Nhiều trường phổ thông ngoài công lập tại TPHCM đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động vì không tuyển được học sinh
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết tình hình tuyển sinh các trường ngoài công lập ở quận này hiện rất èo uột.
Cả đợt tuyển chỉ nhận được một hồ sơ
Trường THPT Khai Trí đã hoạt động được 5 năm nhưng năm học này phải giải thể bậc tiểu học vì không tuyển được học sinh. Ở bậc THCS, Trường THPT Khai Trí cũng không có nhiều học sinh, chỉ tuyển được khoảng hơn 10 học sinh/lớp nhưng vẫn phải duy trì hoạt động.
Cũng ở quận 5, Trường THCS Tân Nam Mỹ dù chưa phải đóng cửa bậc học nào nhưng tình hình tuyển sinh cũng không khả quan hơn bao nhiêu. Bậc tiểu học trường này chỉ có khoảng hơn 10 học sinh/khối lớp nên hiện đang phải hoạt động cầm chừng.
Ở quận Tân Bình, Trường Tiểu học dân lập Phương Nam đã có 13 năm hoạt động nhưng mới đây đã làm thủ tục xin tạm đóng cửa kể từ đầu tháng 8 vì đợt tuyển sinh năm nay chỉ nhận được một hồ sơ vào lớp 1. Tất cả 31 học sinh đang học ở các lớp khác từ năm trước đã được Trường Tiểu học dân lập Phương Nam giới thiệu sang học tại các trường khác.
Trường Tiểu học dân lập Phương Nam (quận Tân Bình – TPHCM) đã 13 năm
hoạt động nhưng nay phải ngưng hoạt động do tuyển không được học sinh
Ở một loại hình khác, những trường mang danh “quốc tế” cũng đang có làn sóng học sinh xin chuyển về trường công lập. Bà Võ Ngọc Thu cho biết năm ngoái, Phòng GD-ĐT quận 5 đã giải quyết cho hơn 50 trường hợp chuyển từ trường “quốc tế” về nhưng năm nay phải hạn chế nhận, chỉ giải quyết khoảng 20 trường hợp.
Tại quận 1, Phòng GD-ĐT giải quyết chuyển trường cho khoảng hơn 70 trường hợp trong năm học trước và năm nay cũng chỉ giải quyết hạn chế cho khoảng hơn 20 trường hợp – ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết.
Ngán học sinh “quốc tế”
Điều lạ là tuy khó khăn nhưng nhiều trường phổ thông ngoài công lập vẫn đua nhau mọc lên. Hiện toàn TP đã có 71 trường phổ thông ngoài công lập – một số lượng đáng kể. Hầu hết phụ huynh đều nói rằng họ cho con học ở trường ngoài công lập với mức chi phí cao hơn rất nhiều lần vì kỳ vọng chất lượng dạy học ở loại hình trường này sẽ tốt hơn trường công.
Theo bà Võ Ngọc Thu, khi xin chuyển con từ trường “quốc tế” về trường công lập, các phụ huynh đều cho biết họ không kham nổi mức thu của trường ngoài công lập. Thực tế không hẳn như vậy vì rất nhiều học sinh trong diện này nói tiếng Việt không rõ, viết sai lỗi chính tả, hổng quá nhiều kiến thức căn bản và đặc biệt nhiều em quá ư tự do, thậm chí là quá trớn. Đây là lý do khiến phòng GD-ĐT các quận hạn chế nhận học sinh ở bậc THCS của loại hình trường “quốc tế” vào trường công lập, riêng học sinh tiểu học thì do các cháu còn nhỏ nên còn có thể khắc phục được.
Ông Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), nơi có nhiều học sinh ở trường “quốc tế” chuyển về, cũng cho biết khả năng tiếng Anh của các em ở trường “quốc tế” tốt nhưng với các môn học khác thì không ổn!
Tại TPHCM, chủ trương chung của tuyển sinh vào lớp 1 là huy động 100% trẻ trong độ tuổi trên địa bàn (kể cả tạm trú) vào trường tiểu học công lập. Trong tình hình như thế, các trường ngoài công lập càng khó khăn hơn trong việc tuyển sinh do mức thu luôn cao hơn trường công lập.
|
Theo Huy Lân
(NLD)
Bình luận (0)