Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự kiến giao các trường ĐH, CĐ tự chủ xét tuyển: Lo nhiều hơn vui

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dự kiến các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển. Bộ GD-ĐT sẽ không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt


Sinh viên Khoa Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Bùi Tuấn

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, thì trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD – ĐT dự định giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển.
Gây nhiều rắc rối
Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ quy định về số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển. Mức điểm trúng tuyển nguyện vọng sau cũng không phải cao hơn nguyện vọng trước như các năm trước đây. Thí sinh được phát một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Khi trúng tuyển và quyết định nhập học tại một trường nào đó, thí sinh sẽ sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn và không vượt chỉ tiêu các trường đã xác định.
Trước phương án xét tuyển tưởng như có lợi cho các trường này, lãnh đạo nhiều trường lại tỏ ra không hồ hởi.
Theo phân tích của một chuyên gia về tuyển sinh, phương án này sẽ gây nhiều rắc rối cho các trường bởi lượng thí sinh “ảo” sẽ vô cùng lớn. Với việc có thể nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả thi vào bất kỳ trường nào, thí sinh có thể nộp cùng lúc 10 hồ sơ xét tuyển, sau đó lựa chọn vào một trường. Điều này đồng nghĩa với việc 9 trường thí sinh nộp hồ sơ còn lại sẽ chỉ còn thí sinh “ảo”, khiến các trường tốp dưới, đặc biệt là các trường ngoài công lập mới thành lập, luôn bị động trong việc tuyển cho đủ chỉ tiêu.
Lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập phân tích rằng quy định mới này thực chất không giúp các trường tự chủ thêm trong việc xét tuyển. Các trường tốp trên, tốp giữa có truyền thống tuyển sinh dễ dàng thì vẫn tiếp tục dễ dàng, còn đối với các trường khó tuyển thì lại càng khó vì bị động. Bộ tạo cơ hội cho thí sinh được tham gia xét tuyển vào nhiều trường chứ không giải quyết vấn đề cốt lõi là tăng nguồn tuyển. Thực tế cho thấy dù có kéo dài thời gian xét tuyển như 2 năm trước thì các trường vẫn không tuyển được vì thiếu thí sinh. Bên cạnh đó, việc nhập học kéo dài cũng khiến các trường khó khăn trong việc dạy bù cho sinh viên mới.
Sợ thí sinh “ảo”
Ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, cho rằng phương án này đem lại nhiều đổi mới nhưng cũng có thể gặp cả khó khăn trong việc tuyển sinh. Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn tức là đã xác định nguồn tuyển nhưng 3 năm gần đây, các trường ngoài công lập đều thiếu nguồn. Đổi mới cách xét tuyển phải đi liền với tạo cho các trường nguồn tuyển, nếu cho mở trường mà không có sinh viên để dạy thì trường sẽ “chết non”.
Trong khi các trường tốp dưới không hồ hởi với phương án mới thì các trường tốp trên cũng không quá lạc quan. Thận trọng với phương án kéo dài xét tuyển, ông Vũ Đình Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng phương án này cần phải thảo luận xem diễn biến thế nào. Còn theo ông Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất, tuy phương án này có lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ gặp nhiều phiền phức. Nếu áp dụng, các trường phải tính toán thật kỹ về mặt kỹ thuật bởi thí sinh “ảo” vô cùng nhiều.

Cho kéo dài xét tuyển
Trước lo lắng về số lượng lớn thí sinh “ảo”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định quy định mới không chỉ tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển mà các trường cũng sẽ tuyển được những thí sinh có kết quả thi cao, nâng chất lượng đầu vào. Tuy lượng thí sinh “ảo” có thể tăng lên nhưng các trường có thể tuyển nhiều đợt. Các trường đào tạo theo học chế tín chỉ vẫn còn có thể tiếp tục tuyển sinh nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT cho phép các trường kéo dài việc xét tuyển đến hết ngày 31-12-2012.

Theo Yến Anh
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)