Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bỏ ngỏ giáo dục thể chất – Kỳ 2: Nâng cao trí lực, bỏ quên thể lực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giáo dục thể chất đóng vai trò quan trọng hình thành ý thức rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe. Thế nhưng ở nhiều trường học tại TP HCM, giờ thể dục đang bị cắt xén và chất lượng buổi tập ngày càng đi xuống.

Trong khi đó, dù đã được đưa vào giờ học chính khóa nhưng thời lượng dành cho môn học này rất hạn chế, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông chỉ hai tiết một tuần. Hơn nữa, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học trong nhà trường rất nghèo nàn.
Ít thời gian cho môn học
Theo khảo sát của Đất Việt, hiện hầu hết các trường đều thiếu sân tập rộng rãi cho học sinh, nhiều trường  cũng  thiếu luôn cả dụng cụ tập luyện. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy thể dục cũng thiếu, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Nếu ở các bậc học THCS-THPT, mỗi trường thường có một đến hai giáo viên chuyên trách giáo dục thể chất thì ở bậc tiểu học, ở nhiều trường giáo viên chủ nhiệm thường kiêm luôn việc dạy thể dục. Chưa bàn đến chất lượng giảng dạy ra sao, nhưng chỉ cần việc giáo viên chủ nhiệm không có chuyên môn, dạy không đúng, học sinh tập sai thì việc rèn luyện thể dục cũng phản tác dụng.
Một cán bộ ngành giáo dục quận Tân Phú TP HCM, cho biết việc thiếu giáo viên là do phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế của Nhà nước. Như quy định hiện nay, một trường có 30 lớp chỉ có 33 giáo viên, trong đó 30 giáo viên phụ trách, ba giáo viên còn lại sẽ dành cho nhiều môn khác như: nhạc, họa… Đồng tình với quan điểm trên, cô V. T.Th, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, nhận định: dẫu biết là giáo dục thể chất rất cần cho các em, nhất là các em đang độ tuổi phát triển mạnh ở bậc tiểu học. Thế nhưng do nhiều điều kiện khách quan, chúng tôi đành “lực bất tòng tâm”. Cô Th đưa ra lý giải, chương trình chỉ bố trí hai tiết một tuần nhưng có những trường có 40 – 50 lớp mà chỉ có một sân tập thì làm sao bố trí cho học sinh học? Chưa kể đến những lớp học hai buổi một ngày chỉ bố trí một tiết dạy thể dục trong một tuần là đã kín lịch.

Nhiều nơi đã cắt xén giờ học giáo dục thể chất. Ảnh: Trung Kiên

Coi giáo dục thể chất như môn phụ
Không chỉ do thiếu sân tập, thiếu giáo viên mà ngay cả ý thức dạy và học môn giáo dục thể chất cũng chưa được coi trọng. Chương trình dạy mang tính hình thức, lượng vận động quá ít, không hấp dẫn khiến học sinh không thích học. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Bùi Thanh Hùng, giáo viên Trường THCS L.H (quận Tân Bình), đưa ra nhận xét: phần lớn giáo viên thể dục chỉ chú ý dạy động tác chứ không xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giới tính. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả chất lượng dựa trên kết quả bài tập chứ không dựa trên sự phát triển về thể lực và sức khỏe học sinh. Chính vì vậy giáo dục thể chất được dạy như là sự bắt buộc, thiếu phương pháp khoa học. Thậm chí, nhiều nơi dạy “cho có” chứ không nhằm chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Đặc biệt, ở bậc THCS – THPT có nhiều trường thường đặc cách “miễn” cho học sinh thuộc các lớp chuyên, các lớp đội tuyển nên vô tình khiến học sinh có ý thức coi giáo dục thể chất là môn phụ, hệ quả của điều này là thể trạng của HS ngày một yếu đi.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác xuất phát từ chính gia đình HS khi nhiều bậc phụ huynh chạy theo tâm lý bằng cấp, muốn con học hành đỗ đạt cao mà không quan tâm đến thể lực của các em. Cô Nguyễn Th. Ph. Loan, phụ huynh một học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, cho biết: “Quan trọng bây giờ là học lấy kiến thức, chứ một ngày con tôi học đến ba ca thì thời gian đâu mà thể dục với thể thao”.
Có lẽ, bởi những suy nghĩ như thế mà nguồn nhân lực Việt Nam đang được các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đánh giá là có “thể trạng rất yếu”.

Theo Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)