Mẹ Cam đang kể về lịch sử chiến thắng Thành cổ Quảng Trị cho cháu Nguyễn Văn Đới, (một trong 52 học sinh thuộc Hội Tình thương thanh thiếu niên) nghe
|
“Đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhất của kẻ thù, mệ sống như hạt gạo trên sàng và cuộc sống ấy không thuộc về mệ mà thuộc về quê hương, đồng đội. Vì thế, chừng nào mệ (bà) còn đi lại được thì chừng đó mệ còn làm việc có ích cho đời”, bà Phan Thị Cam, thương binh 1/4 ở xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) bộc bạch.
Trong thẳm sâu lòng người Hải Thượng, mẹ Cam là một người “đặc biệt”. Đặc biệt bởi ngày xưa, trong mưa bom bão đạn, quân và dân vùng đất này coi mẹ là một phần máu thịt của họ, của cách mạng. Còn bây giờ, thế hệ trẻ nơi đây coi mẹ là tấm gương để noi theo và vươn tới tương lai tốt đẹp. Chẳng vì thế mà ngoài cái tên mộc mạc Phan Thị Cam, mẹ còn được dân làng nhắc đến bằng cả niềm trìu mến “mẹ Cam Thảo”.
Quá khứ không thể nào quên
Những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, khu vực Triệu Hải là vùng địch hậu. Nhất cử nhất động của ta đều bị địch theo dõi sát sao. Hơn 10 tuổi, cô bé mồ côi mẹ Phan Thị Cam đã tham gia làm liên lạc trong lòng địch. Năm 20 tuổi, là Trưởng ban đấu tranh chính trị hợp pháp.
Suốt gần 10 năm (1945-1954), bằng trí thông minh, lanh lợi, cô bé Cam đã nhiều phen làm giặc điêu đứng. Năm 1954, sau hiệp định Genève, chúng ta đấu tranh với thực dân Pháp không chỉ trên mặt trận quân sự mà còn trên mặt trận chính trị, ngoại giao. Phong trào mít tinh rầm rộ diễn ra trên khắp cả nước. Tại Quảng Trị, bất chấp súng gươm của kẻ thù, Phan Thị Cam vẫn dẫn đầu đoàn người đấu tranh, hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo Bảo Đại, ủng hộ Hồ Chí Minh”. Năm đó cô du kích Phan Thị Cam tròn 24 tuổi, đã bị địch giam cầm 6 tháng. Sau mọi ngón đòn tra tấn, không lấy được lời khai cuối cùng chúng đành thả chị.
Ra tù hôm trước, hôm sau chị lại móc nối đường dây tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1956, chị lại bị bắt, bị tra tấn dã man. Ở nhà lao Quảng Trị, chúng giam chị trong nhà giam bằng thép gai, không gian hẹp đủ cho một người nhỏ bé lọt thỏm vào giữa, hễ nhúc nhích là bị gai cào tứa máu. Sợ chị tự tử, chúng lột sạch quần áo trên người chị. Nhưng trước sau chị vẫn kiên trung, vẹn nguyên một tấm lòng cộng sản. Điệp khúc bị bắt – tra tấn rồi thả ra lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc đời chiến đấu của chị. Lần thứ 4, chị bị địch bắt và giam cầm suốt 6 năm ở khu trù mật thuộc vòng ngoài nhà giam Lao Bảo. Mãi đến năm 1962, chị vượt ngục tìm về căn cứ của ta ở bản PrinC thuộc vùng rừng miền Tây Hướng Hóa, Đakrông tiếp tục hoạt động. Những năm tiếp đó, chị đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau: từ Tổ trưởng đội thanh niên xung phong gùi cõng hàng hóa, đạn dược băng rừng lội suối tiếp sức cho bộ đội ta tận Quảng Nam, Đà Nẵng, rồi quay về là làm nhiệm vụ tại Cơ quan Dân vận tỉnh. Sau đó, chị được biệt phái về làm huyện ủy viên huyện Hải Lăng, trực tiếp lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh phá ấp chiến lược. Năm 1970, chị vinh dự được Đảng, Nhà nước cho đi tham quan các nước bạn Liên Xô, Bungary, Hungary. Sau chuyến đi ấy, nữ du kích Phan Thị Cam trở lại miền Nam tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến ngày đất nước hòa bình.
Hội tình thương mang tên Cam Thảo
Ngày hòa bình, ngoảnh lại tuổi thanh xuân đã qua tự bao giờ, mẹ về dựng một căn nhà lá ở làng, sống một mình và tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Chiến tranh đã đi qua, bầu trời đã im tiếng bom nhưng những vết thương sắc cạnh vẫn khiến lòng ta buốt xót. Những trận đòn thù dã man của bọn ác ôn ngày nào tưởng đã lùi vào dĩ vãng bỗng trỗi dậy quẫy đạp trong thân thể mẹ. Tiếng bom đạn đì đùng, tiếng máy bay B52 ầm ào gầm rú trong đầu khiến mẹ nhiều lần ngất đi. Lúc tỉnh dậy mẹ lại chui xuống gầm giường, rồi xông thẳng ra sân hô lệnh bắn hạ máy bay. Bệnh tật cứ thế hành hạ mẹ Cam suốt 10 năm ròng rã. Nhưng nghị lực phi thường của một người từng đi qua chiến tranh như một phép mầu đã giúp mẹ chiến thắng bệnh tật. Một buổi sớm mùa thu đẹp trời năm 2001, trong lúc ngồi bên bậc cửa nhìn lũ trẻ quần xanh, áo trắng, tay cầm cờ tổ quốc rộn ràng đến trường khai giảng năm học mới, mẹ chợt tỉnh lại. Trí nhớ mẹ dần hồi phục!
Những năm trở lại đây, mặt trái của cơ chế thị trường mang đến nhiều thói hư tật xấu cho thế hệ thanh thiếu niên, như: hút thuốc, uống rượu, trộm cắp vặt… Trẻ em quê mẹ cũng không ngoại lệ. Trăn trở trước lời dạy của Bác Hồ “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, mẹ quyết định dành những đồng lương thương binh của mình để thành lập “Hội Tình thương thanh thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” nhằm tập hợp, giáo dục, rèn luyện đạo đức, nâng cao kết quả học tập cho các cháu.
Ban đầu các bậc phụ huynh không hiểu lắm về việc làm của mẹ, các em học sinh thì không muốn gia nhập hội vì đã quen chơi bời, nay không muốn bị gò ép. Thế nhưng, bằng những lời lẽ có tình, có lý, mẹ đã thành công trong việc thuyết phục hội viên. Đầu tiên có 3 cháu xin vào hội, sau đó các cháu lần lượt xin vào theo. Đó là năm 2005.
Mỗi tháng các cháu trong hội sinh hoạt một buổi vào tối thứ bảy để nghe mẹ Cam kể chuyện lịch sử và giãi bày mọi thắc mắc về cuộc sống. Hàng năm, cứ đến Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi mẹ đều trích tiền lương thương binh của mình mua quà tặng cho các cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi và tổ chức cho các cháu vui chơi. Ngoài ra, mẹ còn phân cho mỗi cháu 30 ngàn đồng. Số tiền này các cháu dùng nuôi gà, vịt…, lợi nhuận thu được mỗi năm sẽ trích ra 100 ngàn đồng nộp lại cho hội làm quỹ để tổ chức đi tham quan các di tích lịch sử. Đến nay, hội tình thương của mẹ Cam đã có 58 hội viên. Trong đó, 5 “siêu quậy” của thôn đã trưởng thành và thi đỗ đại học. Mỗi tháng các cháu đều viết thư hỏi thăm mẹ và động viên các em nhỏ học hành chăm ngoan.
Nghe mẹ kể chuyện, tôi chợt ngộ ra rằng, cái lẽ “được – thua”, “mất – còn” ở trên cuộc đời này là chuyện muôn thuở, nhưng cái “còn” quý giá nhất ở mẹ – người cộng sản kiên trung ấy là sức sống, niềm yêu đời và hơn hết thảy là sự khôn lớn, trưởng thành, chăm ngoan và hiếu thảo của con cháu.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)