Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ hàng trăm giáo viên “mất việc”: Lỗi thi tuyển, sát hạch?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay dư luận đang xôn xao và bức xúc về thông tin hơn 300 giáo viên của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh “thất nghiệp” dù chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, năm học 2013-2014 sẽ kết thúc.
Nguyên nhân ban đầu từ các cơ quan có chức năng cho biết là do các giáo viên này đã thi trượt trong đợt thi xét tuyển viên chức được tổ chức vào cuối năm 2013.
Thực ra vấn đề này đã là mối lo lắng của các giáo viên huyện Yên Phong suốt từ đầu năm học 2013-2014 khi mà thông tin tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT được đưa ra.
Cụ thể, theo văn bản số 523/KH-UBND ngày 6-9-2013 do UBND huyện Yên Phong công bố về kế hoạch, chỉ tiêu xét tuyển 612 viên chức ngành GD-ĐT năm 2013 (dự kiến kéo dài từ ngày 26-11 đến 14-12).
Bản kế hoạch này gồm 10 nội dung có nêu khá chi tiết, từ mục đích yêu cầu, nguyên tắc, số lượng, cơ cấu tuyển dụng, ưu tiên trong tuyển dụng… cho tới các bước tổ chức thực hiện.
Theo đó, huyện Yên Phong sẽ chỉ ưu tiên tuyển thẳng những trường hợp là con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; hay tuyển thẳng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh và những trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 3 nghị định 29/2012/NĐ-CP.
Điều này đồng nghĩa với việc, hơn 600 giáo viên các khối mầm non, tiểu học và THCS đã hợp đồng giảng dạy từ nhiều năm qua tại các trường học trong huyện bị loại ra khỏi đối tượng ưu tiên tuyển dụng.
Trên thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Yên Phong không có đợt thi tuyển công chức nào cho ngành giáo dục nên tỷ lệ giáo viên hợp đồng ở nhiều trường đều rất lớn, chiếm hơn 50% cán bộ giảng dạy.
Như vậy với chỉ tiêu xét duyệt mới, hơn 300 giáo viên không nằm trong diện tuyển dụng và sẽ phải thôi việc. Điều đáng nói hơn cả là trong số hơn 300 giáo viên này, hầu hết đều có thâm niên công tác lâu năm, là giáo viên giỏi.
Vì vậy bức xúc bùng lên khi trước đợt nghỉ lễ 30-4, Phòng Nội vụ huyện Yên Phong có công văn về việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên không trúng tuyển và ký hợp đồng với người mới trúng tuyển.
Tuy nhiên, các giáo viên cho rằng việc thi tuyển này chưa công bằng. Theo các giáo viên, đợt xét tuyển ưu tiên các trường hợp người có công, con của người có công và ưu tiên người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, sinh viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi ở cả trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh, nên họ bị thu hẹp cơ hội.
Trong khi đó, họ có thâm niên, cống hiến lâu năm nhưng không được ưu tiên. Việc xét tuyển theo hình thức xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn, không có phúc khảo…
Chưa nói đến, việc giáo viên có kinh nghiệm dạy tốt không phải một sớm một chiều có thể đạt thành tựu mà phải trải qua quá trình trau dồi, học hỏi cũng như yêu thương học sinh.
Việc sa thải hàng loạt các “thầy giáo già” bằng lứa giáo viên trẻ, mới ra trường chưa có kinh nghiệm giảng dạy, và cũng không rõ sẽ gắn bó lâu dài với quê hương, với nghề là không thấu tình, đạt lý và cũng không đảm bảo tính phát triển lâu dài vững chắc của ngành giáo dục địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Điền, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh, cho biết, việc tuyển giáo viên đã được Sở Nội vụ Bắc Ninh phân cấp cho huyện. Tuy nhiên, trước vụ việc này lãnh đạo sở cũng đang họp, trao đổi về vấn đề này để cùng huyện Yên Phong tìm cách giải quyết thỏa đáng.
N.H – TTX

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)