Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng để “chuột chạy cùng sào…”

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay việc ưu tiên chọn ngành nghề của học sinh đã thay đổi theo thời thế, song ngành sư phạm thì thời nào cũng phải là ưu tiên số 1. Ảnh: N.Q

Hồi còn bé, dù không hiểu gì nhưng tôi vẫn nhớ mấy câu “vần vè” mà người lớn hay đọc: “Nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua… chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Lớn lên một chút, mẹ tôi giải thích, mấy câu ấy có nhiều ý nhưng ý chính là “chê” ngành sư phạm. Quả thật, lúc ấy tôi không hiểu tại sao nhưng trong mắt tôi hình ảnh thầy cô luôn là những người gầy gò, khắc khổ. Tốt nghiệp lớp 12, mẹ lại khuyên tôi vào sư phạm. Mẹ tôi bảo giáo viên bây giờ không như ngày xưa, lương bổng cũng khá, con gái làm nghề ấy nhẹ nhàng, có thời gian chăm lo cho gia đình. Tôi nghe mẹ, thi vào ngành sư phạm ĐH Huế.
Năm ấy tôi thi trượt, được 17,5 điểm trong khi trường lấy tới 19 điểm. Quyết tâm học ĐH, tôi vào TP.HCM, lại đèn sách ôn thi. Tôi trở thành sinh viên trong niềm vui, niềm tự hào của cả gia đình. Chật vật để được vào trường ĐH, tôi đặt cho mình những mục tiêu để phấn đấu và bốn năm sau tôi ra trường với tấm bằng loại khá, vững bước trên con đường mình đã chọn cho đến ngày hôm nay. Trong đầu tôi luôn tin tưởng với một môi trường đào tạo tốt và đầu vào cao như sư phạm chắc chắn trong tương lai sẽ có rất nhiều những sinh viên giỏi ra trường và điều đó đồng nghĩa với sẽ có lớp lớp những học trò giỏi trưởng thành. Thế nhưng, cách đây hai năm, tôi được bố trí hướng dẫn thực tập cho các em sinh viên năm cuối… Tôi thật bất ngờ vì cách soạn giáo án thô sơ, những câu hỏi ngô nghê mà các em dự định đưa ra cho học sinh, rồi cách viết câu không ra câu, ý không ra ý… Khi hỏi ra mới biết đầu vào của các em chỉ có 15,5 điểm. Tôi tự hỏi, nếu các em không nỗ lực học hỏi không biết các em có đủ tự tin đứng trên bục giảng hay không?
Dẫu biết rằng thời thế đổi thay nên việc ưu tiên chọn ngành nghề cũng thay đổi. Song, thiết nghĩ đối với ngành sư phạm thì thời nào cũng phải là ưu tiên số 1, nó là “chiếc máy cái” cho các ngành khác. Học sư phạm tức là học để làm “thầy”. Tuy nhiên, với đầu vào “thê thảm” như vậy, làm sao có thầy giỏi? Mà thầy không giỏi lấy đâu ra trò giỏi? Bốn năm nữa, thế hệ những người “thầy” này sẽ ra trường, sẽ tiếp tục sự nghiệp trồng người – người lao động thế kỉ 21, liệu họ có gánh nổi trọng trách này không khi năng lực họ có giới hạn?
Nhìn danh sách trúng tuyển công chức ngành GD-ĐT TP.HCM năm học 2011-2012, tôi thấy có rất nhiều người có trình độ sau ĐH nên không khỏi mừng thầm. Đây là một sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyển dụng của Sở GD-ĐT TP.HCM. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có hàng ngàn ứng cử viên không trúng tuyển. Giờ đây họ sẽ đi đâu về đâu? Nhà nước, gia đình bỏ tiền của, bản thân họ bỏ công sức ra bao nhiêu năm trời giờ đây “cầu bất cầu bơ”. Dĩ nhiên họ có trình độ, họ không chịu ngồi ở nhà mà sẽ đi tìm công việc khác để làm, nhưng cái việc khác ấy họ đâu được đào tạo bài bản như vệc dạy học? Quả là một sự lãng phí khủng khiếp.
Những câu hỏi, những vướng mắc có lẽ không của riêng ai. Để giải quyết bài toán khó này cần lắm sự can thiệp của một chính sách vĩ mô. Cứ vào năm học mới, nhiều địa phương, nhiều cấp học vẫn nan giải đi tìm cho đủ giáo viên, trong khi có cấp lại “vừa dư vừa ế”. Nếu không nhanh chóng thay đổi thì ngành sư phạm lại rơi vào thế… “chuột chạy cùng sào…”.
Lê Thị Lý
(GV Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)