Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh, sinh viên đùa với thần chết

Tạp Chí Giáo Dục

SV đang tìm chỗ tắm nơi những mỏm đá cao, dựng đứng

Từ lâu, hồ đá 612 thuộc ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương được người dân ở đây gọi với đủ câu từ mới nghe làđã sởn gai ốc, như “hồ tử thần”, “hồ nuốt người”, “hồ thần chết”… vì thực tế đã có quá nhiều người bỏ mạng oan uổng tại hồ này. Thế nhưng, một bộ phận là học sinh và sinh viên (HS-SV) vẫn chưa nhận thức được những nguy hiểm chết người. Hàng ngày vẫn có hàng chục HS-SV ra hồ đá tắm ở những khu vực cấm.
Nguy hiểm rình rập
Tầm 3-4 giờ chiều, cái nắng vẫn còn khá oi bức, nóng nực nhưng tại khu hồ đá gió từ hồ thổi hơi nước lên mát rượi. Từ hàng cây chạy dọc hồ đá hàng chục HS-SV trải khăn ngồi hóng mát. Cạnh đó có một tốp 6-7 HS cấp II để cặp sách chất đống trên bờ, đang lần hồi quanh mép hồ lội tắm bì bõm. Phía trên là tấm bảng hiệu màu đỏ có ghi hàng chữ “Khu đất khó quản lí… hồ nguy hiểm dễ chết người”. Khi tôi tới hỏi các em không sợ tắm ở đây nguy hiểm sao? thì một em đang bơi cạnh bờ hồ nói với lên tỉnh rụi “Tụi em tắm quen rồi. Mà tắm đông thế này làm sao mà chết đuối được”. Hỏi thêm mới biết cả nhóm mỗi khi nghỉ học thường rủ nhau tới hồ vui chơi, lúc nào thích là cả bọn nhảy xuống hồ tắm tới “đã” mới chịu ra về. Đối diện bên kia bờ hồ là hình ảnh gần chục SV nam đang đứng trên mỏm đá thực hiện các động tác nhảy đầy mạo hiểm.
Vòng theo đường bờ hồ gần 1km, tới mỏm đá các SV đang tắm mới thấy hết được sự nguy hiểm. Đi trên bờ hồ nhìn xuống dưới tôi không khỏi rùng mình bởi độ cao hơn 10m so với mặt nước và những mỏm đá xanh nhô ra lởm chởm. Chỉ cần sơ ý trượt chân là có thể mất mạng như chơi. Phía bờ hồ gần nơi SV đang tắm, có mấy bạn đang vạch những đám cỏ lát tìm đường ra mỏm đá. Đợi một bạn từ mặt hồ lóp ngóp bò lên bờ chúng tôi lại gần hỏi: Tại sao đã có rất nhiều bạn chết từ hồ đá mà các bạn không sợ? Bạn nam SV trề môi đáp “Tụi này tắm ở đây cả 2 năm rồi mà có bị sao đâu. SV ở đây tắm nhiều có kinh nghiệm nên biết chỗ cạn chỗ sâu thì chết đuối sao được. Mấy người chết ở đây toàn là dân tới tắm lần đầu nên mới gặp xui xẻo thôi”. Trả lời xong, cậu SV tiếp tục “trình diễn” với màn nhảy bó gối trong tiếng tung hô của đám bạn. Giữa lòng hồ cũng có 4-5 SV đang bơi trong tư thế nằm ngửa và cách bờ cả 100m, nhìn từ xa khó nhận dạng là người hay những tấm li-lông trắng đang trôi.
Ông Nguyễn Tồn Nguyên, người mưu sinh tại hồ đá bằng nghề bắt tép, cá hơn 10 năm nay. Hàng ngày, ông thường bơi trong lòng hồ và cho biết, đáy hồ có độ nông sâu rất khác biệt, có chỗ nông chỉ tới ngang đầu gối, có chỗ lại sâu tới 4-5m, người tắm không cẩn thận rất dễ bị hẫng, trượt chân tại những điểm như vậy. Chỉ tay ra phía các SV đang nhảy ở mỏm đá, ông nói “những cú nhảy như vậy rất dễ bỏ mạng vì vách bờ có nhiều chỗ nước ăn ngầm vào trong. Khi người tắm hồ nhảy xuống rơi tự do sẽ trồi lên theo bản năng và nếu không bình tĩnh sẽ mắc kẹt, đụng đầu vào các ngàm đá rất khó thoát… Chưa kể đến độ lạnh khác thường của nước hồ có thể làm cho người tắm bị giảm thân nhiệt nhanh chóng, bị chuột rút cấp thời, nguy hiểm hơn rất nhiều so với tắm ở sông, hồ khác”.
Những cái chết báo trước
Đều đều hàng năm, có vài ba mạng người chết tức tưởi tại hồ đá. Trong đó chủ yếu là các bạn trẻ là HS-SV. Tính từ năm 1994 tới nay đã có hơn 40 mạng người tử nạn. Mới đây nhất (ngày 28-3) là nạn nhân Nguyễn Quốc Đạt sinh năm 1985 quê Quảng Ngãi, là SV năm 4 Trường Đại học Quốc tế TP.HCM, đã tử nạn trong lúc đang bơi tại hồ đá. Theo những người chứng kiến, khoảng 17 giờ 20 thấy ba SV đi ra hồ tắm. Một lúc sau thì nghe tiếng kêu cứu nhưng khi bảo vệ bơi ra thì nạn nhân đã chìm mất.
Trước đó, vào ngày 22-2 SV Lê Trọng Vũ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đã chết đuối tại đây. Theo lời kể của những người bạn đi chung với Vũ hôm đó, trưa 22-2, cậu từ quận 10, xuống làng đại học Thủ Đức (TP.HCM) để thăm bạn học cũ. Đến 16 giờ, SV này cùng hai người bạn rủ nhau ra hồ đá để tắm. Lúc đầu, Vũ không định xuống nhưng thấy các bạn vui vẻ nên cậu cũng cởi đồ theo. Do hồ sâu, nước lạnh lại nhảy từ trên cao xuống, Vũ đã chìm luôn.
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2009 đã có ba người bỏ mạng tại hồ đá. Những cái chết thương tâm vẫn không đủ để cảnh tỉnh những bạn trẻ ham vui. Hàng ngày HS-SV vẫn ra hồ tắm bất chấp mọi nguy hiểm rình rập. Thế nhưng, do chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm nên những tai nạn đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra. Nhìn những bạn trẻ đang thả sức bơi lội giữa hồ chúng tôi không khỏi rùng mình, khi nghĩ sẽ còn bao nhiêu mạng người bị hồ “tử thần” cướp đi thêm nữa.
Thanh Lê

Bình luận (0)