Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ: Bộ “buông” chỉ tiêu, trường thờ ơ!

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu từ năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ “buông” chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng tự quyết. Đây được coi là một động thái rất mới của Bộ theo hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở đào tạo.
Quyết định này được nêu rõ trong “Quy định Về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp” mà Bộ vừa công bố.
Cụ thể, những năm trước, Bộ giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí trên, sau đó trình lên Bộ. Bộ sẽ kiểm duyệt lại các chỉ tiêu này xem đã chính xác với năng lực của trường chưa, nếu chưa hợp lý, Bộ sẽ điều chỉnh, có thể giao thêm hoặc bớt đi. Chỉ tiêu tuyển sinh chính thức của trường là chỉ tiêu đã qua sự kiểm định của Bộ, do Bộ xác định.
Tuy nhiên, với quy định mới, Bộ sẽ không kiểm duyệt mà trường trình lên bao nhiêu, Bộ sẽ đồng ý bấy nhiêu. Bộ chỉ làm nhiệm vụ tập hợp lại và công bố cho thí sinh biết.
Mặc dù đấu tranh mãi để được quyền tự chủ trong vấn đề này, nhưng khi Bộ đồng ý thì lãnh đạo các đại học lại tỏ ra khá thờ ơ. Tại sao?
Trường công: Không có gì thay đổi
Mặc dù khẳng định đây là bước tiến mới của Bộ GD&ĐT nhưng các trường ngoài công lập lại tiếp đón quy định này một cách khá thờ ơ vì trên thực tế, hàng năm, khi đăng ký lên bao nhiêu, họ vẫn được Bộ duyệt cho bấy nhiêu. Do đó, quy định này không ảnh hưởng gì đến hoạt động tuyển sinh của trường, không khó khăn hơn cũng không thuận lợi hơn.
Nếu không nâng cao được chất lượng đào tạo, nhiều trường ĐH dân lập khó tuyển đủ thí sinh
“Phải ghi nhận đây là một nỗ lực của Bộ GD&ĐT”, ông Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Công đoàn cho biết. Tuy nhiên, cũng theo vị Hiệu phó này, Đại học Công đoàn cũng chưa bao giờ bị Bộ cắt bớt chỉ tiêu do trường luôn phải cân nhắc đúng trên năng lực của trường.
Đồng quan điểm này, Giáo sư Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, cho rằng, với những trường có uy tín thì trường phải nghĩ đến thương hiệu của mình đầu tiên. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường không dại gì xin chỉ tiêu nhiều. Cũng vì lý do đó, Bộ không phải lo ngại về vấn đề chỉ tiêu của những trường này. “Như Đại học Ngoại thương thì trong vài năm tới, chúng tôi cũng không có ý định tăng chỉ tiêu đào tạo”, ông Châu nói.
Với Đại học Tây Nguyên, theo Hiệu phó Nguyễn Tấn Vui, Bộ thậm chí còn giao thêm chỉ tiêu cho trường so với số chỉ tiêu mà trường đăng ký.
Trường tư: Nguồn đâu mà tuyển?
Quy định mới này ngỡ như có vẻ sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các trường ngoài công lập, nhưng chính những trường này cũng không mặn mà.
“Chỉ tiêu nhiều, nhưng nguồn đâu mà tuyển?” –  ông Lê Công Huỳnh, Đại học Thành Tây than thở.
Theo vị Hiệu trưởng này thì vấn đề ông quan tâm là điểm sàn như thế nào? Có giảm không? “Điều đó quan trọng hơn”-  ông Huỳnh nói.
Trong mùa tuyển sinh năm 2011, Đại học Thành Tây được Bộ giao 1.000 chỉ tiêu nhưng nguyện vọng 1 chỉ vẻn vẹn 14 thí sinh đăng ký, nguyện vọng 2 thêm được vài trăm em. Đến nguyện vọng 3, để cứu vãn tình hình, trường phải ra “thông báo khẩn” về việc tuyển sinh. Tuy nhiên, cả “thông báo khẩn” cũng không giúp trường lấp đầy được con số 1.000 tân sinh viên cho năm học 2011-2012.
Không chỉ Đại học Thành Tây, đây là tình trạng chung của hầu hết các trường ngoài công lập và họ phải giở đủ chiêu trò để “câu” thí sinh. Đại học Đông Á cho thí sinh đăng ký từ… tháng 3, khi kỳ thi đại học còn chưa bắt đầu. Một trường đại học dân lập khác còn công khai “tuyển cò”, thưởng tiền cho người nào “dắt mối” được thí sinh đến với mình…
Đơn phương hành động không cứu vãn được tình hình, Hiệp hội Các trường ngoài Công lập đã liên tiếp tổ chức các buổi họp khắp ba miền Bắc, Trung, Nam để kiến nghị Bộ hạ điểm sàn, thay đổi phương án tuyển sinh.
“Hàng năm, Bộ vẫn giao chỉ tiêu rất lớn cho các trường và có hàng loạt trường cố mãi mà vẫn chưa lấp đầy được số chỉ tiêu này” – ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Phương Đông nói. Cũng theo vị Hiệu trưởng này, thì với trường ngoài công lập, có thể các trường không những không dám tăng chỉ tiêu khi Bộ “buông” cho tự chủ, mà thậm chí còn xin giảm đi, vì xin nhiều, tuyển chẳng bao nhiêu thì chỉ làm cho uy tín của trường thêm giảm sút.
 

Theo Hoàng Tuấn
(TT&VH)

Bình luận (0)