Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hai tiêu chí cơ bản để xét miễn giảm thuế

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Phạm Văn Huyến, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế.

“Có nhiều tiêu chí được đưa vào để xét chọn miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản là vốn và lao động. Tất cả các tiêu chí này sẽ được công khai để tránh xảy ra việc xin cho và loại bỏ tiêu cực nảy sinh”.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Phạm Văn Huyến đã cho biết như vậy bên lề Hội nghị ngành thuế diễn ra tại Hà Nội, ngày 4/12.

Theo ông Huyến, tiêu chí để đánh giá giảm thuế là doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh dưới 10 tỷ, sử dụng lao động bình quân dưới 300 người.

Ngoài ra đối với một số ngành, doanh nghiệp có khó khăn đặc thù, Chính phủ sẽ xem xét để quyết định loại hình DN sẽ được áp dụng ưu đãi miễn hoặc giãn nợ thuế.

Ông đánh giá như thế nào về giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) của Chính phủ với hàng loạt các biện pháp như giãn nợ thuế, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ngay trong quý V/2008…?

Có thể nói, giải pháp của Chính phủ lần này tập trung giải quyết khó khăn cho các DN là hết sức quan trọng và liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công tác thu thuế. Đó là, biện pháp về miễn giảm thuế, giãn nợ thuế.

Cụ thể, Chính phủ đã có biện pháp giảm ngay 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các DN gặp khó khăn; số thuế còn lại 70%, thực hiện giãn nợ trong năm 2009.

Theo đó, ngành thuế sẽ phải thực hiện quyết liệt và tích cực để vừa tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nội dung và các giải pháp này sẽ giúp DN tháo gỡ khó khăn, nhưng đối với ngành thuế sẽ là một thách thức. Vì nhiệm vụ của ngành thuế với con số thu ngân sách năm 2009 đặt ra là hơn 300.000 tỷ, nhiệm vụ tăng so với 2008, trong tình hình giảm bớt chính sách các DN, thách thức ngành thuế tăng lên.

Thực hiện như thế nào là bài toán thách thức với ngành thuế, để một mặt thực hiện nhiệm vụ thu như yêu cầu Quốc hội giao, một mặt phải giảm thuế và giãn nợ thuế cho các DN.

Bộ Tài chính vừa đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN là hoàn thuế kịp thời, điều này được Tổng cục Thuế tiến hành thế nào?

Muốn hoàn thuế kịp thời, vấn đề cải cách hành chính thuế là một trong những biện pháp rất quan trọng, làm sao đảm bảo được yêu cầu, những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện và đối tượng phải được giải quyết ngay trong 15 ngày.

Những trường hợp chưa đáp ứng đủ, cũng phải tiến hành kiểm tra ngay để giải tỏa vấn đề vướng mắc và hoàn thuế cho DN. Các DN xuất khẩu, trong điều kiện được bảo lãnh của ngân hàng, khi chưa được thanh toán cũng có thể được hoàn thuế ngay, tới mức 90% số thuế DN đề nghị. Đây là những giải pháp rất cụ thể.

Tổng cục Thuế sẽ công khai các tiêu chí xét duyệt DN được miễn giảm thuế nhằm tránh việc xin – cho, ông có thể nói rõ hơn về công việc mà ngành thuế thực hiện trong thời gian tới?

Ngành thuế chúng tôi đã nhận thức được việc có thể xảy ra những tiêu cực và nảy sinh cơ chế xin cho để được miễn giảm thuế nên sẽ có những biện pháp ngăn chặn.

Hiện nay, ngành thuế đang đẩy mạnh việc cải cách hành chính thuế, kiên quyết gạt bỏ cơ chế xin cho, không rõ ràng, dẫn đến nhiều người, kể các cán bộ thuế lợi dụng việc đó để làm khó cho DN, hoặc tiêu cực trong vấn đề xem xét.

Chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chí minh bạch, hướng dẫn rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đối tượng và DN cũng như mọi người biết để kiểm soát và tự khẳng định mình thuộc hay không trong các đối tượng được miễn giảm.

Trong các giải pháp xử lý thuế, chúng tôi đặc biệt quan trọng công tác cải cách hành chính thuế, vấn đề quan trọng là giảm bớt các thủ tục phiền hà cho người nộp thuế, kể cả đơn đăng ký DN, cấp mã số thuế.

Việc cấp mã số thuế, liên Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an đã có thông tư hướng dẫn, trong thời hạn 5 ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh sẽ cấp mã số thuế cho DN.

Đây là một cải cách hành chính thuế, đòi hỏi ngành thuế phải sắp xếp lại, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong vấn đề cấp hóa đơn, các thủ tục thu thuế, nộp thuế, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đơn giản hóa kịp thời.

Ngày 1/1/2009 được ấn định là thời điểm triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đối với hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi từ nộp thuế TNDN sang nộp thuế TNCN, đây là một sự chuyển đổi quan trọng. Nhiều nước đã áp dụng cơ chế này, nhằm thể hiện công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ góp thuế của từng cá nhân đối với Nhà nước. Thuế TNDN trước đây với hộ kinh doanh được áp dụng theo cơ chế khoán vì hộ kinh doanh không thực hiện được thuế khoán.

Sang thuế TNCN, mức điều tiết về thuế đối với các hộ sẽ được giảm thấp so với thuế đang nộp, vì mức thuế đang nộp là 28% giảm xuống 25% từ 1/1/2009, điều tiết 1/4 lượng thu nhập của họ không kể thấp hay cao.

Thuế TNCN được miễn trừ của bản thân và các người phụ thuộc. Rất nhiều hộ kinh doanh với mức thu nhập vừa và nhỏ sẽ không phải đóng thuế TNCN, trong khi trước đây phải đóng thuế TNDN thì bây giờ ko còn khoản thu đó. Khoản thu đó sẽ làm giảm về Ngân sách Nhà nước nhưng sẽ tạo điều kiện hơn cho thu nhập của người dân.

Về triển khai thuế TNCN, sau 1 năm chuẩn bị, chúng tôi đã hết sức tích cực, đến nay, cơ bản các địa phương đã chuẩn bị tốt, công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu, hướng dẫn, đăng ký và cấp mã số thuế cho các hộ kinh doanh để thực hiện thu thuế ngay từ đầu năm 2009.

– Xin cám ơn ông!

An Hạ (Theo Dantri)

Bình luận (0)