Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết 29-NQ/TW – Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện nền GD-ĐT nước nhà. Năm Giáp Ngọ 2014 tới đây là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết này. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đây sẽ là “trận đánh” lớn mà toàn ngành giáo dục (GD) cần tập trung lực lượng quyết tâm “đánh” thắng!
Trải qua hơn 20 năm tiến hành đổi mới GD-ĐT, sự nghiệp trồng người đã gặt hái được nhiều kết quả. Quy mô trường lớp, số lượng người học, trình độ dân trí đều được nâng cao, mở rộng; hoàn thành tốt mục tiêu phổ cập GD tiểu học, phổ cập THCS; chất lượng GD và tỷ lệ người lao động qua đào tạo đều có bước tiến đáng kể…
Tuy nhiên hoạt động GD-ĐT trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập thế giới còn quá nhiều khiếm khuyết, bất cập. Mục tiêu GD toàn diện chưa được nhận thức rõ và thực hiện đúng; hiệu quả GD-ĐT còn thấp; hệ thống GD thiếu liên thông; nội dung quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành; đào tạo chưa gắn kết với sản xuất, nghiên cứu khoa học và thị trường lao động; chưa chú trọng GD đạo đức lối sống; cơ sở vật chất, phương tiện và phương pháp GD, phương pháp kiểm tra đánh giá còn lạc hậu, thiếu thực chất; quản lý GD còn yếu kém; đầu tư GD ít và chưa hiệu quả; đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập, thiếu tâm huyết, một số đã vi phạm đạo đức; bệnh chạy theo thành tích, hư danh và sính bằng cấp còn nặng…
Trước khi bước vào “trận đánh” lớn cán bộ, giáo viên toàn ngành, trước tiên là “bộ tham mưu” và đội ngũ “sĩ quan” của ngành – cán bộ quản lý – cần phải nắm chắc tình hình, biết rõ mặt mạnh, mặt yếu của mình để phát huy hoặc khắc phục. Nghị quyết đã nêu rất rõ thực trạng này, đặc biệt là những vấn đề còn yếu kém. Biết “địch” biết “ta” trăm trận trăm thắng! Thiển nghĩ, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của ngành phải hết sức cầu thị và lắng nghe để có giải pháp tốt nhất cho “trận đánh”.
Lần này, GD-ĐT đổi mới có tính căn bản và toàn diện hơn những lần trước. Theo nghị quyết là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện thực hiện; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT…; đổi mới việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học. Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT chính là thực hiện một khâu đột phá chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Có rất nhiều điểm mới trong nghị quyết về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và tổ chức thực hiện. Nhiều vấn đề mà xã hội và ngành quan tâm, nay đã đưa vào đề án thực hiện: Đề cao GD tình cảm gia đình; tăng cường GD đạo đức lối sống; coi trọng kỹ năng thực hành; vấn đề tự chủ tự chịu trách nhiệm ở cơ sở GD nhất là ở cơ sở GDĐH; kiểm tra đánh giá thực chất, điều chỉnh cơ chế tài chính và đầu tư; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý; chính sách ưu đãi nhà giáo và cán bộ quản lý…
Một điều đáng lưu ý trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chiến lược đổi mới GD-ĐT là: Đổi mới công tác truyền thông nhằm “thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển GD”.
Riêng về nhiệm vụ “đổi mới công tác thông tin tuyên truyền”, với chức năng nhiệm vụ của mình, Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ tăng cường quy mô, năng lực và chất lượng thông tin; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phía sau mặt báo… nhằm đồng hành cùng ngành tạo chuyển biến mạnh trong sứ mệnh đổi mới GD lần này.
Năm mới đang tới! Với tinh thần “mã đáo thành công” của năm Giáp Ngọ 2014, toàn ngành hy vọng “trận đánh” lớn do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm tư lệnh sẽ thành công ngay trong “trận” đầu, năm đầu!
Long Phụng Sơn
Bình luận (0)