Một năm tuy không phải là dài, nhưng để có được một Đại học Bình Dương chi nhánh Cà Mau ngày hôm nay, thì đó là cả một câu chuyện không hề ngắn.
Nếu ai không tìm hiểu kỹ, chắc sẽ có nhiều thắc mắc và hoài nghi về sự gắn bó mật thiết giữa Đại học Bình Dương với vùng đất Mũi Cà Mau. Tại sao một ngôi trường đang phát triển rất ổn định, lại tự đặt ra thách thức cho mình khi liều lĩnh dấn thân vào con đường mới đầy chông gai, đó là đầu tư xây dựng chi nhánh mới hàng chục tỉ đồng tận nơi cuối trời Tổ Quốc xa xôi này? Trong khi đó, theo lẽ thường, các trường đại học thường tọa lạc tại các thành phố lớn, các vùng trung tâm của cả nước. Bản thân Đại học Bình Dương cũng đã “đóng đô” ở một vị trí hết sức thuận lợi ở khu tứ giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ: TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu – Bình Dương.
Hành trình gieo hạt
Để giải thích điều này, trước hết phải tìm hiểu về Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Cao Văn Phường, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng của trường. Ông đã đi nhiều nơi, lập nghiệp và nổi danh ở nhiều chốn, nhưng ít ai biết rằng, Cà Mau mới là nơi ông sinh ra và lớn lên. Bởi vậy, trong lòng người con đất Mũi này luôn canh cánh nỗi niềm báo đáp quê hương xứ sở. Và nghĩa tình ấy đã được cụ thể hóa thành hành động qua những chương trình an sinh xã hội mang ý nghĩa sâu sắc như: thực hiện đề án xây dựng nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, cầu, đường bê tông, trường mầm non, chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất cho người dân….
Trong đó, không thể không kể đến cây cầu Thầy bắc qua kinh xáng Chắc Băng tại ấp 1, xã Trí Phải do Trường Đại học Bình Dương đầu tư, với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng, được khánh thành vào ngày 26/12/2010. Nói về công trình này, Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Cao Văn Phường tâm sự: “Tôi là người con của đất Thới Bình, tuổi thơ gắn liền với những nhọc nhằn của quê nghèo. Hình ảnh những em nhỏ qua cầu khỉ, lội đường đất đến trường cứ ám ảnh hoài… Tôi còn nợ quê hương nhiều lắm”.
Chính vì nghĩ rằng mình “còn nợ quê hương nhiều lắm”, do đó, dù đã hỗ trợ được rất nhiều, nhưng khi thấy đời sống người dân còn nghèo khó, ông lại chưa thôi trăn trở.
Tuy nhiên, một quy luật đặt ra là muốn phát triển, cần có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ cao. Mà đây lại chính là điểm yếu của vùng đất Mũi. Vì điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vị trí lại xa xôi cách trở, nên tỉ lệ tốt nghiệp đại học của con em trên địa bàn tỉnh rất thấp. Chưa kể, nhiều sinh viên đã bước được vào cánh cửa đại học mà vẫn phải bỏ dở giữa chừng.
Trước thực trạng đó, với tiềm lực sẵn có, cộng cái Tâm to lớn cũng một chút liều lĩnh, Viện sĩ Cao Văn Phường đã quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng ngôi trường đại học đầu tiên cho những người dân đất Mũi. Đây cũng chính là quyết tâm chung của Đảng bộ, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau về việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ địa phương, và cũng là sự tri ân của một nhà khoa học lớn gửi đến quê nhà.
Khỏi phải nói, người dân Cà Mau và các địa bàn lân cận đã vui sướng biết nhường nào. Khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp các diễn đàn, mọi người loan báo tin vui về việc từ nay, con em sẽ không phải lặn lội đâu xa để chinh phục đỉnh cao tri thức. Thậm chí, khi thông tin này được đưa ra, nhiều người còn không tin. Một thành viên có “nick name” là haithuan của diễn đàn Cà Mau còn nghi ngại rằng: Chắc là nổ thôi chứ còn lâu mới thực thi. Trong khi, hầu hết các thành viên khác đều chúc mừng cho các bạn học sinh Cà Mau không phải đi học xa nhà nữa. Họ còn hứa hẹn nhau sẽ là anh em một nhà tại ngôi trường Đại học Bình Dương chi nhánh Cà Mau.
Ngày ấy bây giờ
Được sự ủng hộ của các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau, Đại học Bình Dương chi nhánh Cà Mau chính thức ra đời vào tháng 6/2009. Trường tọa lạc trên địa bàn thành phố, tổng diện tích 2 giai đoạn gần 60.000 m2, được thiết kế một khuôn viên khép kín với các chức năng riêng biệt, bảo đảm mọi hoạt động giáo dục của giảng viên và sinh viên nhà trường. Đến nay, cơ sở vật chất đã tương đối hoàn thiện và có thể phục vụ cho hơn 1.000 sinh viên.
Đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, năm 2011, cơ sở này đã chính thức đi vào hoạt động. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất và giảm chi phí tối đa cho sinh viên vùng cực nam Tổ Quốc, Đại học Bình Dương đã tạo điều kiện cho những sinh viên trúng tuyển được học tại chi nhánh của trường ở Cà Mau. Số sinh viên trúng tuyển này này nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh chung của Đại học Bình Dương được Bộ cho phép.
Như dự đoán ban đầu, số lượng sinh viên chưa nhiều so với quy mô của trường. Tuy nhiên, nhà trường luôn xác định chất lượng đào tạo là vấn đề quan trọng nhất và kiên quyết không chạy theo bệnh thành tích.
Viện sĩ, TSKH Cao Văn Phường khẳng định: “Khi thành lập nhà trường việc lợi ích về kinh tế được đặt hàng thứ yếu, mục tiêu là cùng góp sức vào sự nghiệp đào tạo nhân lực tại địa phương. Đại học Bình Dương sẽ dốc sức để mang lại tri thức, hy vọng và tương lai cho thế hệ trẻ Cà Mau.
Trên tinh thần đó, nhà trường đã nghiên cứu kỹ tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, lựa chọn các ngành đào tạo phù hợp với tiềm năng thế mạnh của vùng, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực đúg với nhu cầu thực tế. Hơn thế, với triết lý Học – Hỏi – Hiểu –Hành, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên luôn được chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm để phục vụ hiệu quả cho công việc sau này. Các sinh viên cũng tỏ ra rất hứng thú với các khóa học này.
Em Hoàng Thị Luyến, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh cho biết: Các khóa học này đã trang bị cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích. Hơn nữa, không khí lớp học luôn vui tươi, sảng khoái vì có rất nhiều trò chơi hấp dẫn. Các thầy cô luôn có những phương pháp mới mẻ giúp chúng em tiếp thu bài tốt hơn. Chẳng hạn, trước đây, môn thi tiếng Anh luôn là áp lực lớn cho bọn em, nhưng bây giờ, chúng em rất hứng thú với hình thức thi hát tiếng Anh. Cách thi này không những giúp chúng em thoải mái hơn, mà còn rất hiệu quả nữa.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của trường vẫn là đội ngũ giảng viên. Hiện tại, các hoạt động giảng dạy của chi nhánh vẫn do giảng viên cơ hữu từ Bình Dương đảm nhận. Trường phải bố trí đưa đón giảng viên từ cơ sở chính tại Đại học Bình Dương hoặc mời từ các trường ĐH-CĐ khác về dạy tại Cà Mau.
Đáp ứng lại tấm lòng của các thầy cô, các em sinh viên cũng không ngừng cố gắng. Cả thầy và trò đều cố gắng chạy đua với thời gian, tận dụng hết công suất, tranh thủ từng giây từng phút. Thế nên, dù không thể kéo dài cả học kỳ, nhưng với nỗ lực to lớn ấy, các chương trình học vẫn luôn cố gắng đảm bảo đủ cả chất và lượng.
Em Nguyễn Huyền Trang chia sẻ: Việc học với công suất cao như vậy đôi khi cũng khiến chúng em mệt mỏi. Thế nhưng, điều đó có thấm gì so với công sức mà các thầy cô đã dành cho chúng em. Chúng em biết rằng, để tạo điều kiện cho chúng em được học gần nhà, nhà trường nói chung và các thầy cô nói riêng đã phải nỗ lực rất nhiều. Thời gian đầu, bao giờ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng em sẽ quyết tâm học tập tốt để không phụ lại công ơn thầy cô.
Được biết, song song với việc đào tạo, nhà trường còn vừa xây dựng, vừa thu hút lực lượng giảng viên làm việc tại chi nhánh. Năm học 2012-2013, nhà trường tiếp tục mở 5 ngành đào tạo đại học, cao đẳng gồm: quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng, công nghệ sinh học, công nghệ công trình xây dựng. Để tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm tới, nhà trường đang lập đề án xin phép Bộ GD – ĐT được nâng cấp chi nhánh Cà Mau thành phân hiệu theo đúng quy chế. Sự nâng cấp này đã được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Cà Mau.
TS. Cao Việt Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bình Dương, Giám đốc chi nhánh Cà Mau cho biết: Việc làm của chúng tôi giúp sinh viên giảm chi phí trong quá trình học tập, tạo điều kiện để các em đi đến cùng trên con đường học vấn (không để các em dang dở việc học hành vì vấn đề kinh tế). Việc làm này hoàn toàn hợp với ý Đảng, lòng dân tại Cà Mau, phù hợp với tâm nguyện của Bác “ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành” .
Sinh Phạm
Tin liên quan
Chiều 29-11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Đề án 5695. Tham dự hội...
Ngày 29-11-2024, tại TP.Cần Thơ, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết...
Chiều 29-11, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có buổi khảo sát thực tế Nhà máy nước Bình...
Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng và truyện ký “Chuyện năm 1968” của nhà văn...
Bình luận (0)