Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thí sinh còn nhiều cơ hội nếu rớt ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM -giải đáp băn khoăn cho HS trong buổi tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Học sinh (HS) nào cũng mong muốn thi đỗ ĐH, nhưng tấm vé vào ĐH thì rất hạn chế. Vì thế, nhiều thí sinh chuẩn bị thi ĐH lo lắng rằng nếu không đỗ thì cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hàng ngàn cơ hội khác để các bạn trẻ thành công trong cuộc sống.
Học nghề vẫn thành công
Mỗi năm có khoảng 1 triệu HS tốt nghiệp THPT và hầu hết các em đều đăng ký thi vào ĐH, CĐ. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phân tích: “Mỗi năm chỉ tiêu vào ĐH, CĐ chỉ có khoảng 600.000 sinh viên, tức là khoảng 40% thí sinh bị loại khỏi cuộc thi này. Như vậy, đây là một kỳ thi khá cam go, đòi hỏi các em phải có năng lực và biết chọn trường phù hợp với năng lực đó”.
Vậy 400.000 thí sinh này sẽ về đâu? Một số em có thể chọn ôn luyện để thi tiếp vào năm sau hay kiếm một công việc lao động phổ thông để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay đòi hỏi lao động phổ thông cũng cần phải có tay nghề (phải qua đào tạo) mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: “Các ngành nghề ngày càng đa dạng đòi hỏi người lao động phải học hỏi, cập nhật những xu thế mới để nâng cao tay nghề thì mới làm tốt công việc. Hiện nay, cả nước đang  “thừa thầy thiếu thợ” khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề. Riêng thị trường nhân lực TP.HCM chỉ cần khoảng 20% nhân lực trình độ ĐH, CĐ; còn lại là các công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu”.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang phát triển mạnh để hội nhập với kinh tế thế giới, các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện không chỉ có ở trung tâm thành thị mà còn về tới vùng ngoại thành như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn… do đó các vùng này cũng cần có công nhân kỹ thuật. Hơn nữa, nếu làm nông nghiệp như sản xuất lúa, ngô, khoai… người lao động được đào tạo bài bản sẽ cho ra các sản phẩm chất lượng hơn, năng suất cao hơn. Vì vậy, nếu không đỗ ĐH, CĐ, các em theo học nghề vẫn thành công trong tương lai”.
Hơn 30.000 chỉ tiêu học nghề tại TP.HCM
Hệ thống dạy nghề tại Việt Nam hiện có 153 trường CĐ nghề, 307 trường TC nghề và hơn 800 trung tâm dạy nghề. Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), chỉ tiêu đào tạo nghề ở cả ba cấp (sơ cấp nghề, TC nghề và CĐ nghề) mỗi năm là 1,5 triệu người. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có gần 1,5 triệu người đăng ký học nghề (CĐ nghề có 84.381 HS, TC nghề có 123.000 HS, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng có khoảng 1,3 triệu người). Trên 80% sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và thu nhập ổn định.
Riêng tại TP.HCM, theo kế hoạch tuyển sinh học nghề trình độ CĐ và TC của Sở LĐ-TB&XH vừa thông báo thì năm 2013 toàn thành phố sẽ có tổng chỉ tiêu là 33.805 người, trong đó CĐ nghề tuyển 21.755 chỉ tiêu, TC nghề tuyển 12.050 chỉ tiêu. Riêng khối các trường CĐ nghề tuyển 13.475 chỉ tiêu (CĐ tuyển 10.395 chỉ tiêu, bậc TC học ở trường CĐ tuyển 3.080 chỉ tiêu); khối các trường TC nghề tuyển 7.300 chỉ tiêu; khối các trường ĐH tuyển 8.850 chỉ tiêu (bậc CĐ tuyển 8.260 và TC tuyển 590); khối các trường CĐ của doanh nghiệp tuyển 3.400 chỉ tiêu (CĐ tuyển 3.100 và TC tuyển 300); khối các trường TCCN tuyển 780 chỉ tiêu.
Để tạo điều kiện cho HS được thực hành thực tế và có nhiều cơ hội việc làm khi tốt nghiệp, hiện nay, rất nhiều trường đào tạo nghề tại TP.HCM đã không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp. 
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường TC Nghề Nhân đạo, cho biết: “Năm nay trường tuyển 780 chỉ tiêu. Hiện trường có 2 ngành (kỹ thuật máy lạnh và quản trị mạng) nằm trong dự án nghề trọng điểm quốc gia nên được Nhà nước đầu tư thêm kinh phí khoảng 4 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất. Ngoài ra, mỗi năm trường đều tổ chức nhiều hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đưa HS đến các doanh nghiệp thực hành thực tế, dự kiến từ khóa tuyển sinh 2013, HS của trường sẽ đến học tập tại doanh nghiệp ít nhất là 2 lần/một khóa (mỗi lần khoảng 2 tháng).
Bài, ảnh: Nhật Minh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)