Sự kiện giáo dụcTin tức

Triển khai dạy SGK lớp 6 mới: Giáo viên phải hiểu và làm chủ chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-4, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT, Chương trình ETEP đã tổ chức Hội nghị Sơ kết bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 và kế hoạch năm 2021. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Một trong các mục tiêu trọng tâm của chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Chương trình ETEP) là phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV và CBLQ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, kết hợp giữa các phương thức trực tuyến, trực tiếp và sinh hoạt chuyên môn.

Theo đánh giá của Chương trình ETEP, năm 2020, do tình hình dịch Covid – 19 diễn ra phức tạp, tài liệu bồi dưỡng được hoàn thành muộn so với kế hoạch. Theo đó, thời gian bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ cốt cán bị dồn lại vào 3 tháng cuối năm. Điều này gây ra một số khó khăn cho công tác tổ chức bồi dưỡng và cho việc sắp xếp thời gian của các học viên. Tuy vậy, với sự nỗ lực của các trường ĐH Sư phạm và Học viện QLGD và sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các Sở GD-ĐT, Chương trình ETEP đã hoàn thành mục tiêu đề ea đối với bồi dưỡng các modun 2, 3 cho đội ngũ GV phổ thông cốt cán và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đã tạo ra được cơ chế gắn kết giữa các trường ĐH Sư phạm với các Sở GD-ĐT, hình thành được một cộng đồng học tập tích cực với sự tham gia của đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, đội ngũ GV phổ thông và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà trên cả nước.

Về triển khai thực hiện chương trình – SGK lớp 2-lớp 6, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, năm 2020 là một năm đặc biệt đối với GD-ĐT. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới sau 6 năm chờ đợi. Thời gian đầu triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Nhưng đến nay, những phản hồi từ các trường học, từ xã hội, từ các Sở GD về việc thực hiện triển khai chương trình GDPT 2018 là rất tích cực. HS dễ học được bài hơn, đọc trơn tiếng Việt nhanh, vốn từ phong phú đã hỗ trợ cho các em học những môn khác rất tốt. HS và GV tự tin, chủ động khi thực hiện chương trình mới.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Việc xây dựng chương trình bồi dưỡng vì vậy phải rõ ràng, minh bạch, giúp GV triển khia thực hiện tốt Chương trình GDPT mới. Những khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính sẽ sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, có những vấn đề, địa phương phải có sự linh động trong vận dụng. Đơn cử như việc các trường có thể tăng số lượng giáo viên cốt cán tham gia tập huấn thì có thể chủ động thêm từ kinh phí địa phương. Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính để sớm có thông tư về hỗ trợ bồi dưỡng trực tuyến”. Năm học 2021 – 2022 chúng ta bắt đầu triển khai chương trình – SGK mới với lớp 6. So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn. Ngoài các môn học mới, như không còn môn Lý, Hóa, Sinh nữa mà là môn KHTN, môn Lịch sử, Địa lý tích hợp cộng thêm những yêu cầu khác. Đầu vào của HS lớp 6 năm tới không học được trọn chương trình của Chương trình GDPT mới 2018 của tiểu học. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp HS tiểu học được bổ trợ các kiến thức để đảm bảo yêu cầu đầy đủ kiến thức để sẵn sàng đón nhận chương trình lớp 6. “Tuy nhiên, thách thức khi triển khai chương trình – SGK ở lớp 6 là rất lớn. GV giảng dạy lớp 6 năm học tới phải rất tâm huyết, hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn vướng mắc”, Thứ tưởng nhấn mạnh.

Phan Lệ

 

Bình luận (0)