Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chào xuân Kỷ Sửu

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân Việt ở khắp tỉnh, thành nô nức đón mừng năm mới cùng những màn biểu diễn pháo hoa đặc sắc. Vẻ rực rỡ của những chùm hoa trên màu thẫm của nền trời cùng không khí rộn rã khắp mọi miền làm cho đất nước thêm lung linh trong phút giao mùa.

Gần như đúng lúc Giao thừa, Hà Nội lắc rắc mưa Xuân. Bất chấp cái lạnh dưới 10 độ C, hàng nghìn bạn trẻ háo hức kéo nhau về sân vận động Mỹ Đình xem màn bắn pháo hoa. Mỗi chùm pháo xoè bung trên bầu trời, mặt đất lại ran lên tiếng hò reo của hàng chục nghìn người chiêm ngưỡng. Niềm hạnh phúc, hy vọng như bừng trên khuôn mặt háo hức của mỗi người trong phút giây đón năm mới.

Năm nay, cả nước có 58 tỉnh, thành phố tổ chức bắn pháo hoa. Riêng Hà Nội có 17 điểm thay vì 10 điểm như năm trước. TP HCM cũng tăng thêm 2 điểm. Thậm chí, tỉnh Hà Giang, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc dù còn nhiều khó khăn, cũng tổ chức bắn pháo hoa và thả đèn trời.

Pháo hoa lung linh trên bầu trời Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

Bất cứ nơi nào có bắn pháo hoa đều đông nghịt người. Ai nấy đều háo hức dõi theo từng tia pháo vút thẳng lên trời cao, rồi vỡ tung thành những chùm hoa muôn hình dáng và đầy màu sắc. Các khuôn mặt xa lạ bỗng dưng trở nên thân thiết, người người trao nhau nụ cười như thầm chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Tại thủ đô Hà Nội, khu vực Hồ Hoàn Kiếm vẫn là nơi tập trung nhiều người nhất. Chẳng những được trang hoàng lộng lẫy với nhiều chùm đèn màu sặc sỡ, nơi đây có tới 2 địa điểm bắn pháo hoa tầm cao, một ở trước trụ sở Báo Hà Nội Mới, một điểm trước Bưu điện thành phố. 4 tiếng trước giao thừa, khu vực quanh bờ Hồ gần như chật kín người. "Chọn vị trí đứng trước để nhìn cho đẹp mắt" là lý do của nhiều bạn trẻ có mặt tại đây.

Trung tá Trần Văn Phan, Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng BCH Quân sự quận Đống Đa cho biết: "Từ 20h, các công tác chuẩn bị cho màn bắn pháo hoa tại khu vực Hồ Gươm đã hoàn thành. Mỗi điểm sẽ bắn 500 quả. Thời gian là 15 phút". Hà Nội còn có 3 điểm bắn tầm cao khác là: Tây Hồ, Công viên Lê Nin, Thành phố Hà Đông.

Những cành lộc chào mời khách sau giao thừa. Ảnh: Hoàng Hà.

Như nhiều năm trước, các cành lộc bẻ sẵn được bày bán trên đường phố thủ đô khá nhiều. Chị Oanh, một người bán trên phố Kim Mã cho biết, năm nay người dân đổ ra đường mua lộc khá sớm. Với giá mỗi cành là 15.000 đồng, chị Oanh đã bán hơn phân nữa quầy hàng của mình từ trước 20h.

Ngoài mua những cành lộc như táo, mía… các bạn trẻ còn đua nhau thả đèn trời để cầu may. Hí hoáy ngồi viết những điều ước lên trên chiếc đèn trời trước khi thả cùng bạn trai, Diệu My, cô gái 18 tuổi thì thầm: "Em ước sẽ kiếm được một học bổng để sang Pháp…".

Do tiết trời khá lạnh (10 độ ) nên phần đông người dân ra đường đón không khí giao thừa là thanh niên. Những chiếc áo ấm dày cộm khoác lên người không làm giảm đi nỗi hân hoan trên mặt các bạn trẻ. Rất đông người ngoại quốc cũng hòa mình với người dân Việt trong đêm giao thừa thiêng liêng này. Một số người cũng len mình, chen chân vào những khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Công kênh đứa con trai 4 tuổi trên cổ, anh Rymt quốc tịch Anh thổ lộ: "Tôi rất hạnh phúc khi lần đầu tiên được đón giao thừa với các bạn người Việt. Không khí đêm nay thật ấm áp".

Để được ngắm màn pháo hoa kéo dài 15 phút, trước đó, nhiều bạn trẻ chấp nhận bỏ ra 150.000 đồng để có chỗ ngồi tại một quán cà phê cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Gần một giờ sau màn pháo hoa, dòng người đổ về các tuyến phố. Tại các ngã tư, chủ những sạp bán bán mía, bóng bay cùng những cành lộc di động được mùa "hốt bạc". Ở tuyến phố Ông Đồ, nhiều người cũng đổ xô về đây để xin chữ. Năm nay, theo các ông Đồ, chữ Thành đạt và Đỗ đạt được nhiều bạn trẻ xin về treo.

Bất chấp giá rét, em bé vẫn được đi đón giao thừa tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại TP HCM, người dân bắt đầu đổ ra đường từ rất sớm. 19h, lực lượng cảnh sát giao thông và dân phòng đã có mặt tại các trục đèn giao thông cũng như tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thành phố.

Không khí se lạnh của ngày cuối năm không ngăn được dòng người lũ lượt kéo về các khu lễ hội chính, như Sân khấu 23/9, Dinh Thống Nhất, Nhà hát Thành phố… Ngoài các tiết mục văn nghệ đặc sắc mừng năm mới diễn ra tại đây, người dân còn có dịp thử sức ở nhiều trò chơi dân gian, xem biểu diễn đờn ca – tài tử, thi vẽ, triển lãm tranh gây quỹ từ thiện… Đặc biệt, lần đầu tiên Đương kim Hoa hậu Thế giới có mặt tại TP HCM để đón giao thừa. Điều này góp phần làm cho tuyến đường Lê Lợi và quảng trường Quách Thị Trang, nơi có người đẹp xuất hiện thêm phần quá tải.

Khu đường hoa Nguyễn Huệ bao giờ cũng là nơi hút khách trong tối Giao thừa. Không chỉ trưng bày đa dạng các loài hoa, cây cảnh, nơi đây còn mang lại nhiều cảm xúc chân quê với các cảnh vật dân dã như con trâu, đồng lúa, chái nhà, cầu khỉ… Tuy nhiên, chưa đến 20h thì hầu như không còn chỗ chen chân nào vào khu vực này. "Em nghe nói nhiều nhưng hôm nay mới tận mắt chứng kiến cảnh đông đúc của đường hoa đặc biệt này. Tuy mệt nhưng em thấy rất vui vì cảm nhận được sự náo nức đang lan tỏa xung quanh", sinh viên Kim Loan, Đại học KHXHNV, chia sẻ cảm giác lần đầu đi chơi giao thừa tại TP HCM.

Người dân Sài Gòn ra đường từ sớm đón giao thừa.

Tấp nập không kém là các ngôi chùa lớn trong thành phố. Từ nhiều năm nay, tục mang cây cành, hái lộc trong chùa bị hạn chế. Tuy vẫn có những gói lộc nhỏ do nhà chùa tặng, nhưng nhiều người vẫn muốn trực tiếp vịn tay vào các cây cành trong khuôn viên để lấy cái may mắn đầu năm. Đưa tay vuốt nhẹ bề mặt chiếc lá xanh, bạn Phương An, nhà ở chung cư Thanh Niên, quận Tân Bình chia sẻ: "Trực tiếp cảm nhận sự tươi mướt của cây cỏ, thiên nhiên cho tôi cảm giác như rũ bỏ được mọi điều không hay trong năm cũ và sẵn sàng tinh thần nhận lấy lộc mới đầu xuân".

Có mặt tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP HCM), bạn Duy Trung, nhà ở quận 7, cho biết: "Từ nhỏ, tôi luôn đến đây cầu an cho bản thân và gia đình trong ngày 30 Tết. Dù giờ đã chuyển chỗ ở xa hơn nhưng tôi vẫn giữ thói quen đó". Bạn Trung chia sẻ thêm, do muốn tham gia dòng người xem pháo hoa nên tranh thủ viếng chùa sớm.

Có thể cùng suy nghĩ như Trung, nên dù chưa đến thời khắc giao thừa thì đông đảo người dân và phật tử đã nêm kín chùa Xá Lợi, Việt Nam Quốc Tự, Viên Giác, Vĩnh Nghiêm… Góp phần làm không khí thêm chộn rộn là cảnh mua bán phiếu tử vi và dãy người người ăn xin ngồi trước cổng chùa. Các bãi giữ xe của chùa thì không còn chỗ trống, tạo điều kiện cho các người dân ở khu vực xung quanh có thêm nghề giữ xe. "Gởi xe đi chùa thì còn giá 5.000 đến 10.000 chứ ra đến các quận trung tâm thì cao đến chóng mặt", một khách viếng chùa Vĩnh Nghiêm cho biết.

Người dân mua phiếu tử vi trước cổng chùa.

Không chỉ là giữ xe, các hàng quán giải khát, thức ăn nhẹ ở các khu vực thu hút khách tham quan cũng được dịp "hét giá". Thậm chí, chiếc bóng bay cầm tay cho trẻ con cũng tăng cao, gấp 3, 4 lần so với mức giá thông thường. Đó là chưa kể đến những chiếc bóng mang hình dạng các con vật dễ thương, màu sắc rực rỡ."Chạy ngang các bùng binh giao lộ, con tôi cứ dán mắt nhìn và vòi mua chiếc bóng bay hình con thỏ. Nhưng giá một cái gần 50.000 đồng. Với người khác không sao chứ công nhân quèn như tôi thì thấy xa xỉ quá", anh Quang, nhà ở Quận 7 tiếc rẻ. Nhưng rồi, sau một hồi ngã giá, anh cũng phải bỏ ra 40.000 đồng để thỏa mãn ý thích của đứa con trai đầu lòng. Bởi nụ cười, niềm vui là điều ai cũng muốn trong thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa.

15 phút sau khi tiết mục bắn pháo hoa diễn ra trên mọi miền đất nước, từng dòng người lũ lượt ra về. Có người tiếp tục cuộc du xuân bằng việc đi lễ chùa, cầu an và xin lộc mới. Nhiều nhóm bạn trẻ lại tiếp tục tụ tập ở góc phố để chụp ảnh và bàn kế hoạch chơi Tết. Số đông người còn lại thì mau chóng trở về quây quần bên mái ấm của mình.

Đây cũng là thời điểm vào ca làm việc cuối của những công nhân vệ sinh. Anh, chị nào cũng nhanh tay, hối hả tích cực làm xong phần việc để sớm về quây quần với gia đình. Nhiều ngôi nhà hai bên đường vẫn thấp thoáng ánh đèn, đâu đó vang lên những ca khúc xuân thanh bình, như hòa chung không khí thiêng liêng của đất, trời.

Nhóm phóng viên (Theo VNE)
 

Bình luận (0)