Dù vui, dù buồn nhưng mỗi sự kiện làm xôn xao dư luận trong năm qua đều tác động nhất định đến sự chuyển biến, điều chỉnh nền giáo dục nước nhà.
GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields
Ngày 19.8, tại Hội nghị Toán học thế giới diễn ra ở Hyderadad (Ấn Độ), giải thưởng Fields được trao cho nhà toán học mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam là Ngô Bảo Châu. Hưởng lợi ích trực tiếp từ sự kiện trên là việc Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2030. Tiếp sau đó, ngày 23.12, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, đồng thời ban hành quy chế hoạt động của viện với nhiều quy định khác biệt với các viện nghiên cứu khoa học hiện hành.
Từ năm học 2010-2011, sinh viên bắt đầu đóng học phí theo khung mới và tăng dần đến năm 2015 – Ảnh: Đ.N.T
Khởi động một loạt đề án lớn
Năm học 2010 – 2011 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện một loạt đề án lớn: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 đối với học sinh tiểu học; bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên…
Trong đó, đề án phổ cập giáo dục mầm non gây ra nhiều tranh luận khi các địa phương thiếu trầm trọng nhà trẻ công lập để cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp yên tâm gửi con để đi làm. Điều này dẫn đến tình trạng ra đời những nhóm nuôi trẻ tại gia không đủ chất lượng khiến nhiều trẻ em bị ngược đãi.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT cao bất thường
Nhiều ý kiến cho rằng sau 3 năm thực hiện phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 có chiều hướng quay lại mốc cao ngất ngưởng trước đây. 6 địa phương đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99% năm nay cũng là 6 trong số 9 địa phương đạt tỷ lệ 99% trở lên của năm 2006. Những tỉnh khi mới bắt đầu thực hiện “hai không” (các năm 2007, 2008) có kết quả đỗ tốt nghiệp THPT rất thấp (dưới 50%) thì năm 2010 đã “bứt phá” để trở thành những nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90% – con số này còn cao hơn kết quả của chính những tỉnh đó đạt được vào thời điểm 2006.
Quốc hội giám sát chất lượng ĐH
Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một chuyên đề giám sát chung về chất lượng giáo dục ĐH trên quy mô toàn quốc. Mục tiêu của đoàn giám sát là đánh giá tổng thể về các vấn đề: thành lập trường, đầu tư cho giáo dục ĐH và thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Báo cáo giám sát đã được đọc tại phiên toàn thể của kỳ họp Quốc hội vào tháng 6.2010, nêu lên một số vấn đề nổi cộm của giáo dục ĐH, đặc biệt là việc mở trường, mở ngành ồ ạt dẫn tới chất lượng không theo kịp quy mô phát triển. Sau báo cáo giám sát này, Quốc hội đã ra một nghị quyết nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH.
Bạo lực học đường gia tăng
Năm 2010 cũng là năm xuất hiện nhiều cảnh quay, đoạn ghi âm phản ánh hiện tượng xấu trong giáo dục như học sinh bị đánh hội đồng, bảo mẫu hành hạ trẻ, cô giáo chửi học sinh…
Sự kiện đầu tiên gây xôn xao dư luận là clip nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị đánh được tung lên mạng hồi tháng 3. Sau sự kiện này, một loạt cảnh quay học sinh đánh nhau; giáo viên chửi bới, lăng mạ học sinh… được các mạng xã hội chuyển tải. Trước làn sóng bức xúc của dư luận, tháng 7.2010, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã tổ chức một hội thảo cấp quốc gia đề cập thẳng vào vấn đề: “ngăn ngừa tình trạng học sinh đánh nhau”. Hội thảo không chỉ có riêng ngành GD-ĐT ngồi bàn với nhau để tìm giải pháp mà còn có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan.
Điều chỉnh khung học phí
Từ năm học 2010 -2011, hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp và CĐ, ĐH trên toàn quốc bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh học phí theo khung học phí mới. Mức thu học phí của các cơ sở đào tạo công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Năm học 2010 – 2011, mức trần học phí ĐH là 290.000 – 340.000 đồng/tháng/sinh viên và tăng dần theo từng năm, tới mức 550.000 – 800.000 đồng/tháng ở năm học 2014 – 2015.
Học phí phổ thông cũng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này do từng địa phương quyết định nên trong năm học 2010 – 2011, cả nước mới chỉ có khoảng gần 20 địa phương thực hiện điều chỉnh học phí.
Mổ xẻ vấn đề “đạo văn”
Có thể nói 2010 là năm có nhiều sự kiện liên quan đến việc “đạo văn” trong học thuật. Đầu năm, nổi lên sự kiện GS Trần Ngọc Thơ phản ánh giáo trình Tài chính quốc tế của PGS – TS Phan Thị Cúc và một số tác giả trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xuất bản năm 2008 có nhiều nội dung sao y giáo trình Tài chính quốc tế của trường ĐH Kinh tế TP.HCM do ông chủ biên, xuất bản năm 1996. Sau đó, nhiều dẫn chứng lại cho thấy giáo trình Tài chính quốc tế của GS Thơ lại “đạo” giáo trình International Financial Management của GS Jeff Madura – trường ĐH Florida (Mỹ).
Gần cuối năm, giới khoa học trong và ngoài nước lại xôn xao trước sự kiện 2 tạp chí uy tín về vật lý trên thế giới đã có tuyên bố rút lại bài báo đã được đăng do tác giả đạo văn. Đó là bài báo Was the fine-structure constant variable over cosmological time? (tạm dịch: Hằng số tương tác điện từ có thay đổi theo thời gian?) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao, N.T.Hung và Trần Văn Hùng.
Xem lại chất lượng hệ tại chức
Cuối năm 2010, UBND TP Đà Nẵng ra thông báo từ năm 2011, các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước của thành phố này sẽ không nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc. Đa số ý kiến cho rằng đây là một quyết định chưa phù hợp với Luật Cán bộ, công chức hiện hành; không công bằng đối với hệ đào tạo tại chức.
Tuy nhiên, sự kiện này là hồi chuông cảnh báo về chất lượng đào tạo tại chức, vốn từ lâu đã khiến dư luận lo ngại. Bộ GD-ĐT đã bắt đầu có những động thái nhằm siết lại chất lượng của hệ đào tạo này. Trong tháng 12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu hệ tại chức trong năm 2011 để củng cố, nâng cao chất lượng.
Theo Thanh Nien
Bình luận (0)