Bác sĩ Nguyễn Đình Phú cùng vợ
|
Một lần ghé thăm phòng làm việc của Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, tôi thấy bác sĩ Nguyễn Đình Phú đang mân mê mấy khúc gỗ được gắn kết với nhau giống như một phần của bộ xương người trong phòng thí nghiệm. Trò chuyện hồi lâu tôi mới biết đó chính là bộ mô hình do bác sĩ Phú tự thiết kế để phục vụ cho đề tài: “Nghiên cứu điều trị gãy kín mâm chày loại 56 theo phân loại của Schurker bằng khung cố định ngoài cải biên”.
Với một người “ngoại đạo” như tôi, những “khúc xương” ấy chẳng có gì đáng quan tâm nhưng đó là cả kho “gia tài khoa học” của anh.
Nghiên cứu vì… bệnh nhân
Đầu năm 2004, anh đã lên ý tưởng nghiên cứu cách điều trị đầu trơn xương chày (xương đầu gối) để khắc phục phần nào những hạn chế mà ngành y đang còn vướng. “Phẫu thuật xương chày rất phức tạp do vị trí đặc biệt và chức năng quan trọng của nó. Ngoài tay nghề cao, đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo và biết quyết định đúng đắn trong quá trình mổ. Một chút sơ suất có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như dễ gây ra chấn thương lớn, tạo ra nhiều mảnh và đặc biệt là đường gãy phạm mạnh vào khớp”, bác sĩ Phú chia sẻ.
Không chỉ khó khăn trong cách điều trị và nắn chỉnh mà quá trình phục hồi chức năng sau khi điều trị của người bệnh cũng rất hạn chế. Bác sĩ Phú cho biết: “Các phương pháp kinh điển như mổ hở để gắn nẹp và ốc vít như trước đây dễ gây biến chứng nhiễm trùng sau mổ mặc dù bỏ ra nhiều công sức và chi phí cao”. Một khó khăn khác mà ai cũng biết là khung dạng tròn được nhập từ nước ngoài giá thành thường cao hơn nội địa và không phải lúc nào cũng có sẵn. Khó khăn này khiến ông trăn trở bao đêm. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp cầm dao mổ, bác sĩ Phú đã âm thầm nghiên cứu cách điều trị đầu trơn xương chày hiện đại mong tìm ra một “lối đi” mới nhất cho bệnh nhân. Thế rồi bài toán khó cũng có lời giải khi ông mày mò làm ra nhiều thiết bị chuyên môn mới. Chính nhờ cách đặt khung cố định bên ngoài ổ gãy và điều trị nắn chỉnh dưới màn tăng sáng giúp ca mổ khắc phục được các hạn chế trên. Cách điều trị này giúp bệnh nhân không cần phải bó bột như trước đây nên không để lại di chứng cứng khớp gối về sau. Nhờ vậy còn ngăn ngừa được chứng loãng xương, teo cơ và thoái hóa khớp. Áp dụng phương cách mới, người bệnh không những đỡ đau đớn hơn mà còn hạn chế được rất lớn tình trạng nhiễm trùng sau mổ và chức năng phục hồi đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó cách điều trị mới cũng “kinh tế” hơn bởi thay vì trước đây phải chi không dưới 10 triệu đồng thì giờ đây bệnh nhân chỉ trả phí hơn 2 triệu đồng. Từ thành công đó, đề tài thiết thực này đã giúp bác sĩ Phú tiến thêm một bước là bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình.
Không ngại gian lao bước tiếp
Tuy đã gần 8 năm trôi qua nhưng đến nay bác sĩ Phú vẫn nhớ như in ca mổ đầu tiên vào ngày 30-8-2004 cho nữ bệnh nhân mang tên Nguyễn Thị Hồng Na. Cũng giống như các bệnh nhân khác khi mới nhập viện, chị Na bị gãy đầu trên hai xương cẳng chân mà theo hồ sơ bệnh án là gãy mâm chày độ 6. Nhờ áp dụng cách điều trị bằng khung cố định ngoài tự chế của bệnh viện mà sau một tháng, chị Na đã hồi phục. Khi chị qua Đức tái khám, các chuyên gia nước ngoài đã tỏ ra thán phục cách điều trị mới của y học Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Huế, “tân bác sĩ” Nguyễn Đình Phú về công tác tận Bệnh viện Long Khánh (một huyện vùng xa của tỉnh Đồng Nai). Dù say mê với công tác nghiên cứu nhưng lúc này điều kiện chưa cho phép nên anh đành “nuôi mộng”. Cho đến năm 1996 khi được chuyển về làm việc tại TP.HCM, anh mới có cơ hội nâng cao hơn trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Từ đó, vị bác sĩ trẻ say mê nghiên cứu để từng bước nâng cao tay nghề, tiếp cận với công nghệ hiện đại của ngành y học thế giới. Khi danh sách 16 người dự thi được công bố, anh là một trong ba người hiếm hoi đậu vào lớp sau đại học. Thế nhưng đó chưa phải là điểm dừng của người bác sĩ mê… học. Năm 2006, anh làm tiếp chương trình nghiên cứu sinh để ba năm sau có thêm tấm bằng tiến sĩ trong tay. Chính nhờ làm chủ được tri thức khoa học kỹ thuật tiến bộ mà anh đã thành công hơn trong việc đưa ra các sáng kiến phục vụ tốt việc khám và chữa bệnh trong khoa. Sau những ca mổ căng thẳng, anh đến một số bệnh viện tuyến dưới, trường quân y để truyền thụ tri thức cho các bác sĩ trẻ.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Các đồng nghiệp nói bác sĩ Nguyễn Đình Phú là nhịp cầu nối giúp đội ngũ thầy thuốc mới vào nghề vững tin công tác. Sau một thời gian “cầm tay chỉ việc”, đến nay anh đã thật sự an tâm khi đội ngũ kế cận như bác sĩ Nguyễn Cao Việt (điều trị vi phẫu thuật), Nguyễn Hữu Tâm (điều trị gãy xương chấn thương), điều dưỡng Bùi Hữu Tâm (chuyên viên nắn chỉnh bó bột), điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngoan… đã đủ tầm gánh vác những trọng trách lớn lao của bệnh viện. |
Bình luận (0)