủ điểm NV1 thì được chuyển ngành khác trong trường có điểm chuẩn thấp hơn.
Nghịch lý
Trong khi các trường ĐH thuộc “tốp” cao ung dung đưa ra mức điểm chuẩn của trường, thì các trường tốp trung bình và trường địa phương, dân lập lại lo sốt vó sao cho lấp đủ CT tuyển sinh. Năm nay, Bộ GDĐT cấm việc các trường gửi giấy báo cho những trường hợp điểm thi thấp hơn điểm sàn, không biết năm nay có chấm dứt được tình trạng “xé rào” này không, nhưng việc các trường tung các gói khuyến mãi cho thấy nghịch lý: Chất lượng điểm thi và số lượng các trường ĐH.
Không phải năm nay mà từ vài năm trước, Hiệp hội các Trường ĐH ngoài công lập có văn bản kiến nghị Bộ GDĐT bỏ điểm sàn, nếu vẫn “đóng khung” điểm sàn thì các trường ĐH dân lập, các trường tốp giữa và dưới thiếu hụt nghiêm trọng nguồn TS vào học so với CT được phân bổ. TS ít, nhà trường lỗ không đủ bù chi phí, lãng phí cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bộ kiên quyết vẫn giữ điểm sàn. Bỏ điểm sàn sẽ hệ lụy đến khối CĐ. Điểm sàn hệ CĐ năm nay: Khối A, D (10 điểm); B, C (11 điểm), bình quân mỗi môn thi hơn 3 điểm. Nhiều TS không đỗ ĐH chấp nhận học hệ CĐ công lập, sau đó học liên thông ĐH, thời gian học cũng tương đương ĐH, trong khi bằng tốt nghiệp là trường công lập chứ không phải dân lập.
Bài toán: Điểm sàn, chỉ tiêu, số lượng trường ĐH đang trở thành nghịch lý chưa có lời giải. Các trường ĐH dân lập, địa phương lãnh đủ hậu quả của nghịch lý này. Lối ra nào cho các trường ĐH dân lập, ĐH địa phương?
Theo Hoài Việt
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)