Những dự án giao thông trọng điểm được UBND TP.HCM quyết định đầu tư cách đây 9 năm nhưng phải đến tháng cuối năm 2009 một số công trình mới hoàn thành. Và những công trình này sẽ giúp thành phố vươn mình cất cánh…
Tuyến đường nối thành phố với khu vực Tây Nam và Đông Bắc
Một đoạn đại lộ Đông Tây |
Đại lộ Đông Tây với tổng chiều dài gần 13,5km, được chính thức thi công từ tháng 4-2005, tuyến đường của đại lộ Đông – Tây đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Đây có thể được xem là một trong những dự án giao thông huyết mạch, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM mà còn cho cả khu vực phía Nam. Mặt đường đại lộ Đông Tây từ quốc lộ 1A đến cầu Lò Gốm (Q.6) theo thiết kế có 10 làn xe, từ cầu Lò Gốm đến Bến Chương Dương (Q.1) có sáu làn xe và được thiết kế cho xe lưu thông với tốc độ 80km/giờ. Trong giai đoạn 1 thông xe trên tuyến đường này đưa vào sử dụng trước sáu làn xe, trong đó có ba làn xe (hai làn ô tô và một làn xe hỗn hợp) nằm phía bên kênh Bến Nghé – Tàu Hủ lưu thông một chiều hướng từ cửa ngõ miền Tây về trung tâm TP, và ba làn xe bên phía nhà dân lưu thông chiều ngược lại từ trung tâm TP ra cửa ngõ về miền Tây. Và bên cạnh ba làn đường này có hai đường dân sinh – mỗi làn cho lưu thông một làn xe và bảy cầu gồm: cầu vượt tại nút giao quốc lộ 1A, cầu Nước Lên, cầu Rạch Cây, cầu Lò Gốm, cầu Chà Và, Cầu Chữ Y và cầu Calmette. Đi trên tuyến đường từ Q.1 ra cửa ngõ về miền Tây (quốc lộ 1A) này sẽ rút ngắn khoảng 1/2 thời gian so với đi các tuyến đường khác như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Kinh Dương Vương có nhiều giao lộ, có đèn tín hiệu giao thông. Đại lộ Đông Tây là con đường đẹp nhất TP, chạy dài xuyên suốt TP nối liền miền Tây và miền Đông, góp phần giảm lưu lượng xe trong nội thành.
Hầm Thủ Thiêm – đường hầm dài nhất Đông Nam Á
Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, đoạn được dìm ngầm dưới lòng đất vượt sông Sài Gòn dài 370m gồm 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều rộng khoảng 33m, chiều dài 92m, cao 9m và nặng khoảng 25 tấn. Theo thiết kế, sau khi hoàn thành xong hầm vượt sông Sài Gòn sẽ cho phép lưu thông 2 chiều với 6 làn xe, có hành lang cho người đi bộ và hành lang thoát hiểm. Ban quản lý dự án cho biết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện giao thông, trong hầm sẽ được lắp đặt hệ thống thiết bị vận hành như hệ thống cấp nước, chiếu sáng, thông gió, hệ thống đo đạc độ ô nhiễm không khí… Hầm Thủ Thiêm được đánh giá là hầm dài nhất Đông Nam Á vượt sông Sài Gòn.
Cầu dây văng lớn và hiện đại nhất nước
Toàn cảnh cầu Phú Mỹ |
Cầu Phú Mỹ với tổng chiều dài toàn cầu là 2.033m (trong đó phần cầu chính là 705m và phần cầu dẫn 1.328m), chiều rộng 27,5m, chiều cao thông thuyền 45m và tổng vốn đầu tư là 2.077 tỷ đồng. Theo đánh giá thì đây có thể được coi là cây cầu dây văng lớn và hiện đại nhất, không chỉ của TP.HCM mà mang cả tầm vóc quốc gia. Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên: Dài khoảng 19,7km, trong đó 2,6km đi ngầm, 17,1km đi trên cao. Tổng vốn đầu tư ban đầu 1,09 tỉ USD (hiện tổng vốn có thể tăng lên đến hơn 2 tỉ USD). Hiện nay, các gói thầu xây lắp đang trong giai đoạn mời thầu. Thời gian xây dựng hoàn thành giữa năm 2013 và đưa vào khai thác chính thức năm 2014.
Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây: Dài hơn 50 km, bắt đầu là vị trí giao giữa đường Lương Định Của với trục đường Đông – Tây thuộc phường An Phú, quận 2, TP.HCM và điểm cuối là quốc lộ 1A cách ngã ba Dầu Giây hiện hữu khoảng 2,7km về phía Bắc, thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Khi hoàn thành, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng sẽ nối với quốc lộ 51 để tới sân bay quốc tế Long Thành. Dự án với tổng mức đầu tư ở giai đoạn 1 là 932,4 triệu USD, trong đó vốn ODA của JICA (Nhật Bản) theo cơ chế cho vay lại là 516,5 triệu USD; vốn vay OCR của ADB (vốn vay theo lãi suất thị trường của Ngân hàng Phát triển châu Á) là 410,2 triệu USD; còn lại vốn đối ứng của VEC tự huy động là 5,7 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2012.
Một công trình trọng điểm của thành phố
Dự án đường nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Vành đai ngoài: con đường dài hơn 13,65 km nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Vành đai (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài) rộng từ 6 đến 12 làn xe, với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu đô la Mỹ, nằm ngoài về phía Đông của TP.HCM. Dự án còn bao gồm bốn cây cầu, dự kiến được xây dựng trong vòng bốn năm đi qua các quận gồm Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố, góp phần giảm áp lực lưu thông khu vực trung tâm thành phố, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, vốn là vấn đề nan giải mà thành phố đang nỗ lực khắc phục. Kỳ vọng dự án này sẽ là tuyến đường huyết mạch phục vụ cho xuất nhập khẩu, các khu công nghiệp và sân bay. Hơn thế nữa, công trình xây dựng này sẽ hỗ trợ việc phân luồng giao thông trục Nam – Bắc, góp phần cải tiến hệ thống hạ tầng giao thông tại thành phố. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2012 và sẽ trở thành tuyến đường cao tốc đầu tiên dẫn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nút giao thông Xuân Hiệp.
Anh Kiệt – Lê Hữu
Bình luận (0)