Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an thì mỗi năm số lượng các vụ vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra ngày càng nghiêm trọng. Nhưng họ vẫn còn quá trẻ, xã hội cũng như luật pháp cần tạo cơ hội để họ được tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội
Trong hai năm (tháng 9-2006 – 9-2008), Trung tâm cứu trợ trẻ em Anh (Save the children UK – SCUK) đã thực hiện dự án can thiệp “Tăng cường thực hiện quyền trẻ em đối với nhóm trẻ vi phạm pháp luật tại Hà Nội”. Dự án lấy trọng tâm là 5 phường thuộc quận Thanh Xuân và trường phổ thông nội trú dạy nghề số 1, thuộc Sở Công an Hà Nội quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia tư vấn của dự án thì trong quá trình khảo sát, dự án đã tìm được 4 nguyên nhân đưa trẻ đến với hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến chính là từ phía gia đình. “Muốn làm người lương thiện cũng khó thầy ạ. Bố em lái xe ở viện K, bố mẹ em bỏ nhau, bố lấy vợ mới. Vợ mới của bố đối xử rất tệ với em. Em tức quá em lại bỏ nhà đi lang thang trộm cắp rồi lại phải vào trường”. Đây là tâm sự của một học sinh tại trường phổ thông nội trú dạy nghề số 1 đối với giáo viên của mình. Theo lãnh đạo trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm pháp luật của trẻ trong đó có nguyên nhân từ gia đình như các em sống trong những gia đình không hoàn thiện, bố mẹ li dị, nghiện hút, có người vi phạm pháp luật… hoặc mải làm ăn không quan tâm giáo dục con cái. Có những gia đình không thống nhất quan điểm giáo dục con, hoàn cảnh đó các em dễ bị lôi kéo dẫn đến phạm pháp. Trẻ vi phạm pháp luật cũng có một phần nguyên nhân từ phía nhà trường. “Kết quả khảo sát cho thấy một số trường đã tổ chức cho học sinh tham gia ký kết không vi phạm pháp luật nhưng đôi khi chỉ có tính hình thức, các chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường còn đơn điệu, chưa có nhiều các giải pháp giáo dục, giúp đỡ học sinh chưa ngoan. Thông thường khi phát hiện học sinh vi phạm thì hình thức thường thấy là đuổi học” – ông Hùng chia sẻ. Cũng theo ông Hùng, tình trạng đuổi học sinh ra khỏi trường vì kỷ luật đã vô tình tạo nên khoảng trống thiếu vắng sự quản lý, giáo dục dễ đẩy học sinh vào con đường phạm pháp. Một nguyên nhân nữa là xuất phát từ xã hội. Điển hình như tình trạng trôi nổi của dịch vụ internet, game, chát và không ít trẻ đã thở thành “con nghiện”. Qua khảo sát của dự án, riêng phường Khương Trung, Hà Nội đã có tới 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, trong đó chỉ có 30 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, số còn lại hoạt động không phép. Ngoài ra, từ phía trẻ cũng là một nguyên nhân được kể đến. Người chưa thành niên có những đặc thù riêng, đó là nhóm xã hội còn chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Đây là nhóm tuổi tò mò, ham thích cái mới lạ, hiếu động, muốn thể hiện tính “anh hùng”, “hảo hán” do đó các em dễ bị kích động, lôi kéo đặc biệt là dễ bị người lớn lạm dụng.
Hãy cho trẻ cơ hội được làm lại
Số lượng trẻ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, đây là điều nhức nhối của xã hội. “Trừng trị nghiêm minh theo pháp luật” là yếu tố đảm bảo công bằng trong xã hội. Nhưng đối với trẻ chưa thành niên, trong luật pháp cũng có những khung hình phạt riêng dành cho họ. Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Thanh, Phó chánh án Tòa Hình sự TANDTC, việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta chưa được áp dụng rộng rãi như miễn trách nhiệm hình sự hoặc đưa vào trường giáo dưỡng còn rất hạn chế. Bà Thanh cũng mong muốn sẽ có tòa án riêng dành cho trẻ vị thành niên. Còn qua khảo sát, SUCK nhận xét “Các hình thức xử lý các trường hợp người chưa thành niên phạm tội rất nghiêm khắc”. SUCK cũng đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến hình phạt nặng trong đó có nguyên nhân vai trò mờ nhạt của các luật sư bào chữa. Nhiều gia đình không có hiểu biết về luật sư bào chữa để mời hoặc nhờ sự can thiệp cho người chưa thành niên hưởng được quyền này. Em Đỗ Xuân L., một vị thành niên vi phạm pháp luật ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Em cùng mấy người bạn phạm tội cướp xe đạp, sáng hôm tòa xử có luật sư đến gặp để bào chữa cho em. Lúc đó em mới biết mình được người bào chữa, nhưng luật sư chỉ gặp em một lần được 5-7 phút trước khi tòa xử”. Ngoài ra, không phải phường nào trên địa bàn mà SUCK khảo sát cũng làm tốt công tác quản lý, giúp đỡ đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong 6 phường được khảo sát chỉ có duy nhất 1 phường cung cấp ngay được danh sách trẻ em vi phạm pháp luật kèm theo hồ sơ theo dõi. Tình trạng này không chỉ thể hiện ở các phường được khảo sát mà là thực trạng chung trong công tác quản lý trẻ em vi phạm pháp luật của nhiều xã phường hiện nay.
Trước thực tế trên, để giảm thiểu số trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật và cho các em cơ hội được hòa nhập vào cộng đồng, SUCK đưa ra một số giải pháp như thành lập các CLB của trẻ em và các CLB của cộng đồng phòng chống tội phạm cho người chưa thành niên; các đoàn thể quần chúng nên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh thu hút trẻ em, người chưa thành niên tham gia. Trọng tâm là xây dựng môi trường sống lành mạnh cho trẻ, xóa bỏ các tụ điểm internet nguy hại…; các địa phương cần tạo điều kiện cho người chưa thành niên đã bỏ học, bị đuổi học có cơ hội trở lại môi trường học tập, học nghề hoặc tìm kiếm việc làm đặc biệt là đối với những em từ trường giáo dưỡng trở về.
Nghiêm Huê
Trung tá Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: “Năm 2007, toàn quốc có 10.361 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật với 15.589 em. 6 tháng đầu năm 2008, con số này là 5.746 vụ với 9.000 em”. |
Bình luận (0)