Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

KTX cho sinh viên: Chuyện dài nhiều tập

Tạp Chí Giáo Dục

KTX ĐH Bách khoa Hà Nội được giới SV xem là “trại nhân đạo”

Nhiều trường ĐH ngoài công lập, sinh viên không thể “bói” ra được KTX, các trường ĐH công lập thì tỷ lệ sinh viên được ở KTX rất thấp. Trong khi đó, có những trường ĐH, KTX biến thành “trại nhân đạo” cho hộ gia đình và những người đã đi làm. Đây là một nghịch lý đang xảy ra.
Khan hiếm dẫn đến bán chỗ ở!
Viện ĐH Mở Hà Nội năm học 2009 quy mô tuyển sinh 3.300 chỉ tiêu, nhưng toàn bộ sinh viên khóa mới cũng như sinh viên khóa cũ (con số lên tới gần chục ngàn sinh viên) đều không có một chỗ trong KTX. Ngay cả phòng học trường cũng còn đang phải đi thuê cho sinh viên. ĐH dân lập Thăng Long cũng tuyển sinh 1.900 chỉ tiêu trong năm học tới, nhưng 100% sinh viên của trường đều tự tìm chỗ ở. Nếu muốn tìm một “chân” trong KTX của các trường như ĐH Chu Văn An, ĐH Văn Hiến, ĐH Hoa Sen, hẳn sinh viên sẽ nản khi nhìn thấy trường “treo biển”: tự túc chỗ ở. Nhiều trường ĐH học phí được tính bằng tiền đô nhưng sinh viên cũng tự “bơi” tìm chỗ ở. ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý hữu nghị có mức học phí 5.000 USD/năm nhưng nhà trường không có KTX cho sinh viên. ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM được thông báo mức thu học phí trung bình 45 triệu đồng/năm. Trọn khóa 4 năm từ 180 triệu – 215 triệu đồng tùy thuộc vào trình độ tiếng Anh đầu vào (tương đương 11.000 USD đến 13.000 USD). Nhưng khi hỏi về KTX, nhà trường cho biết trường đang xây dựng và có thể khóa mới năm 2009 sẽ được ở KTX!? Khi được hỏi về KTX, các trường này đều có câu trả lời giống nhau: đang xây dựng hoặc đang trong đề án. 
Ở các trường công lập, tình trạng “trắng” KTX không xảy ra, nhưng chỉ tiêu rất thấp. ĐH Luật Hà Nội năm học 2009 tuyển 1.800 chỉ tiêu nhưng số sinh viên được vào KTX chỉ là 100, tức chỉ 1/18 tân sinh viên có “chân” trong KTX. ĐH KTX Mễ Trì của ĐH Quốc gia Hà Nội thường dành cho sinh viên của 2 trường ĐH KHXH-NV, ĐH KH Tự nhiên và Khoa Sư phạm của trường. “Phòng ít, sinh viên đông” nên nhà trường thường ưu tiên các đối tượng chính sách, con gia đình nghèo, sinh viên vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, có nhiều sinh viên “được quyền” ở KTX nhưng lại thích ở ngoài. “Chỗ” này sẽ được sinh viên “bán lại” cho những sinh viên khác có nhu cầu và ban quản lý KTX khó mà phát hiện.
KTX hay “trại nhân đạo”?
Trong khi sinh viên rất nhiều trường khổ sở tìm chỗ ở thì dường như sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đang thừa chỗ, không ai ở. Bằng chứng là có rất nhiều sinh viên đã ra trường nhưng vẫn tiếp tục được ở lại trong KTX, thậm chí có cả hộ gia đình cũng được ở đây. Một sinh viên năm thứ 2 của trường cho biết, có rất nhiều người đã đi làm nhưng vẫn được ở trong KTX của trường. Từ nhà B3, B6, B7, B8, B9 đều có. Đặc biệt là nhà B6. Đây có thể coi là một trong những khu nhà KTX “vip” của ĐH Bách khoa, không phải vì nó đầy đủ tiện nghi hay hiện đại mà vì mỗi phòng chỉ có 4 người ở. Vì ở rộng nên giá cũng cao hơn, 250.000đ/người, trong khi những nhà khác, sinh viên ở 10 người/phòng thì chỉ từ 100.000 – 120.000đ/người. Theo phản ánh của sinh viên, nhà B6 có nhiều người đã đi làm đang ở, họ ở cùng phòng hoặc ở cùng sinh viên. Giá thuê phòng của họ không khác so với sinh viên. Chỉ khác là mỗi đầu năm học, họ có một “lễ nhỏ” cho ban quản lý KTX. Nhà B3 còn có hộ gia đình thuê ở. Điều đặc biệt là ngoài căng tin của trường, trong KTX của ĐH Bách khoa còn có rất nhiều quán cơm, quán giải khát. Có lẽ do trường có số lượng sinh viên quá lớn nên một căng tin không phục vụ hết sinh viên?!
Nghiêm Huê

Bình luận (0)