Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đồng hành cùng con mùa tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một mùa tuyển sinh mới sắp đến. Tất cả phụ huynh đều hi vọng con mình thành công, đạt được kết quả khả quan, vượt qua được cuộc thử thách vừa là cuối cùng vừa là đầu tiên của một thời đi học.

Chủ động cùng con xác định các phương án lựa chọn là cách hỗ trợ con có hiệu quả. Trong ảnh: phụ huynh trao đổi với con trong chương trình tư vấn “Cùng con chọn nghề” năm 2011 do Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: N.Hùng
Tuy nhiên, để niềm hi vọng tạo thành niềm vui, để giúp con có thêm niềm tin và chuẩn bị thật tốt khi bước vào cuộc so tài, các bậc cha mẹ cần hỗ trợ con bằng những quyết định hợp lý nhất, những quyết định mang lại một niềm tin “tất thắng”, tạo dựng một tâm thế tích cực để nhập cuộc một cách tự nhiên và bình tĩnh…
Hãy là những nhà tư vấn
"Trong mọi trường hợp, cha mẹ cố gắng “lấy đi” sự lo lắng từ phía các con về cho mình, không quá quan trọng hóa vấn đề, không làm cho con có cảm giác “cả nhà cùng thi” để học sinh không nghĩ rằng chuyện học và thi như một gánh nặng của cả gia đình mình…"
Trước hết cha mẹ cố gắng không tạo sự căng thẳng để có thể trở nên xung khắc với con, vì điều đó sẽ làm các con cảm thấy tội lỗi và bất an. Cha mẹ chỉ đóng vai trò gợi ý giúp con sáng tỏ vấn đề. Đó là phương châm tư vấn hết sức tích cực. Trong thực tế, cha mẹ bao giờ cũng hiểu biết hơn con, trải nghiệm cuộc đời với thăng trầm “chinh chiến”, nhưng nếu lúc nào cũng thích con tuân phục ý kiến của mình thì có thể sẽ làm học sinh trở nên thụ động và phó mặc cho cha mẹ quyết định thay cho mình.
Điều đó sẽ làm học sinh mất tự chủ, thiếu bản sắc, mất động lực ôn tập và đối diện với kỳ thi như sự… trả nợ. Sự tự chủ và chủ động trong việc chọn lựa của mình sẽ giúp học sinh cảm thấy mạnh mẽ và chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó để thật sự có quyết tâm cao mong tìm kết quả tốt. Mặt khác, học sinh mới là người “sống chết” với nghề nghiệp và công việc của chính mình. Do vậy việc chọn nghề, chọn trường và chọn việc làm sau này phải bắt đầu từ chính học sinh.
Cha mẹ cũng cần hiểu rõ con mình, không chỉ về tính tình, sở thích hoặc về những thói quen sinh hoạt mà điều quan trọng hơn nữa là hiểu rõ sức học và những điểm mạnh, lợi thế của con. Điều này sẽ giúp cha mẹ biết con mình đang ở đâu, có thể lựa chọn trường nào vừa sức, có thể cạnh tranh với những sĩ tử nào. Và chính điều đó làm cha mẹ không ảo tưởng về “thực trạng” của con và có những yêu cầu vừa sức với con. Một khi đã rõ về con người và sức học của con, cha mẹ có thể cung cấp những thông tin và kinh nghiệm cần thiết cho con về cuộc đời, về những trường hợp cụ thể hoặc chia sẻ quan điểm của mình về các đặc trưng nghề nghiệp, về định hướng tương lai để con có thêm nhiều điều tham khảo.
Cha mẹ cũng có thể giúp con định hướng mục tiêu để giúp học sinh kết hợp sự “lão luyện” của cha mẹ với sự “tinh thông” của chính mình nhằm làm học sinh biết mình sẽ như thế nào, sẽ trở thành một con người ra sao. Việc tự vấn bản thân sẽ làm học sinh xác định cụ thể giá trị thật sự của mình và hình thành mục tiêu vừa sức. Cha mẹ cũng sẽ có nhiều kinh nghiệm để giúp các con nhận thức về giá trị của những con đường tạo dựng thành công. Hãy giúp các con hiểu rằng mục tiêu cuối cùng của cuộc đời là một cuộc sống bình yên, con người thật sự hạnh phúc khi được tự do sống với điều mình đang có, làm được điều mình thích và thành công có thể bắt đầu từ nhiều con đường khác nhau nếu mọi người cố gắng hết sức. Đại học không phải là con đường duy nhất để khẳng định mình.
Giúp con như thế nào?
Hãy tạo sự thuận lợi nhất trong điều kiện có thể để con yên tâm học tập và lượng giá về mình một cách chính xác nhất. Đừng để việc chọn nghề, chọn trường và đăng ký tuyển sinh trở thành một chướng ngại trong quá trình chuẩn bị của con. Một môi trường học tập thuận lợi, một không khí an lành, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, một sự chia sẻ tự nhiên, một lời động viên ấm áp, một sự đồng hành “bình đẳng” sẽ giúp con tự tin hơn, sáng suốt hơn và chắc chắn hơn khi có một quyết định quan trọng nào đó. Cũng chính môi trường thân thiện này, cha mẹ mới có cơ hội tiếp cận với con nhiều hơn, truyền lửa cho con nhanh chóng hơn và nhận được sự hợp tác của con cụ thể hơn. Một khi con đã có quyết định chọn lựa cuối cùng, đừng tìm cách so sánh, tiếc nuối, phiền muộn hoặc bất bình vì điều đó chỉ mang đến những phản ứng tiêu cực từ con.
Hãy trả lời những câu hỏi, thắc mắc của con một cách hết sức khách quan theo nhận thức và kinh nghiệm của mình, đừng tỏ ra thiên vị ngành nghề nào hoặc trả lời có tính “định hướng” theo quan điểm và sở thích cá nhân nếu các con không muốn điều đó. Cố gắng chủ động cùng con xác định các phương án lựa chọn trên cơ sở những thông tin có được từ nhiều nguồn, hình thành các tiêu chí đánh giá các phương án ấy từ việc xem xét những thuận lợi hoặc khó khăn khi dự thi và cả khi ra trường làm việc, để cuối cùng các con có thể đánh giá các phương án ấy theo thứ tự ưu tiên trong lựa chọn của mình.
Cố gắng sưu tầm, cung cấp cho con những thông tin cần thiết liên quan đến việc chọn nghề, chọn trường để giúp con rộng đường tham khảo. Tuy nhiên, cần chọn lọc thông tin bổ ích để tránh việc làm con hoang mang, mất phương hướng. Các bậc cha mẹ cũng có thể động viên con chủ động tham khảo ý kiến của các chuyên gia từ các trung tâm tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh có uy tín để tìm hiểu thêm về các cơ hội chọn lựa. Cha mẹ cũng có thể thông báo với con một cách thẳng thắn về khả năng tài chính của mình khi con lựa chọn ngành nghề nào đó để con có thể yên tâm hoặc chia sẻ với cha mẹ từ những thông tin ấy, điều đó cũng giúp con cảm thấy được trách nhiệm và giá trị của sự nỗ lực cá nhân. Một khi mọi việc đều rõ ràng, bình đẳng, sự hợp tác giữa cha mẹ và con sẽ có nhiều điều thú vị và hiệu quả.
Điều quan trọng cuối cùng, đồng hành với con là cùng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ con trở nên tự tin, sáng tỏ, quyết tâm và có trách nhiệm trong việc chủ động lựa chọn nghề nghiệp, xác định trường thi trên cơ sở thực trạng thực lực của con, trên cơ sở những đặc điểm tâm lý – xã hội và khuynh hướng phát triển của con. Bất kỳ sự “can thiệp thô bạo” nào từ cha mẹ cũng có thể gây nên sự bất ổn và nản chí cho con, bất kỳ mong muốn chủ quan nào của cha mẹ cũng trên nền tảng ý chí và điều kiện thực tế của con… Trong việc chọn ngành và trường thi, cha mẹ là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhất của con, nếu cha mẹ không tạo áp lực quá lớn cho các con…
Theo TS ĐINH PHƯƠNG DUY

TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)