Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lòng hiếu thảo

Tạp Chí Giáo Dục

 Những ngày qua, bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Am-xtéc-đam (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Ðọc bài văn, một bạn đọc nhận xét, đây là: "Một câu chuyện cảm động, một người con hiếu thảo, một câu chuyện đáng để chúng ta suy nghĩ". Bởi không thể không xúc động khi đọc những dòng chữ Nguyễn Trung Hiếu viết: "Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình.
Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chày, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút tám cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa". Trong lúc hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Nguyễn Trung Hiếu vẫn cố gắng học giỏi, tham gia hoạt động xã hội, rồi khi câu chuyện của em được nhiều người biết tới, Nguyễn Trung Hiếu trả lời thật chân thành: "Em nghĩ bên ngoài còn nhiều người khổ hơn em, khó khăn hơn gia đình em. Thế nên những nhà hảo tâm hãy quan tâm giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ, người già neo đơn, hay những người đang lay lắt với bệnh tật mà không thể có tiền chạy chữa".
Nhiều bạn đọc không chỉ bày tỏ sự trân trọng, khâm phục lòng hiếu thảo, ý chí vươn lên và động viên, tổ chức giúp đỡ Nguyễn Trung Hiếu,… mà còn tự thấy mình chưa biết quan tâm đến người khác. Qua những bức thư, bài viết và ý kiến trao đổi, nhiều bạn trẻ tự xem xét lại mình, trách bản thân ỷ vào sự chăm sóc của cha mẹ mà không biết rằng, cần phải biết quan tâm, thương yêu cha mẹ. Họ tâm sự: "Tôi chưa bao giờ biết hết được giá trị của đồng tiền, cũng như chưa từng biết thương mẹ, chỉ biết hết tiền là về xin mẹ thôi. Nhưng chính suy nghĩ của Hiếu đã thức tỉnh tôi", "Anh sẽ lấy em làm tấm gương cho mình",… Câu chuyện của Nguyễn Trung Hiếu càng có ý nghĩa hơn khi trong cuộc sống chúng ta vẫn thấy còn có một số người con vì sớm chạy theo lối sống hưởng thụ mà đã xao lãng với gia đình, thiếu ý chí vươn lên, thậm chí làm phiền lòng hoặc trở thành nỗi đau buồn của cha mẹ…
Ðể xã hội phát triển, muốn có những công dân tốt, xã hội luôn cần tới những con người trưởng thành từ gia đình, có trách nhiệm với gia đình. Xét từ văn hóa, gia đình là "bệ phóng" để con người đến với xã hội. Một người con hiếu thảo trong gia đình sẽ trở thành công dân có ích của xã hội. Vì thế, lòng hiếu thảo trở thành một giá trị văn hóa cao quý, lịch sử văn hóa dân tộc còn lưu giữ nhiều tấm gương về lòng hiếu thảo để mọi người học tập. Thiết nghĩ, câu chuyện của em Nguyễn Trung Hiếu đáng để mọi người càng suy nghĩ.
Theo HOÀI AN
(NhanDan)

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaThư giãn

Lòng hiếu thảo…

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày đứa con gái út đi lấy chồng, trong căn nhà nhỏ chỉ còn hai vợ chồng già Tư Lúa lủi thủi đi ra đi vào. Cả ông lẫn bà tuổi cao sức yếu, lại phải sống vất vả, chật vật kiếm cái ăn nhưng mấy năm nay con cái chẳng thấy đứa nào đoái hoài đến.

Các con của ông bà lần lượt khôn lớn, trưởng thành, tới khi yên bề gia thất, dường như chúng quên mất công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Đúng là thói thường như người xưa từng nói “Cha chung không ai khóc” hoặc “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, “Một mẹ nuôi được mười con/ Mười con không nuôi được một mẹ”! Mấy đứa con cứ ngó chừng nhau, chẳng mấy khi đến thăm cha mẹ chứ đừng nói đến chuyện giúp đỡ miếng cơm, chén nước thường ngày. Biết tính con cháu nên ông bà cũng chẳng trách cứ điều gì…

Hôm nọ, ông than thở với bà rằng, có miếng đất nhỏ trước nhà, muốn trồng rau ăn để đỡ khoản tiền đi chợ nhưng sức ông già yếu, lại thêm bệnh đau lưng nên giờ cuốc đất không được. Mướn người làm thì phải có tiền. Nhưng tiền đâu mà mướn? Bà Tư cũng buồn tủi nghĩ ngợi nhà đông con mà chẳng nhờ được đứa nào… Trầm ngâm một hồi, bỗng ông nói nhỏ với bà điều gì đó và bà cười móm mém khi biết mẹo nhỏ của ông.

Thế rồi, tin ông Tư Lúa làm rơi chiếc nhẫn vàng năm chỉ khi ra vườn lan nhanh trong xóm. Người nào gặp cũng an ủi, thương cho hoàn cảnh ông bà, già rồi còn mất của, thật tội nghiệp! Nghe tin cha mẹ “mất của”, các con và hàng chục đứa cháu của ông bà lập tức đến hỏi thăm và chia nhau vác cuốc ra vườn đào xới, tìm bằng được nửa cây vàng… Sau một ngày đào bới, miếng đất đã tơi ra mà chẳng tìm thấy vàng, chỉ thấy mệt… vàng mắt!

Thật là những người con, cháu hiếu thảo; thương cha thương mẹ đến thế là cùng!

Chỉ chờ có thế, sau khi cả đám kéo nhau về, ông Tư thủng thỉnh cầm cuốc ra vườn vun luống trồng rau…

LAM HỒNG