Từ khi thực hiện tuyển sinh “3 chung” đến nay, để thuận lợi cho việc tuyển sinh, hầu như năm nào cũng có chuyện các trường ĐH-CĐ vi phạm trong xét tuyển. Điều này đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của không ít thí sinh (TS).
Chỉ xét tuyển TS thi vào trường mình
Theo quy chế tuyển sinh, TS đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 nhưng có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định. Tuy nhiên, trên thực tế hiện có nhiều trường còn chỉ tiêu NV2 nhưng lại không xét tuyển những TS dự thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT mà chỉ giới hạn những TS đã dự thi vào trường mình.
Website của các trường có thông báo vi phạm xét tuyển NV2 |
Chẳng hạn trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chỉ xét tuyển NV2 ngành quản trị kinh doanh cho TS dự thi khối A vào trường. ĐH Hà Nội có 163 chỉ tiêu xét tuyển NV2 nhưng điều kiện xét tuyển là những TS có NV1 thi vào trường ĐH Hà Nội nhưng không đủ điểm trúng tuyển. Như vậy, những TS dự thi ở trường khác mặc dù có điểm cao hơn mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của trường cũng không có cơ hội được xét tuyển.
Lý giải điều này, ông Đặng Đình Cung – Phó phòng Đào tạo ĐH Hà Nội, cho biết: “Với số điểm của TS dự thi, trường hoàn toàn có thể tuyển đủ NV1. Tuy nhiên, do trường tuyển sinh theo ngành nên không ít TS có điểm thi cao vẫn trượt NV1. Do vậy, để tạo điều kiện cho những TS này được trúng tuyển vào trường, trường đã dành chỉ tiêu để xét tuyển NV2. Nguyên tắc xét tuyển vẫn tuân thủ đúng quy định của Bộ GD-ĐT”. Ông Cung còn cho biết thêm, hiện số TS dự thi vào trường có điểm cao hơn mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển khoảng 500 – 600 TS, nhưng chỉ tiêu cũng chỉ có 163. Vì vậy, trường không cần xét tuyển đến những TS dự thi trường khác.
Kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH cố gắng bằng mọi cách chỉ lấy TS dự thi vào trường mình bằng NV 1B, NV bổ sung… Tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, TS đăng ký xét tuyển NV2 một trong các ngành bậc ĐH được đăng ký thêm một NV vào bậc CĐ ngành công nghệ thông tin của trường. Việc này cũng đồng nghĩa với chuyện tất cả TS có mức điểm thi khá cao tại những trường này gần như vào học hết (dù là vào các ngành khó tuyển của trường). TS thi NV1 không đỗ nhưng có điểm cao tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng không thể “rớt” ra ngoài được. Bởi khi nhận được giấy báo thi (NV1) của trường, TS sẽ được hướng dẫn điền vào “Phiếu đăng ký NV bổ sung” và nộp lại trường khi dự thi, để trong trường hợp không đạt NV1 sẽ được tự động xét tuyển theo những NV đăng ký bổ sung.
Tìm cách hạ điểm sàn
Mặc dù quy chế tuyển sinh đã quy định các trường xác định điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Tuy nhiên trên thực tế không ít trường đã xin được vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh hiện hành, để hạ thấp mức điểm này. Tại điều 33 quy định: “Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường đào tạo nhân lực cho địa phương, mức điểm chênh lệch giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao”. Đây là “phao cứu sinh” của không ít trường ĐH khi xét tuyển NV2. Vì vậy những trường xin được vận dụng điều 33 ngày càng nhiều.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Những trường được vận dụng điều 33 đều phải trình Bộ trưởng xem xét, quyết định chứ không được tự ý áp dụng”. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định trường nào thực chất đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương lại rất khó vì Bộ không công khai tiêu chí cụ thể. Một chuyên gia giáo dục bức xúc nói: “Đây là một quy định rất “mơ hồ” vì trường nào cũng có thể là trường đào tạo nhân lực cho địa phương!”.
Vi phạm quy chế?
Trao đổi với PV ngày 17.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Những trường thi chung đề, có xét tuyển NV2 mà chỉ tuyển TS đã dự thi vào trường mình là vi phạm quy chế tuyển sinh”. Thứ trưởng Ga cho rằng, khi đã tham gia thi “3 chung” thì các trường phải dùng kết quả thi của TS để xét tuyển chung. Nếu chỉ xét TS thi vào trường mình thì sẽ làm mất đi ý nghĩa của kỳ thi “3 chung”. Tuy nhiên nếu căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành thì lại không có điều nào quy định về việc này. Tại điều 33 của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy hiện hành, chỉ có một số quy định về việc xét tuyển như sau: Đối với những trường sử dụng đề thi ĐH của Bộ GD-ĐT hoặc chung kết quả thi ĐH để xét tuyển thì điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn; điểm trúng tuyển NV sau không thấp hơn NV trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các NV; không hạ điểm trúng tuyển…
Vũ Thơ
Thiếu công bằng
Trước kỳ tuyển sinh năm nay, phó hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TP.HCM chia sẻ về việc áp dụng xét tuyển NV1B. Theo xu thế, nhiều trường ĐH công lập lớn đang nhắm đến việc áp dụng cách xét tuyển này. Nếu như vậy, việc xét tuyển NV2 sẽ chỉ còn những TS có điểm xấp xỉ bằng điểm sàn tham dự. Việc thiếu công bằng này chứng tỏ việc thi “3 chung” như hiện nay càng ngày càng bộc lộ nhiều điều không hợp lý.
Đăng Nguyên
|
Theo Vũ Thơ – Đăng Nguyên
(Thanh Niên)
Bình luận (0)