Cô Trần Nguyễn Thùy Dương trao đổi với nhóm thực hiện đề tài
|
Nhiều năm trở lại đây, việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt đang trở thành tình trạng phổ biến ở giới trẻ mà chủ yếu là học sinh (HS) tại các trường phổ thông. Sống trong môi trường ngôn ngữ bị biến dạng đó, là người trong cuộc hơn ai hết một số HS tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) đã hiểu rõ tác hại của nó đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Từ đó đề tài mang tên Việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt của nhóm HS Ngọc – Vy – Linh ra đời.
Tên đầy đủ của ba “nhà khoa học” nhí là Phan Hầu Mỹ Ngọc, Võ Thảo Vy và Phan Ngọc Linh. Tất cả đều là “thần dân” của lớp 11A2 Trường THPT Trần Khai Nguyên.
1. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường của mỗi người, bộ môn ngữ văn đã bồi đắp tình cảm yêu mến và ý thức quý trọng tiếng mẹ đẻ như lời dạy của Bác Hồ “Tiếng Việt là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. Theo Bác, sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng và sử dụng tùy tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác. Thế nhưng, theo đánh giá của Mỹ Ngọc, ở nước ta ngôn ngữ Tây hóa cứ tràn lan trên khắp mọi nẻo đường, có mặt trong bảng quảng cáo, nhà hàng, cao ốc văn phòng cho đến nghệ danh, thậm chí tên con cái… Đây là xu hướng rất đáng báo động. Nếu trước đây người ta lấy nghệ danh chính tên cha sinh mẹ đẻ thì bây giờ họ “chế” ra đủ loại tên như: Akira Phan, Noo Phước Thịnh, Midu… Quán ăn, nhà hàng cũng bị Tây hóa mất gốc kiểu như: Golden Plaza (Hàng Trống), Golden Lake (Hàng Mành), Luxury (Phủ Doãn)… Cửa hàng hay cửa hiệu, người ta thấy đầy rẫy những shop Men, shop Fashion, Baby’shop. Đó là chưa kể một số gia đình theo trào lưu sính ngoại đặt tên con bằng tiếng Anh như Sony, Apple, Soll, Goll… Đặc biệt trong giới trẻ đang tạo lập cho mình một thứ “ngôn ngữ” lạ tai nhưng lại rất lệch với chuẩn tiếng nói và chữ viết toàn dân. Khi trao đổi, người ta không nói: “Khi nào lên mạng thì báo hiệu cho tớ” mà nói theo kiểu “bồi Tây” nửa nạc nửa mỡ: “Khi nào online thì buzz cho tớ với?”. Mỗi khi chat tiếng Anh thì các cô/cậu lại hỏi một câu bằng 3 từ ASL? (age/sex/locasion) vừa nhanh vừa gọn cho cả ba vấn đề (tuổi, giới tính, nơi ở). Không chỉ trao đổi thông tin với nhau trên mạng hay trong tin nhắn mà ngay cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày nhiều HS đang tìm mọi cách dung nạp tiếng nước ngoài quá mức cho phép. Thay vì nói lời cảm ơn, xin lỗi họ lại: Thank you, sorry ngập miệng. Có nữ sinh THPT mặc dù đã cố tình sửa nhưng trước khi đi học vẫn quen miệng: Goodbye papa! hoặc Goodbye mama(!).
2. Từ những dẫn chứng đó, “nhà ngôn ngữ học” Thảo Vy khẳng định, tiếng mẹ đẻ đang có nguy cơ bị sử dụng sai đi mọi mặt một cách cố ý. Theo em, khi tiếng Việt không có yếu tố nào đó để biểu hiện thì có thể chấp nhận vay mượn từ tiếng nước ngoài kiểu như laptop, elip, ôxy, cacbon… Hoặc nếu sử dụng thì chỉ trong phạm vi hẹp lúc đi chơi hay trò chuyện vui đùa. Tiếc thay nhiều trường hợp HS đưa ngôn ngữ ngoại lai vào cả trong bài thi, bài viết kiểm tra. Cô Trần Nguyễn Thùy Dương – giáo viên hướng dẫn đề tài cho nhóm – đã từng khổ sở với một tin nhắn của học trò mà có một vài từ cô không thể nào dịch sang tiếng Việt được. Trong khi đó, cô Diệp Thị Cẩm Hằng – Phó hiệu trưởng nhà trường – cũng không quên bài kiểm tra môn giáo dục công dân mới đây của một HS trong trường mà trong đó người làm bài sử dụng cả những từ ngữ viết tắt và ngôn ngữ chat của tuổi teen. Đây chính là vấn đề nóng mà nhóm đề tài đã đưa ra để báo động với mọi người.
Rõ ràng việc vay mượn tiếng nước ngoài mà chủ yếu là tiếng Anh hoàn toàn không sai nếu thấy cần thiết. Có lỗi chăng là ở môi trường sử dụng phải đúng lúc, đúng chỗ cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin như cô Thùy Dương trao đổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài, việc lạm dụng thái quá chắc chắn một ngày không xa chúng ta sẽ mất dần bản sắc dân tộc, vốn từ tiếng Việt ngày một nghèo đi, pha tạp, lai căng và mất gốc.
Sức thuyết phục của đề tài thể hiện rõ nhất ở chương 2 – chương trình bày nguyên nhân của việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt. Bằng việc thu thập tư liệu trên mạng và cả trong sách báo, bộ ba Ngọc – Vy – Linh đã chọn lọc và xử lý khái quát được những nội dung cốt lõi nhất của vấn đề. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như môi trường sống còn có nguyên nhân chủ quan từ con người như xu hướng lai căng, vọng ngoại, thích thể hiện đẳng cấp cá tính mà đáng nói nhất là giảm sút tình yêu tiếng Việt, ý thức trách nhiệm với tiếng nói đẹp giàu của dân tộc.
3. Tính ứng dụng và giá trị thiết thực của đề tài còn thể hiện ở những giải pháp mà nhóm đưa ra để khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trong sử dụng tiếng Việt. Đây là yếu tố giúp đề tài vượt qua hàng trăm đối thủ nặng ký để lọt vào chung kết cuộc thi HS nghiên cứu đề tài khoa học kỹ thuật VISEF cấp thành phố năm 2013 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Không chỉ có Luật Ngôn ngữ để áp dụng cho mọi thành phần mà còn phải phát động phong trào “Người Việt nói và viết tiếng Việt với người Việt” để khuyến khích người dân Việt Nam dùng hàng Việt Nam cả trong ngôn ngữ giao tiếp. Đặc biệt thầy cô ở trường và cha mẹ ở nhà luôn có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho HS nói và viết tiếng Việt đúng chuẩn mực. Đó chính là mục đích cao nhất mà đề tài đã hướng tới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
“Thầy cô ở trường và cha mẹ ở nhà luôn có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho HS nói và viết tiếng Việt đúng chuẩn mực. Đó chính là mục đích cao nhất mà đề tài đã hướng tới”. |
Bình luận (0)