Bộ GD-ĐT chọn năm học 2008-2009 là năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở tất cả các cấp học với hy vọng sẽ từng bước đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Khác với những năm trước, năm học này, Bộ GD-ĐT đã hợp tác với Tổng công ty Viễn thông Viettel để triển khai mạng giáo dục. Theo ký kết, Viettel cung cấp dịch vụ kết nối băng thông rộng, kết nối kênh thuê riêng qua đường cáp quang… Bên cạnh đó, Cục CNTT thuộc Bộ GD-ĐT đã xây dựng và cung cấp một hệ thống e-mail@moet.edu.vn đến tất cả các sở GD-ĐT để giao dịch văn bản điện tử. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cập nhật thông tin tuyển sinh trực tiếp lên chuyên trang tuyển sinh http://ts.moet.gov.vn để thí sinh theo dõi… Những động thái trên cho thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT đối với việc tin học hóa trong dạy học và quản lý.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trước thực trạng ứng dụng CNTT ở các đơn vị. Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhưng nhiều công văn của Bộ vẫn đưa xuống các đơn vị theo con đường văn thư cũ, vừa chậm, vừa tốn kém. Ở một số nơi, việc thực hiện ứng dụng CNTT vào dạy học bộ môn của giáo viên chỉ giống như một phần trình diễn khi cả bài dạy chỉ có một vài hình ảnh và chủ yếu là cho chữ chạy qua màn hình… Không ít giáo viên ngộ nhận chỉ cần sử dụng giáo án điện tử là đã đổi mới phương pháp giảng dạy mà không thấy rằng CNTT chỉ là một trong những công cụ để đổi mới phương pháp mà thôi.
Một thực tế đáng lo khác chính là trình độ tin học của giáo viên, nhất là giáo viên ở bậc học phổ thông. Nhiều giáo viên ở các trường vùng sâu còn chưa có chứng chỉ A tin học (chưa xóa mù tin học) thì việc ứng dụng CNTT vào dạy học không phải dễ dàng. Ngược lại, có nhiều học sinh THCS, THPT rất giỏi về tin học, có thể lập được website, sử dụng powerpoint còn thành thạo hơn giáo viên. Do đó, việc thực hiện ứng dụng CNTT nửa vời sẽ mất đi tính hấp dẫn của nó đối với học sinh. Ngoài ra, phải nhìn nhận rằng, nhiều địa phương hiện vẫn còn tình trạng trường lớp xuống cấp, phòng học tiền chế, cây tôn thì việc trang bị máy vi tính và các trang thiết bị hiện đại khác là rất mạo hiểm…
Bộ GD-ĐT cho rằng nếu cứ chờ đầy đủ mọi điều kiện thì sẽ chẳng bao giờ ngành giáo dục tạo được bước đột phá. Vì vậy, năm học 2008-2009 chính là thời điểm phải triển khai chủ điểm “đẩy mạnh ứng dụng CNTT”. Vẫn biết còn rất nhiều khó khăn nhưng nếu ngành giáo dục có quyết tâm, có kế hoạch triển khai phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền thì sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu không, cứ đồng loạt thúc ép “đẩy mạnh ứng dụng CNTT” ở tất cả mọi nơi thì sẽ rơi vào tình trạng “dục tốc bất đạt”.
Hải Giang
Bình luận (0)