Sáng nay, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành khá nhiều thời gian phân tích về chỉ số tăng giá năm 2008 – mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Lạm phát cao đã để lại nhiều bài học cho Chính phủ, đặc biệt là công tác dự báo và phân tích kinh tế.
> Quốc hội rút ngắn thời gian họp
“Lạm phát cao ở nước ta có nguyên nhân từ giá cả thế giới tăng cao, nhưng nguyên nhân chủ yếu là cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chính sách tiền tệ, tài khóa chưa thật phù hợp. Công tác chỉ đạo điều hành, nhất là kinh tế vĩ mô đã có bước tiến bộ, nhưng còn nhiều bất cập”, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn.
Thủ tướng phát biểu tại Quốc hội sáng nay. Ảnh: Thanh Sơn. |
Thủ tướng thừa nhận dù đã được kiềm chế theo hướng giảm dần, nhưng mức tăng giá tiêu dùng vẫn còn cao gấp 2 lần năm 2007. Dự báo lạm phát năm nay khoảng 24%. Lạm phát cao và thiên tai đã làm giảm thu nhập thực tế của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (13,1%) so với chỉ tiêu đề ra (11-12%). Tranh chấp lao động và đình công xảy ra nhiều hơn, nhưng cơ chế xử lý chưa thật hiệu quả.
Hỗ trợ người dân đối phó với lạm phát, Chính phủ đặc biệt coi trọng giải quyết an sinh xã hội. Tổng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho những người thụ hưởng chính sách xã hội năm nay khoảng 19.800 tỷ đồng, tăng 14.700 tỷ đồng so với năm 2007. Ngân sách nhà nước đã chi 28.900 tỷ đồng để điều chỉnh tăng lương tối thiểu, tăng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và công chức lương thấp.
Với những biện pháp kịp thời, nền kinh tế đã duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,5-7%, trong đó nông nghiệp đạt được kết quả nổi trội với sản lượng lúa tăng khoảng 2,6 triệu tấn, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu cả năm đạt trên 65 tỷ USD, tăng gần 34%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Vốn đăng ký đầu tư nước ngoài ước cả năm là 60 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2007.
Xác định tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát năm 2009 là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 15%.
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên khai mạc. Ảnh: Việt Anh. |
Tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự kiến khoảng 7%, GDP bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 418.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với ước thực hiện năm 2008. Tổng chi ngân sách nhà nước 509.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với ước thực hiện của năm 2008.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế những năm qua chưa thực sự tạo ra sự phát triển bền vững, mới thể hiện về mặt lượng, chậm cải thiện về chất. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, vượt 76.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu do vượt thu từ dầu thô và thu về nhà đất.
Nhập siêu vẫn rất lớn, năm 2008 nhập siêu khoảng 19 tỷ USD, tương đương 29,2% kim ngạch xuất khẩu và bằng 21% GDP. Nhập siêu tăng cao và kéo dài sẽ là yếu tố tiềm ẩn sự không bền vững cán cân thanh toán, ảnh hưởng cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế đánh giá sự phối hợp điều hành của Chính phủ trong một số lĩnh vực chưa tốt, thể hiện rõ trong việc triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa nhịp nhàng. Khi chính sách tiền tệ thắt chặt đã được triển khai khá quyết liệt thì chính sách kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công chưa được triển khai đồng bộ và cương quyết.
Việc áp dụng một số sắc thuế thiếu tính ổn định, không có lộ trình minh bạch gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc định hướng kinh doanh. Năm 2008 đã 2 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu ôtô, 3 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép, 2 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu gạo.
Đầu giờ sáng nay, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng điểm qua một số kết quả đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao, nhập siêu còn lớn, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp còn khó khăn. Việc xử lý một số vấn đề bức xúc trong xã hội còn nhiều hạn chế…
Hồng Khánh (Theo VNE)
Bình luận (0)