Chỉ những trường ở ngoại thành có diện tích rộng mới đảm bảo được tiêu chí chuẩn quốc gia là 6m2/HS (trong ảnh: Giờ ra chơi của HS Trường TH An Phú 1, Củ Chi – trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2). Ảnh: Q.Huy
|
Nhắc đến trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều người nghĩ rằng giáo viên (GV), học trò luôn được hưởng nền giáo dục tốt hơn so với trường bình thường. Cụ thể, sĩ số học sinh (HS) ít, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại… Tuy nhiên, khi đi vào thực tế mới thấy trường chuẩn vẫn còn chồng chất khó khăn.
Trường chuẩn lo “nợ” chuẩn
Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế mới về trường chuẩn quốc gia bậc trung học thay cho quy chế cũ đã ban hành từ năm 2010. Theo đó, để đạt chuẩn quốc gia, các trường trung học phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, GV và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường và gia đình, xã hội. Trong các tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất quy định các trường nội thành, nội thị có diện tích sử dụng ít nhất từ 6m2/HS làm cho nhiều trường “đau đầu”.
Tại TP.HCM, khi lượng người đông mà diện tích đất hạn hẹp nên việc Bộ GD-ĐT quy định tiêu chí 6m2/HS rất khó khả thi. Theo khảo sát tại nhiều trường THCS chuẩn quốc gia ở quận Gò Vấp, Tân Bình, Q.10… thì không có trường nào đạt chuẩn với diện tích quy định này.
Ông Nguyễn Văn Vượng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) – thừa nhận rằng: “Hầu hết các trường chuẩn quốc gia hiện đang phải “nợ” chuẩn vì vướng vào tiêu chí cơ sở vật chất là phải có các sân tập đa năng, nhiều trường đã xây dựng trước nên không có sân tập này. Ngoài ra, quy định các trường nội thành có diện tích sử dụng ít nhất từ 6m2/HS nhưng chỉ tiêu ở quận đưa về cho trường mỗi năm khó thay đổi, hiện diện tích sử dụng ở trường chúng tôi mới chỉ được 3m2/HS”.
Gò Vấp là quận ven TP, dân nhập cư rất đông nên mỗi năm trường lớp ở địa bàn này đều chịu áp lực về sĩ số HS. Theo thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp) thì: “Sĩ số HS lớp 6 năm học này của trường là 50 em/lớp trong khi quy định của trường chuẩn quốc gia ở bậc THCS là 45 HS/lớp. Bộ GD-ĐT quy định tiêu chí diện tích ở trường chuẩn quốc gia là mỗi HS sẽ có 6m2 đất nhưng sĩ số HS đông, diện tích chỉ có 3m2 đất/HS. Những trường chuẩn ở các quận ven, huyện ngoại thành thường xây sau, đáp ứng về cơ sở vật chất như có đầy đủ phòng chức năng, diện tích, còn ở những trường nội thành như chúng tôi nếu không có biện pháp nào sẽ có khả năng rớt chuẩn”.
Khi hỏi về giải pháp cho việc “nợ” chuẩn, thầy Trịnh Vĩnh Thanh lắc đầu: “Năm ngoái, cạnh trường có một bãi đất trống, nhưng khi xin kinh phí của quận để mua lại nhằm mở diện tích thì kinh phí của quận lại eo hẹp. Vì thế, năm nay bãi đất này đã bán cho nhà dân nên không biết đến bao giờ chúng tôi mới mở rộng được diện tích hay giảm sĩ số để đảm bảo đúng tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT quy định”.
Giữ chuẩn lại càng khó
Rất ít trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng được tiêu chí diện tích sử dụng ít nhất từ 6m2/HS. Trong ảnh, giờ vui chơi của Trường TH An Phú 1 (Củ Chi) – trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2
|
Bên cạnh việc “nợ” một số tiêu chí trong trường chuẩn, lãnh đạo các trường còn phải cân đong đo đếm kinh phí để bảo trì cơ sở vật chất, chăm lo trường lớp nhằm duy trì giữ chuẩn. Đặc biệt, các trường TH đều đã đạt chuẩn về cơ sở vật chất nhưng kinh phí để bảo dưỡng lại rất hạn hẹp.
Thầy Nguyễn Văn Tri – Hiệu trưởng Trường TH Võ Trường Toản (Q.10) – chia sẻ: “Khó khăn chung của trường đạt chuẩn là không có kinh phí để duy trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Một trường đạt chuẩn phải có sân chơi, nhà đa năng, hệ thống các chức năng như phòng máy tính, trang thiết bị giảng dạy tiếng Anh… Theo năm tháng điều kiện này bị hư hỏng nhưng kinh phí sửa chữa trường phải tự gánh, phải trích từ kinh phí hoạt động chung. Dẫn đến phần dư kinh phí hoạt động chung cuối năm sẽ ít đi, tiền thu nhập tăng thêm của GV theo đó mà càng ít hơn so với các trường bình thường”.
“Lãnh đạo các cấp nên xem xét, hỗ trợ thêm một phần tài chính cho bảo trì, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị… để các trường đạt chuẩn giảm bớt khó khăn trong việc cân đong đo đếm kinh phí dành cho khoản này, để nhà trường, GV an tâm thực hiện mục tiêu giáo dục”, thầy Nguyễn Văn Tri mong muốn. |
Đồng tình với ý kiến này, thầy Lê Thành Sơn – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trung Ngạn (Q.8) – cho biết: “Ngân sách Nhà nước cấp cho để xây trường, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhưng hàng năm lại không cấp tiền bảo dưỡng. Để có tiền bảo dưỡng, nhà trường phải trích tiền từ quỹ hoạt động chung. Ngoài ra, nhiều khoản khác như nhân công bảo vệ, vệ sinh trường lớp phải tăng thêm để đảm bảo an toàn, vệ sinh trường lớp. Đơn cử, hiện tại số bảo vệ là 6 người vì diện tích của trường rộng, phải cần người để trông coi, bảo đảm an toàn, trong khi đó theo quy định thì chỉ tối đa 2 bảo vệ biên chế, còn lại nhà trường phải hợp đồng trả lương”.
Quỹ hoạt động chung giảm, dẫn đến thu nhập tăng thêm của GV thấp là điều rất dễ hiểu. “Khoản thu của HS học 2 buổi/ngày được trích một phần dành cho hoạt động chung của trường, một phần bồi dưỡng GV. Quy định để đạt chuẩn quốc gia ở bậc TH là 35 đến 36 HS/lớp. Trong khi đó, các trường bình thường, sĩ số HS có thể 40, 50 em/lớp thì khoản thu nhiều, kinh phí hoạt động chung tăng lên, tiền sửa chữa cơ sở vật chất ít nên tiền bồi dưỡng, thu nhập tăng thêm của GV trường bình thường cao hơn trường chuẩn quốc gia”, thầy Nguyễn Văn Tri phân tích. Cùng bàn về vấn đề sĩ số HS, thầy Trịnh Vĩnh Thanh cho hay: “Quy định sĩ số HS ở trường chuẩn quốc gia cấp THCS là 45 HS/lớp nhưng ở trường thường có thể lên đến 50 hay 55 em. Thay vì sĩ số 45 HS/lớp, nếu trường chúng tôi có sĩ số là 55 HS/lớp thì cả trường có thêm 330 em, mỗi em được Nhà nước cấp 3 triệu đồng/năm, tức là chúng tôi sẽ có thêm 1 tỷ để xoay xở”.
Được giảng dạy tại trường chuẩn quốc gia thì bất kỳ GV nào cũng vui mừng, phấn khởi. Ít nhất cô trò được dạy – học trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, trường lớp khang trang sạch đẹp, theo đó họ có điều kiện để thực hiện chu đáo hơn mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, khi thực hiện, GV bỏ ra nhiều công sức nhưng tiền bồi dưỡng, thu nhập tăng thêm vào cuối năm của họ thấp hơn những trường bình thường khác nên nhiều người cảm thấy thiệt thòi.
D.Bình – N.Trinh
Cô Nguyễn Thị Coi – Phó hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trâm (huyện Bình Chánh) – tâm tư: “So với các trường khác, GV trường chuẩn quốc gia làm việc rất vất vả, chịu nhiều áp lực vì tiêu chí có đề cập đến chất lượng GV và HS nhưng thu nhập lại không bằng GV trường thường. Mỗi khi Tết đến, nhiều GV trường tôi phải chạnh lòng vì thu nhập tăng thêm chỉ có khoảng 2 đến 3 triệu/người, dè xẻn vẫn không đủ tiêu Tết trong khi các trường bạn mùa Tết đến là được hỗ trợ hơn gấp nhiều lần”.
|
Bình luận (0)