TP.HCM là địa phương có số lượng trường ngoài công lập đông nhất nước. Chỉ riêng bậc THPT đã có gần 100 trường, còn bậc mầm non con số lên đến hàng ngàn cơ sở vừa mẫu giáo vừa nhà trẻ. Chính sự hiện diện của hệ trường này đã giải quyết hàng chục ngàn chỗ học cho con em nhân dân.
Thuê mướn là chính
Khởi điểm của một trường THPT dân lập tư thục, mặt bằng hoạt động hầu hết đều thuê mướn. Một số trường, sau thời gian tích lũy lợi nhuận tập trung đầu tư ngay vào việc xây dựng trường lớp như THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, tư thục Hồng Đức, tư thục Nguyễn Khuyến… tuy nhiên số trường này rất khiêm tốn. Khá nhiều trường cơ sở vật chất manh mún nằm rải rác nhiều quận huyện, chưa nói đến việc vài năm phải dời địa điểm. Thậm chí có trường cơ sở vật chất chưa đạt đủ điều kiện, các phòng chức năng (điều kiện bắt buộc ở một trường THPT) cũng thiếu thốn hoặc nếu có cũng rất sơ sài; phòng nội trú và ngay cả nhà vệ sinh cũng chưa đảm bảo còn sân chơi gần như rất hiếm hoi.
Về phía đội ngũ giáo viên ngoài một vài ba trường có tổ chức tuyển giáo viên rất bài bản và chất lượng còn hầu hết chủ yếu mời những thầy cô nghỉ hưu hoặc những người đã từng dạy học từ các tỉnh thành khác chuyển về thành phố sinh sống để hợp đồng (có người thời vụ, có người dài hạn) hay mời một ít thầy cô đang là giáo viên cơ hữu của các trường THPT nằm trên địa bàn dạy thỉnh giảng. Chính sự thiếu ổn định về đội ngũ và cơ sở vật chất tạm bợ dẫn đến chất lượng giáo dục không cao. Chưa nói đến quá trình thuê mướn mặt bằng dẫn đến tranh chấp làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh như đã xảy ra ở Trường Hồng Hà và Phạm Ngũ Lão. Đó chỉ là một vài khó khăn trong muôn vàn khó khăn mà trường ngoài công lập đang hứng chịu. Vậy mà sau mỗi năm học, tại TP.HCM số lượng trường ngoài công lập vẫn ra đời liên tục. Bởi “kinh doanh giáo dục là kinh doanh siêu lợi nhuận” – GS. Phạm Phụ khẳng định.
Khát khao hòa nhịp chung
Những năm gần đây, một số trường THPT ngoài công lập đã đầu tư rất quy mô về các mặt từ việc xây dựng cơ sở vật chất đến trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ dạy và học. Trong sinh hoạt chuyên môn cụm THPT có trường tham gia rất tích cực như Trường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký, Hồng Đức, Thái Bình… Có trường còn đầu tư bồi dưỡng và cho học sinh đăng ký tham gia kỳ thi học sinh giỏi, Olympic khu vực, giải toán bằng máy tính Casio… nhằm hòa nhập vào dòng chảy chung của ngành, dù kết quả chưa tốt nhưng cũng cần ghi nhận. Bên cạnh đó có không ít trường kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt tỉ lệ 100% liên tục nhiều năm, tỉ lệ trúng tuyển vào đại học cũng đạt tỉ lệ rất cao, chưa nói đến trường hợp Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến có đến 13 thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học – cao đẳng năm 2009 nhưng khen thưởng quá chậm. Điều này ít nhiều tạo suy nghĩ chưa sòng phẳng, hiệu trưởng một trường tư thục đã nói: “Không nói ra nhưng chúng tôi có cảm giác ngành chưa ưu ái cho các trường dân lập và tư thục trong việc khen thưởng”. Đối với đoàn thể, theo ông Nguyễn Huỳnh Long, Phó bí thư Đảng ủy ngành GD-ĐT TP.HCM thì: “Đến nay chỉ có các trường phổ thông dân lập – tư thục lớn như Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký và Hồng Đức đã có chi bộ, hầu hết các trường còn lại đều chưa có. Đối với hoạt động đoàn thể như công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gần như nhiều trường đã có sinh hoạt”.
Trong sinh hoạt chuyên môn cụm THPT, nhiều trường dân lập ít tham gia. Tại buổi sinh hoạt cụm đầu năm học 2009-2010 khu vực các quận Thủ Đức, 2 và 9, chúng tôi không thấy sự hiện diện của các trường THPT dân lập – tư thục, thầy Nguyễn Hữu Diệu, Cụm trưởng cho biết: “Gần như các buổi sinh hoạt chuyên môn của cụm các trường ngoài công lập không có mặt”.
Nhìn lại trong các lần tuyên dương khen thưởng của vài năm gần đây, số lượng trường phổ thông ngoài công lập được khen thưởng rất hiếm hoi. Dẫu sao, những thành tích của các trường phổ thông này đóng góp thêm không nhỏ vào thành tích của ngành GD-ĐT TP.HCM.
Trần Thanh Quang
Bình luận (0)