Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên chưa ý thức học tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM trong giờ tự học ngoại ngữ

Tiếng Anh là môn học quan trọng đối với sinh viên (SV) nhưng hiện nay có không ít SV vẫn xem nhẹ, học theo kiểu đối phó dẫn đến không theo nổi chương trình đào tạo.
Vấn đề đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho SV đã được bàn luận rất nhiều. Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM” mới đây, vấn đề này lại tiếp tục gây tranh cãi. Theo các đại biểu, có rất nhiều thách thức đối với công tác nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh cho SV. Thực hiện chương trình giảng dạy trong điều kiện người học có trình độ chênh lệch, nhiều nhu cầu và sở thích khác nhau được xem là bài toán khó cho người dạy khi lựa chọn giáo trình, phương pháp giảng dạy hay kiểm tra đánh giá. ThS Võ Đình Phước (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định: “Việc “bắt” SV có trình độ B, C học chung chương trình của trình độ A gây lãng phí và không tạo được động cơ học tập tốt cho SV. Mặt khác, việc để các SV thuộc vùng sâu, vùng xa… phải “tự bơi” ở các trung tâm ngoại ngữ nhằm bắt nhịp chương trình tiếng Anh tại trường cũng là sự thiếu quan tâm đối với các em. Khi vào chương trình chính, các em đuối sức và chỉ cầu mong thi cho đạt”.
Từ thực tế này, nhiều đề xuất tập trung vào việc xây dựng chương trình học thêm tại các trung tâm sao cho nội dung gắn kết và hỗ trợ chương trình tiếng Anh chính khóa sẽ giúp SV nắm bắt thuận lợi hơn. Điều này cũng hợp lý nếu dựa theo quan điểm tiếng Anh là một môn thực hành, yêu cầu người học phải liên tục vận dụng kiến thức. Thực tế, nhiều SV chưa thấy được vấn đề nêu trên, học tập một cách thụ động, phụ thuộc nhiều vào người thầy dẫn đến tình trạng thầy giỏi thì trò nắm được kiến thức và ngược lại.
Hiện nhiều trường quy định chuẩn TOEIC đối với SV tốt nghiệp. Đây cũng giống như một chứng nhận giúp SV có được lợi thế trên thị trường lao động. Tuy nhiên, chuẩn này là một thách thức lớn đối với các SV mất căn bản tiếng Anh từ bậc phổ thông. Mặt khác, việc xây dựng chuẩn TOEIC tại một số trường chỉ chú trọng vào khảo sát nhu cầu trình độ tiếng Anh của các doanh nghiệp trên thị trường lao động mà lại thiếu khảo sát nhu cầu, mục đích sử dụng tiếng Anh đối với hàng ngàn SV tốt nghiệp mỗi khóa. Cụ thể bao nhiêu trong số họ muốn sử dụng tiếng Anh để học lên, đi làm hoặc phát triển các kỹ năng giao tiếp văn phòng…
Bên cạnh giải pháp tăng cường chất lượng đào tạo Anh văn bậc phổ thông, nhiều nhà giáo dục cũng đặt vấn đề đầu tư nâng cao trình độ giảng viên thông qua việc đưa giảng viên ra một số nước để học tập kinh nghiệm, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tiếng Anh cho SV…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)