Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tay nâng niu ly… “rượu độc”!

Tạp Chí Giáo Dục

Sau quá trình dài điều tra quá trình sản xuất, phù phép, vận chuyển đi nơi khác bán buôn bán lẻ “rượu cồn” ấy, tôi chỉ còn biết chua xót kêu lên: Không tưởng tượng nổi!

Sự tàn ác của những kẻ sản xuất hàng hóa độc hại để cho đồng loại… nhâm nhi uống trực tiếp vào miệng thì đã đành. Cái đáng sợ hơn là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của lực lượng hữu quan trong việc để “làng rượu” chế ra hàng nghìn lít mỗi ngày kia nghênh ngang “tồn tại và phát triển” suốt 15 năm qua.

Cảnh pha rượu ở Đại Lâm, người phụ nữ này dùng cái gậy để đo mức nước lã xả vào phuy, trước khi trộn cồn làm thành rượu.
“Rượu lạ” tác yêu tác quái 
Cuối tháng 10/2012, bây giờ chưa phải mùa yến ẩm tiệc tùng tết nhất, nên làng rượu Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không đến mức quá sôi động. Nơi đây được mệnh danh là những “pháo đài rượu rởm”. Cả làng có một trục đường chính bị phá vỡ tơi bời bởi những chiếc xe chở cồn về rồi pha nước lã biến nó thành rượu mang đi bán khắp muôn phương. Cao điểm, một ngày cả nghìn lít rượu được khênh ra khỏi làng. 
Theo ông Nguyễn Văn Lai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, một nghệ nhân từng được giải nhì cuộc thi nấu rượu truyền thống toàn quốc năm 2010, thì: Suốt 15 năm qua, làng Đại Lâm phải “đổ” ra thị trường, đổ vào mồm ẩm khách “hàng… tỉ lít rượu” rồi. Nó là thứ rượu gì? Rượu gì mà khi chế biến, làng không cần nổi lửa, không cần vòi muỗng hay men lá, men Bắc, gạo sắn gì cả? Rượu cồn! Nó được pha từ cồn trôi nổi. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tôn nói chắc nịch: Nó “là cồn công nghiệp”! 
Chúng tôi hóa trang thành chủ hệ thống nhà hàng ở Hà Nội lên đặt rượu rẻ về bán kiếm lời, một bà chị pha rượu cồn cho biết: Nếu bán buôn, chỉ 7.000 đồng/lít rượu. Nó rẻ hơn cả một lít nước… đóng chai. Mua bao nhiêu cũng có. Cứ gọi điện chị sẽ cho xe tải mang về. Thích rượu bao nhiêu độ thì pha nhiều hay ít nước vào cồn, thế là xong, càng nhiều nước rượu càng nhạt. Rượu cồn bóp chết làng rượu sắn, rượu gạo truyền thống, đã nức tiếng, phát tài phát lộc từ thời thuộc Pháp ở Đại Lâm.
 
Ống tre có nhiệt kế đo độ rượu sau khi pha. 
“Làm sao những người nấu rượu tử tế bằng nếp cái hoa vàng như chúng tôi “trụ” được với rượu cồn hả chú. Họ bán nước lã thu tiền triệu mỗi ngày”, ông Nguyễn Văn Viễn, ngoài 70 tuổi thở dài. Tất cả những người chúng tôi phỏng vấn ở cái làng từng có 600 hộ nấu rượu nuôi lợn đó đều chung một cảm giác căm thù bọn “rượu cồn”. Làng quê nháo nhác, thanh niên mất nghề bỏ đi kiếm ăn xa, làng chỉ còn vài người lọm khọm ở lại tiếc cho cái nghề thanh tao trưng cất “Đại Lâm mỹ tửu”. 
Những ngày lăn lộn mọi ngõ ngách ở Tam Đa, chúng tôi đã quay phim, chụp ảnh được hầu như toàn bộ công đoạn ma mãnh của các đại lý “rượu độc”. Công thức hết sức đơn giản: Cồn mang về bằng xe tải, ném các phuy khổng lồ xanh lè xuống đường làng. Cứ thế cắm tuyô: Hút cồn ra; cắm tuyô nữa: Bơm nước lã vào. Máy hút nước từ bể, từ vòi chạy ào ào. 
Năm ngoái, máy bơm Trung Quốc chạy hết công suất, máy nóng quá, cồn 90 độ bị tia lửa điện “đánh”, cháy đùng đùng, con trai chủ nhà phải nhập Viện Bỏng quốc gia. Một phuy cồn 300 lít, hút 200 lít ra, đổ bù 200 lít nước lã vào. Trộn hóa chất hương liệu nữa, thế là có phuy rượu 300 lít đi bán khắp cả nước. Vì là cồn trộn nước khuấy đều, nên 1.000 chén rượu cồn uống như nhau cả… nghìn chén. 
Một tài xế người địa phương chuyên chở rượu từ Đại Lâm về Hà Nội, đi Thanh Hóa, Huế… bán buôn, tiết lộ: Ở khu Cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội có một cái làng sản xuất và bán buôn miến dong. Tôi từng nhiều năm chở rượu Đại Lâm đến đó đổ buôn. Từ đây, rượu cồn được pha thêm nước lã, phù phép thành rượu nếp bằng cách nấu cơm nếp nghiền ra, đổ ít đường hóa học cho ngòn ngọt trộn cả vào. Nếu cần rượu nếp cẩm thì nấu cơm nếp cẩm nhét vào. 
Đặc biệt, rượu Hương Cốm đang thịnh hành, ta ra chỗ chợ hóa chất, mua chai nước trong vắt, nhỏ vào rượu cồn vài giọt là “hương cốm mới” sẽ sực nức các cuộc nhậu túy lúy. Rượu thuốc, rượu dân tộc, nhớ bỏ thêm ít thuốc bổ phế kèm theo vài cái lá lẩu, cốt chính vẫn là rượu cồn hết. 
Ẩm khách phải giãy đành đạch thì mới… sợ? 
Trong vai một ông chủ khu ăn chơi cần “suối” rượu rẻ tiền thu bộn lãi, các “đại lý” buôn rượu ở Thanh Trì đã tiết lộ đủ thứ mánh khóe trước ống kính ngụy trang của chúng tôi. Mẫu rượu được thu về, gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế. Ngày 5.10.2012, TS Lê Thị Hồng Hảo – Phó Viện trưởng viện này – đã ký (đóng dấu) vào kết quả kiểm nghiệm. 
Đem tài liệu này đến gặp TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi nghiên cứu văn bản, vị TS này cho biết: Mẫu rượu không đạt chất lượng để uống. Bởi lượng methanol và aldehyd như kết quả kiểm nghiệm cho thấy là rất cao, có thể gây tử vong, mù mắt… 
Khi làm việc với chính quyền xã, đặc biệt là Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi chỉ nhận được những lời bất lực hoặc… ngụy biện đến ngỡ ngàng. Ông Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa, bảo: “Họ cứ “pha rượu cồn”, chúng tôi nhắc thì họ bảo, ông A làm được, thì ông B cũng làm chứ. Nhà nước chả có văn bản nào cấm pha nước lã với cồn công nghiệp để làm rượu cả. Chúng tôi căn cứ vào đâu để dẹp họ?”. 
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Bắc Ninh, thì một mực khẳng định: “Rượu kia bán ở Đại Lâm chỉ có 5.000 đồng/lít, nhưng nó đảm bảo”. Cồn ấy là cồn thực phẩm, được phép pha thành rượu bán, nước ấy là nước máy, mà nước máy ở Bắc Ninh này thì đạt tiêu chuẩn uống trực tiếp luôn”. 
Đường làng tràn ngập phuy rượu và cồn khổng lồ  
Khi được hỏi, các ông đã lấy mẫu cồn, mẫu rượu cồn đó đi xét nghiệm chưa, thì ông này thật thà thú nhận là “chưa”. Khi hỏi, căn cứ vào đâu ông biết cồn ở Đại Lâm là cồn thực phẩm tinh khiết – ông Hùng vẫn… tự tin: “Vì tôi nghe người nấu rượu người ta nói nhỏ vào tai tôi là như vậy. Vả lại nếu pha cồn công nghiệp độc hại thì người uống chết ngay, biết ngay, đằng này 15 năm không có ai… chết cả” (!?). Chao ôi, chắc phải đợi khách uống xong giãy đành đạch thì mới là rượu độc! 
Sau khi có mẫu xét nghiệm mẫu như đã kể, chúng tôi đem băng ghi âm cuộc phỏng vấn chính thức ông Tôn, ông Hùng ở trụ sở của các vị ấy về gặp TS Nguyễn Duy Thịnh và TS Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Hai ông này kêu trời, một ông còn thở dài, “Anh nào nói thế là chả hiểu quái gì”. Nước máy ở Bắc Ninh không bao giờ là thứ có thể pha vào cồn làm rượu uống luôn. Pha cồn công nghiệp để uống thì đúng là cực kỳ nguy hiểm. “Cơ quan chức năng ở đâu? Xã không giải quyết được thì phải báo cáo cấp trên ngay chứ…”, ông Duệ tâm huyết nói. 
Ông Thịnh còn chi ly: Giá cồn thực phẩm tinh khiết để pha thành rượu được, bây giờ khoảng 80.000-100.000 đồng/lít. Nếu công thức ở Đại Lâm được thực thi (giả dụ thay nước lã bằng nước tinh khiết) thì một lít cồn sẽ pha được 3 lít rượu, chưa “ăn lãi” thì rượu đó tối thiểu cũng có giá hơn 30.000 đồng/lít. Rượu pha từ cồn bán 5.000 đồng/lít như ông Hùng nói thì nhất định là làm bằng cồn công nghiệp. “Cồn đó để pha vào xăng bán nhằm tăng thể tích, thì rõ ràng nó phải rẻ hơn xăngv- hơn 20.000đồng/lít”, ông Thịnh nhấn mạnh. Vả lại, hầu hết cồn của các nhà máy mía đường là cồn công nghiệp, đúng như chủ đại lý rượu và cán bộ xã tiết lộ. 
Một “làng rượu cồn” tồn tại đã 15 năm, nhiều triệu lít “rượu độc” được đổ vào mồm người uống khắp cả nước, nhưng tại sao không ai kiểm nghiệm hay ngăn cấm pha cồn trôi nổi với nước lã một cách “quái dị” này? Có lẽ, nếu họ pha lá ngón, thuốc trừ sâu vào nước đem bán, làm kiểu gì thì làm, đi bán ở đâu thì bán, mạnh ai nấy bán, dại ai đấy uống: Cứ “sống chết mặc bay” thế ư? 
Theo Lãng Quân
Lao động 

 

Bình luận (0)