HS Trường TH Tân Thông (Củ Chi, TP.HCM) trong giờ học theo mô hình trường học mới. Ảnh: T.V.Tám
|
Đó là khẳng định của GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trước những ý kiến về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, hiện nay có hai luồng ý kiến đưa ra để xây dựng CT và viết SGK. Một là Bộ GD-ĐT chỉ cần ban hành CT còn viết SGK để cho các tổ chức, cá nhân làm. Thứ hai là Bộ GD-ĐT ban hành CT và một bộ SGK chuẩn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi nghĩ chủ trương xã hội hóa SGK là rất đúng. Thứ nhất không chỉ huy động nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước để xuất bản SGK phục vụ HS mà còn ở chỗ chúng ta huy động cả trí tuệ xã hội tham gia công việc này, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Đương nhiên, chúng ta phải kết hợp trách nhiệm của xã hội với sự tham gia của Nhà nước như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, theo ý kiến tôi, Bộ GD-ĐT vẫn phải chủ động đứng ra xây dựng một bộ SGK. Thứ nhất, chúng ta triển khai có một lộ trình chặt chẽ nên phải chủ động các điều kiện. Nếu không có người có trách nhiệm thì sẽ không đảm bảo lộ trình, thời hạn và có thể không đảm bảo chất lượng. Thứ hai, việc chuẩn bị một bộ SGK cũng cần cho việc thực nghiệm CT mà chúng ta vừa xây dựng. Muốn thực nghiệm thì phải có tài liệu giáo dục mà tài liệu giáo dục đó là tiền thân của SGK, do đó, phải có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT chuẩn bị. Cũng có ý kiến cho rằng bộ không cần phải chuẩn bị một bộ SGK để đảm bảo sự bình đẳng. Nhưng tôi nghĩ, mục tiêu của chúng ta là vì HS không phải là vì sự bình đẳng hay không bình đẳng của các nhà sản xuất. Nếu cái đó cần Nhà nước chủ động làm thì Nhà nước phải làm chứ không phải vì để cho các tổ chức cá nhân xuất bản SGK được bình đẳng với nhau. Như vậy, chúng ta tôn trọng mục tiêu kinh doanh hơn là vì nhân dân vì chất lượng giáo dục. Điều này không thể chấp nhận được.
Theo như cách tiếp cận mới, thì với CT, SGK sau 2015, các địa phương được đưa 20% yếu tố của địa phương mình vào, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Lần này, về CT, chúng ta vẫn chủ trương một CT quốc gia thống nhất, nhưng chúng ta đã tiếp cận theo hướng mềm dẻo hơn. Trước kia quy định một CT cứng thống nhất trong toàn quốc, do Nhà nước thực hiện. Lần này, chúng ta chủ trương theo hướng CT quốc gia thống nhất gồm một số nội dung bắt buộc trong toàn quốc. Bên cạnh đó còn có nội dung liên quan đến đặc thù của các địa phương và do các địa phương chuẩn bị. Đồng thời, cũng dành thời lượng để các cơ sở giáo dục trực tiếp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của từng cơ sở.
Theo ông, lộ trình thực hiện nên cuốn chiếu theo từng lớp hay cuốn chiếu theo cấp học?
Tôi nghĩ cuốn chiếu theo cấp độ nào, như thế nào là phụ thuộc vào mức độ yêu cầu của đổi mới. Ví dụ như tiểu học, chỉ yêu cầu đọc tốt, viết tốt thì thay đổi không nhiều thì sẽ cuốn chiếu theo từng lớp. Nhưng ở THCS thời gian tới thay đổi nhiều, chúng ta cần tính toán. Việc đưa môn học tích hợp vào thì là hoàn toàn mới, bởi vậy không thể làm đồng thời mà từng lớp đi lên, vừa để rút kinh nghiệm, vừa biên soạn kịp thời SGK, vì có biết CT lớp dưới thì mới biên soạn được CT lớp trên và SGK lớp trên. Đặc biệt THPT cũng rất mới, chuyển từ phân ban sang môn học tự chọn, do đó, phải cuốn chiếu, khi đó chúng ta mới đổi mới được vững chắc, kỹ càng và đảm bảo thành công. Chúng ta rất sốt ruột về đổi mới nhưng làm phải chắc chắn, làm phải có kết quả thì lúc đó mới đạt được hiệu quả cao nhất trong công cuộc đổi mới của chúng ta.
Chưa chốt con số kinh phí cuối cùng
Vậy nguồn lực của đề án này như thế nào, thưa ông?
Chính phủ cũng đã có sự thống nhất và thông qua, theo tinh thần chủ yếu chúng ta chuẩn bị nguồn lực để thực hiện CT, SGK phổ thông. Hai nguồn lực quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên và CSVC chúng ta phải chuẩn bị tốt. Cái này phải đi trước một bước. Nếu thay đổi CT, SGK rất có thể đội ngũ giáo viên sẽ phải thay đổi. Thứ hai về CSVC, theo quy định là do UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm. Do đó, chúng ta phải giao trách nhiệm cho các địa phương, Nhà nước chỉ hỗ trợ địa phương nào khó khăn, TW chỉ đạo các mẫu, để các địa phương thực hiện nhưng không tập trung một đề án. Vì khả năng của chúng ta không đáp ứng được và không có hiệu quả.
Dự trù kinh phí sẽ như thế nào?
Hiện nay, trong báo cáo của bộ chưa ghi rõ con số, Chính phủ trong kỳ họp tới sẽ quyết định. Bộ vẫn còn nợ nội dung này. Nhưng như tôi nói sẽ không có một nguồn tiền nào tập trung trong đề án mà phân bổ theo quy định của ngân sách để các địa phương thực hiện. Đương nhiên, chúng ta có thể khai thác một con số xem như đây là định hướng để phân bổ ngân sách. Còn rất có thể lần này, chúng ta sẽ quy định rõ ngân sách trực tiếp dùng cho CT là bao nhiêu, SGK là bao nhiêu, hỗ trợ xuất bản SGK là bao nhiêu, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là bao nhiêu? Ngân sách hỗ trợ những địa phương, cơ sở khó khăn như thế nào? Cũng có thể có thêm quy định một số quy chế để các địa phương, tổ chức tư nhân hỗ trợ thêm. Nhà nước không đầu tư đồng loạt, bình quân mà hỗ trợ, đầu tư cho các cơ sở khó khăn để họ đạt được tiêu chuẩn tối thiểu để thực hiện được đổi mới. Cái này là rút kinh nghiệm từ lần đổi mới trước.
Dự thảo đề án đã chuẩn bị nhưng Chính phủ chưa thông qua. Chúng tôi thống nhất với cơ quan soạn thảo nếu Chính phủ chưa thông qua thì còn bí mật. Còn con số 34.000 tỷ mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó không có cơ sở pháp lý nào cả. Chắc chắn con số sắp công bố không được tính toán theo kiểu này, bởi kinh phí không tập trung theo đề án mà theo Luật Ngân sách hàng năm.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
“Điều lo ngại nhất là chuẩn bị điều kiện CSVC và đội ngũ giáo viên. Lần đổi mới này, tôi nhấn mạnh là đội ngũ giáo viên. Vì chúng ta thay đổi nhiều nội dung CT, thay đổi cơ bản cơ cấu CT vì vậy chúng ta không chỉ yêu cầu các trường sư phạm phải đổi mới và đi trước một bước. Cái khó nhất của chúng ta không phải đội ngũ mới được đào tạo mà là đội ngũ giáo viên đang giảng dạy hiện nay, hàng triệu con người, đào tạo lại họ mới khó. Như tôi đã nói CT có thay đến đâu nhưng giáo viên không đổi mới thì coi như là không”, GS. Đào Trọng Thi nói. |
Bình luận (0)