Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Cô tiên” dạy nói bằng tay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Đến với ngôn ngữ ký hiệu một cách tình cờ nhưng tình yêu trẻ và sự đồng cảm với những mảnh đời không may mắn đã giúp Vũ Thanh Thuỷ, giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu tại Chi hội Điếc Hà Nội gắn bó với công việc đặc biệt này gần chục năm nay. Mỗi khi nhắc đến Thủy, mọi người đều gọi bằng cái tên thân thương: "Cô tiên" của trẻ em khiếm thính.
Sau gần nửa giờ đồng hồ mò mẫm hỏi đường, chúng tôi mới đến được chỗ ở của Thủy. Đó là căn phòng rộng không quá 10m2 nằm trên gác hai của một ngôi nhà cũ kỹ trong con ngõ chật hẹp ở tổ 46, Đê La Thành. Suốt hơn hai giờ đồng hồ trò chuyện với chúng tôi, Thủy nói hầu như không nghỉ. Vừa dùng miệng, Thủy vừa ra ký hiệu bằng tay. Thói quen giao tiếp này, chị đã "nhiễm" từ những ngày đầu đi dạy ngôn ngữ ký hiệu. "Bệnh nghề nghiệp ấy mà. Quen mất rồi. Nếu chỉ cho cái miệng nói, cái tay nó sẽ ghen tức, không chịu được", Thủy giải thích một cách lém lỉnh.


Vũ Thanh Thủy đang làm thông dịch tại Chi hội Điếc Hà Nội.

Từ học sinh trở thành… cô giáo
Thủy bắt đầu đến với ngôn ngữ ký hiệu trong một lần tham gia tình nguyện cùng nhóm sinh viên tình nguyện tại Chi hội Điếc Hà Nội năm 2003. Khi đó, Thủy đang là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Văn hóa. "Thời gian đầu mình không có ý định tìm hiểu sâu về ngôn ngữ ký hiệu. Chỉ nghĩ rằng mình đi tình nguyện, đến đỡ đần công việc cho mọi người ở đây là chính. Còn học được "chữ" nào hay "chữ" nấy. Đem về khoe với bạn bè cùng lớp cho vui thôi. Thế mà chẳng hiểu sao, càng học càng ham. Mà học nhanh lắm. Có những ký hiệu khó, mọi người phải học đi học lại hàng chục lần mới nhớ, còn mình chỉ một vài lần là có thể làm được. Mà cách truyền đạt của mình cũng linh hoạt, rất dễ hiểu. Các anh chị ở Chi hội cứ trêu là mình có "duyên tiền định" với ngôn ngữ ký hiệu", Thủy nhớ lại.
Thấy Thủy có khả năng sư phạm, một thành viên của Chi hội Điếc Hà Nội đã giới thiệu Thủy đến làm gia sư cho một gia đình có trẻ em bị điếc bẩm sinh. Và cái nghiệp làm cô giáo dạy "chữ" của Thủy cũng bắt đầu từ đó. "Mặc dù rất tự tin với khả năng ngôn ngữ ký hiệu của mình, nhưng thời gian đầu mới đi dạy, mình vẫn bị "mắc tóc". Giữa dạy và học là cả một khoảng cách lớn khó san lấp. Vì thế, mình bắt đầu lao đi tìm sách, tìm tài liệu để "nâng cấp" trình độ. Vừa đọc sách vở, cập nhật "từ mới", mình vừa tranh thủ nhờ các anh chị ở Chi hội phụ đạo thêm. Từ cách giao tiếp với người khiếm thính sao cho gây được thiện cảm nhất đến cách lắng nghe họ sao cho nhanh nhất. Tất cả đều phải học lại từ đầu", Thủy kể.
Sau một thời gian dạy học, phụ huynh của học trò được Thủy kèm cặp thấy con em mình tiến bộ nhanh đã giới thiệu thêm nhiều địa chỉ mới để Thủy đến dạy. Cứ thế, hết nhà này đến nhà khác; học trò này hoàn thành xong khóa học, có thể bắt đầu hòa nhập cộng đồng, học trò khác lại đến với Thủy. Có khi, Thủy phải dạy nhiều em cùng lúc, chạy đi chạy lại giữa các lớp đến bở hơi tai. Nhưng bù lại, Thủy có tình yêu thương của các em và sự tin cậy của phụ huynh. Đó chính là hai sợi dây bền chặt đã "trói" Thủy vào công việc dạy học đặc biệt này suốt từ đó đến nay. 

"Đừng bắt trẻ điếc phải nói"!

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Thủy nhắc đi nhắc lại câu nói này đến 2-3 lần. Thủy bảo đấy là một trong những nguyên tắc tối quan trọng đối với những người đi "dạy nói bằng tay". Thủy kể, một lần chị nhận dạy can thiệp sớm cho một cậu bé 3 tuổi ở Hà Nội, khi Thủy đến, cả gia đình đứa trẻ đều rơi vào trạng thái chán nản cực độ. Họ khẩn thiết yêu cầu Thủy phải làm cách nào đó cho con họ có thể nói được càng sớm càng tốt. Trước đó, khi đem con đi khám, biết con mình bị điếc bẩm sinh, cả hai vợ chồng đều bàng hoàng, hốt hoảng. Họ tìm mọi cách bắt con mình phải nói. Đến mức, đứa trẻ bị rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ tiếp xúc với mọi người.
Phải mất rất nhiều thời gian, Thủy mới có thể đến gần được cậu bé. Thủy thủ thỉ động viên, an ủi, khích lệ, tìm mọi cách để hiểu xem cậu bé muốn gì, muốn "nói" với mọi người điều gì rồi từng bước dạy nó thể hiện những điều đó bằng những ký hiệu của đôi tay. Khi đứa trẻ học được các kỹ năng đơn giản để giao tiếp với mọi người xung quanh, Thủy lại bắt đầu chuyển sang dạy… phụ huynh. Chị phân tích cho họ hiểu tâm lý của trẻ, bắt họ học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con mình. "Khi cả hai bên đã có cùng một ngôn ngữ thì việc giao tiếp trở nên hết sức đơn giản. Mình còn nhớ mãi cái hôm cha đứa trẻ dùng tay nói với con và được cậu bé đáp lại, cả gia đình họ đã vui mừng đến trào nước mắt. Từ lần đấy, mỗi khi đến gia đình nào dạy học, mình đều nói cho họ nghe kinh nghiệm này: Hãy học cách nói của đứa trẻ nếu muốn nói chuyện với chúng. Đừng bao giờ bắt trẻ điếc phải nói", Thủy tâm sự.
Đầu năm 2006, Chi hội Điếc Hà Nội chính thức mời Thủy về làm phiên dịch viên. Ngoài công việc phiên dịch trong các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn do Chi hội tổ chức, Thủy còn thường xuyên phải đi công tác xa. Từ Hải Phòng, Thái Nguyên… đến Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, mỗi khi có dự án hay hội thảo nào do các hiệp hội, chi hội người khiếm thính tổ chức, Thủy lại lên đường. Thời gian gần đây, do bận với công việc của Chi hội, Thủy không có nhiều thời gian dành cho việc dạy học nữa. Tuy nhiên, Thủy vẫn khẳng định, bất cứ khi nào sắp xếp được công việc của Chi hội và bố trí được thời gian, Thủy sẽ lại trở về với công việc dạy học quen thuộc của mình.
"Mình chưa bao giờ có ý định bỏ việc dạy học. Chính trong thời gian đi dạy, mình đã trưởng thành lên rất nhiều và đây cũng là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong đời mà mình có. Mình sẽ làm ở Chi hội một thời gian nữa, đến khi nào cảm thấy không còn sức cho những chuyến đi xa, mình sẽ trở về với công việc dạy học, lại tiếp tục với những công việc quen thuộc để đưa các em hòa nhập với cộng đồng", Thủy tâm sự. 

"Người như cô Thủy bây giờ ít quá"

Hiện, ở Chi hội Điếc Hà Nội, ngoài Thủy và anh Tiến (cũng là thông dịch viên), hầu như không còn ai có khả năng phiên dịch cũng như dạy ngôn ngữ ký hiệu. Thủy cho biết, từ khi chị về làm việc tại Chi hội Điếc Hà Nội, có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến nhờ chị dạy ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều người còn xin tài liệu về phục vụ cho việc nghiên cứu của họ. Nhưng tất cả đến rồi lại đi. Không có ai có đủ dũng cảm để theo nghề dạy "chữ" này.
Thủy cho biết: "Thường các bạn trẻ đến với ngôn ngữ ký hiệu chủ yếu do tò mò. Đến khi học sâu, thấy khó quá nên "chạy làng" hết. Cũng có một số ít tìm đến với mục đích nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Nhưng khi công trình của họ hoàn thành, họ cũng biến mất. Ngôn ngữ ký hiệu không phải là một thứ ngôn ngữ khó học, nhưng nó lại là thứ "tiếng" rất "kén" người. Để theo học được nó, không chỉ chịu khó mà phải có tình yêu thật sự. Có yêu mới đủ kiên nhẫn để tìm hiểu. Đến khi hiểu rồi càng yêu hơn. Riêng đối với mình, càng tiếp xúc với người khiếm thính, càng hiểu thêm về họ, mình càng cảm thấy khâm phục. Chính ý chí và nghị lực vượt lên số phận của những người như thế mới là điều mà tất cả những ai may mắn sinh ra lành lặn như chúng ta phải học hỏi rất nhiều".
Chị Nguyệt (Cầu Giấy – Hà Nội), mẹ đẻ cháu Hoàng Linh, một học sinh được Thủy dạy tâm sự: "Trước khi gặp cô Thủy, vợ chồng tôi đã đưa cháu đi khắp nơi từ Bắc vào Nam để chữa trị nhưng đều bất lực. Chúng tôi cũng đã nhờ các chuyên gia Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học sư phạm Hà Nội về dạy cho cháu nhưng cũng không hiệu quả. Suốt một thời gian dài, hai vợ chồng chỉ biết ôm cháu vào lòng mà khóc. Thế mà chỉ sau một thời gian được cô Thủy kèm cặp, cháu đã có sự tiến bộ nhanh chóng. Bây giờ thì cháu đã có thể giao tiếp và sinh hoạt bình thường với mọi người trong gia đình. Nếu không gặp được cô Thủy, chẳng biết gia đình tôi sẽ ra sao. Tiếc rằng người như cô Thủy bây giờ ít quá. Còn biết bao gia đình không may có con bị điếc ở vùng nông thôn, họ sẽ tìm đến ai để được giúp đỡ?".

Theo kinhtenongthon

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)