Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ôn luyện thi tốt nghiệp THPT lần 2: Thầy lo đau đáu, trò thì dửng dưng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Phòng khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi lần này toàn TP có 8.660 thí sinh đăng ký dự thi trong đó hệ phổ thông có 3.409 thí sinh và hệ GDTX 5.851 thí sinh dự thi với 17 hội đồng thi trong đó 10 hội đồng thi hệ BTVH và 7 hội đồng thi phổ thông. Đây là cơ hội còn lại của các học sinh tham gia kỳ thi lần 1 không đủ tổng số 30 điểm cho 6 môn thi.

Học sinh lơ là

Do một lần “bị gãy gánh” nên nhiều em vẫn mang nặng nỗi buồn và rất lo lắng. Em Lê Ngọc Trang Thanh – học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hàn Thuyên tâm sự: “Trước khi thi em và các bạn ôn tập kỹ lắm nhưng không hiểu sao vẫn thiếu một điểm. Bây giờ thi lại lần hai cũng thấy lo lo”. Chính vì thế khi có thông báo của nhà trường về lịch ôn tập từ đầu tháng sáu, Trang Thanh đã đến ghi danh và theo học đầy đủ để thi lại môn vật lý mà em đã chọn.

Ngay từ giữa tháng sáu nhiều trường đã tổ chức các lớp ôn tập cho học sinh nhằm củng cố lại toàn bộ kiến thức đã học, đặc biệt là những “lỗ hổng” mà kỳ thi trước chưa “lấp” được. Thầy Lê Việt Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên cho biết, năm nay toàn trường có 320 học sinh khối 12 thi rớt lần một nên ngay sau khi có kết quả kỳ thi, BGH nhà trường đã phân lớp để ôn tập cho các em. Để ôn tập đạt hiệu quả, một lớp ôn tập sĩ số chỉ có 25 em, mỗi ngày ôn từ 4 đến 5 tiết. Do đã bị một lần thất bại nên một vài em “biết thân biết phận” đi học đầy đủ, tập trung vào ôn kỹ các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa. Trong lúc đó hai môn văn, sử thì học sinh đến ôn rất lèo tèo, mỗi lớp chỉ có hơn một chục em nhưng có hôm vắng rất nhiều. Một học sinh nhà ở phường 5, quận Phú Nhuận kể: “Mấy đứa bạn em nói hai môn văn, sử chỉ cần ở nhà học cũng được khỏi cần đến trường ôn thi làm gì mất công”. Không chỉ các trường phổ thông mà tại các trường BTVH, trung tâm GDTX quận huyện cũng đã bắt đầu mở các lớp ôn thi lần hai từ cuối tháng 6. Ông Nguyễn Văn Cương – Trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT đánh giá, kết quả kỳ thi tốt nghiệp lần một cho thấy môn địa, sử bị tụt xuống 30% nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ phần trăm chung mặc dù bốn môn còn lại (văn, toán, hóa, sinh) tỷ lệ tăng cao. Thầy Phan Minh Khoa – Giám đốc TTGDTX quận Tân Bình cho biết trong số 254 học viên rớt lần một có hơn 100 em “vướng” vào hai môn này.

Thầy lo hơn trò

Tiếp xúc với một số hiệu trưởng trường THPT, giám đốc các TTGDTX chúng tôi thấy tình trạng chung vẫn là “thầy lo hơn trò”. Thầy Hồ Ngọc Liễn – Phó giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An cho biết: “Trong danh sách những học viên thi rớt cũng có một số em không đăng ký thi. Trung tâm đã tổ chức các lớp ôn tập theo đúng lịch trình của Sở nhưng thực tế cũng có học viên không chịu đi học”. Theo thầy Liễn, những học viên không đến ôn luyện đa số do bận đi làm nhưng cũng có em đã có tâm lý chán nản vì sợ thi lần hai sẽ không đậu. Kỳ thi tốt nghiệp lần hai này toàn TTGDTX Bình Thạnh có 236 thí sinh đăng ký nhưng không phải tất cả các em đều quay trở lại với các lớp ôn tập. Mặc dù em Nguyễn Thị Phương Nga, ngụ ở phường 5, quận Bình Thạnh phải thi lại cả 5 môn nhưng đến nay chưa ôn tập được gì cả vì theo em do đi làm cả ngày nên thời gian dành cho chuyện học rất ít. Ngược lại, một số em có thời gian nhưng lại thiếu tự giác, không cố gắng chỉ biết tới ngày là đến trường thi chứ không chịu ôn luyện. Các giáo viên bộ môn có nhận xét chung là các em không thiết tha trong việc ôn tập để thi lại. Hai lớp ôn thi môn sử tại TTGDTX Tân Bình do học viên vắng nhiều nên nay phải dồn lại thành một lớp.

Chuyện học sinh thi rớt rõ ràng ngoài phần lỗi của các em, giáo viên cũng phải có trách nhiệm của mình trong đó. Có trường hợp học sinh học được nhưng do cách dạy, cách ôn của thầy mà các em không nắm được kiến thức, chưa nói đến cách dạy tủ, dạy lệch… Chính vì vậy trong đợt ôn thi lần hai Sở GD-ĐT đã yêu cầu giáo viên các trường phải bám sát đề cương của Bộ, không dạy tủ, dạy theo bài soạn của cá nhân hoặc đề cương cũ từ những năm trước, đề nghị giáo viên quan tâm tới việc học của các em hơn.

Bà Lê Thị Hồng Liên – Phó giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu: “Các đơn vị phải tổ chức kỳ thi lần hai có hiệu quả, tránh được lãng phí của nhà nước và người dân. Các trường nên xem lại vì sao môn đó học sinh rớt nhiều, học sinh còn yếu chỗ nào, cách khắc phục ra sao? Có như vậy mới giúp các em học và thi có kết quả tốt”.

Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)